The Scream (Tiếng thét) của họa sĩ Na Uy Edvard Munch (1863 - 1944) là 1 trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới. Lý do khá dễ hiểu: Nỗi đau và sự lo lắng của người đàn ông trong tranh mang tính phổ quát, và là cảm xúc mà mọi người đều ít nhiều trải qua trong đời.
Trên thực tế, Munch và những người thân thiết quanh ông cũng nhiều năm chịu đau khổ trong bệnh tật. Và triển lãm Lifebood: Edvard Munch (Máu: Edvard Munch) vừa khai mạc tại Oslo (Na Uy), sẽ khám phá một câu chuyện thú vị: Thế giới y học đã ảnh hưởng lên nghệ thuật của Munch như thế nào?
Nỗi ám ảnh về bệnh tật
Trong nhật ký có tiêu đề "Nice, ngày 22/1/1892", Edvard Munch đã kể lại nguồn cảm hứng cho bức tranh The Scream: "Một buổi tối nọ, tôi đang đi bộ dọc theo một con đường, 1 bên là thành phố, 1 bên là vịnh hẹp. Tôi cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Tôi dừng lại và nhìn ra vịnh hẹp. Mặt trời đang lặn, những đám mây chuyển sang màu đỏ như máu. Tôi cảm nhận được một tiếng thét xuyên qua thiên nhiên, dường như tôi nghe thấy tiếng thét đó. Tôi đã vẽ bức tranh này, vẽ những đám mây như máu thật. Màu sắc gào thét. Và đó chính là The Scream".
Bức “The Scream” vẽ năm 1893 của Edvard Munch
Ký ức này sau đó đã được Munch chuyển thể thành 1 bài thơ, cũng như vẽ ra 4 phiên bản tranh. Nhưng không chỉ ở The Scream, các bệnh về thể chất và tinh thần từ lâu đã ảnh hưởng rất lớn tới ông. Ông vừa bị ám ảnh nhưng cũng bị chúng mê hoặc.
Khi Munch chào đời vào năm 1863, rất ít người ở Na Uy hay bất kỳ nơi nào khác được sinh ra hoặc qua đời trong bệnh viện. Đến thời điểm ông qua đời vào năm 1944, việc này mới nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn ở nhiều nơi trên thế giới.
Dù vậy, Munch vẫn rất quen thuộc với thế giới y học. Bố và em trai ông là những bác sĩ, còn bản thân ông đã phải chịu đựng những căn bệnh về thể chất và tâm thần trong suốt cuộc đời. Những trải nghiệm này đã ảnh hưởng đến cách ông khắc họa những cơ thể và tâm trí đau yếu.
Lifeblood: Edvard Munch - triển lãm mới tại Bảo tàng Munch ở Oslo (Na Uy), khám phá sự quan tâm của Munch với bệnh tật thông qua hội họa và hiện vật. Triển lãm không chỉ nhìn lại cuộc đời của danh họa mà còn tìm hiểu lịch sử y học cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Andreas Munch đang nghiên cứu giải phẫu, vẽ năm 1886
Phụ trách triển lãm, giáo sư sử học nghệ thuật tại Đại học Queen ở Canada, Allison Morehead cho biết: "Buổi triển lãm cho phép du khách khám phá lịch sử chăm sóc sức khỏe thông qua những tác phẩm biểu cảm mạnh mẽ của Munch, cảm nhận và suy ngẫm về những điểm yếu của cơ thể và hiểu rõ hơn về hành trình bền bỉ tìm kiếm sức khỏe của chúng ta".
Munch trải qua phần lớn thời thơ ấu trong tình trạng sức khỏe kém, và đôi khi phải chạy việc vặt cho người bố làm bác sĩ của mình. Khi còn là một thiếu niên, ông đã vẽ những bức tranh màu nước nhỏ về các lọ thuốc, một số trong đó xuất hiện trong triển lãm.
Những người thân yêu của Munch cũng bị bệnh tật hành hạ, điều này khơi dậy nỗi sợ hãi nhưng cũng truyền cảm hứng cho nghệ thuật của ông. Như Mai Britt Guleng, giám tuyển tại Bảo tàng Quốc gia ở Oslo, nói: "Gia đình Munch có những bệnh di truyền: Bệnh tâm thần, bệnh thần kinh và bệnh lao… Munch và các anh chị em của ông luôn lo lắng về điều này".

Chai và thìa thuốc, vẽ năm 1877
Cha của Munch phải vật lộn với chứng trầm cảm, và chị gái Laura của ông đã phải nằm viện tâm thần. Trong khi đó, mẹ ông qua đời vì bệnh lao khi ông mới 5 tuổi, và chị gái Sophie cũng qua đời vì căn bệnh này khi ông 14 tuổi.
Cái chết của chị gái đã truyền cảm hứng cho bức chân dung The Sick Child (Đứa trẻ ốm yếu) vẽ năm 1886 của Munch, khắc họa một cô bé nhợt nhạt với mái tóc đỏ. Anh trai của Munch, Andreas, cũng qua đời vì bệnh viêm phổi khi đã trưởng thành.
Gợi lên nhiều suy nghĩ
"Tôi cảm nhận được một tiếng thét xuyên qua thiên nhiên, dường như tôi nghe thấy tiếng thét đó. Tôi đã vẽ bức tranh này, vẽ những đám mây như máu thật" - EDVARD MUNCH.
Edvard Munch nổi tiếng với những bức tranh khai thác chủ đề tâm lý, chẳng hạn như bức The Scream. Tuy nhiên, một số tác phẩm đầu tay của ông lại miêu tả những vấn đề y khoa đời thường.
Năm 1919, Munch, khi đó 56 tuổi, mắc bệnh cúm Tây Ban Nha, căn bệnh đã tàn phá châu Âu thời kỳ đó. Trong thời gian này, họa sĩ đã vẽ bức Self-Portrait With Spanish Flu (Chân dung tự họa với bệnh cúm Tây Ban Nha), vẽ chính mình đang nhìn chằm chằm về phía người xem, cố gắng thở. Trong triển lãm, bức tranh này được trưng bày bên cạnh thiết bị hỗ trợ hô hấp mà Munch đã sử dụng trong thời gian bị bệnh.
Cũng được trưng bày là một tác phẩm mang tên On The Operating Table (Trên bàn phẫu thuật), miêu tả một người đàn ông đang nằm trên bàn mổ, được vây quanh bởi các bác sĩ và y tá. Bức tranh này gắn liền với cuộc xô xát dữ dội giữa Munch và vị hôn thê của ông vào năm 1902, khiến ông bị thương do trúng đạn ở tay. Các chuyên gia không chắc ai là người đã bắn phát súng đó, nhưng cuộc phẫu thuật mà Munch phải chịu đựng sau đó đã truyền cảm hứng cho tác phẩm.

Chân dung tự họa vẽ năm 1919 của Edvard Munch cùng với thiết bị hỗ trợ hô hấp mà nghệ sĩ đã sử dụng trong thời gian bị bệnh cúm Tây Ban Nha
Triển lãm cạnh bức tranh này là hình ảnh chụp X-quang bàn tay của Munch - một công nghệ mới vào thời điểm đó - cho thấy một viên đạn nằm trong tay ông. Các hiện vật y khoa khác cũng được trưng bày bao gồm lọ đựng đờm bằng thủy tinh, lồng ấp trẻ sơ sinh, ống nghe, giấy chứng nhận tiêm chủng, đồng phục y tá và các dụng cụ tránh thai. Tất cả cho thấy cách y học tiếp tục định hình cuộc sống của con người như thế nào.
Theo tuyên bố từ triển lãm, tác phẩm của Munch thường phản ánh những lo lắng về sức khỏe của phụ nữ, chẳng hạn như "u sầu, cuồng loạn, giang mai, ngừa thai, sinh nở và chăm sóc trẻ sơ sinh". Hãy xem bức tranh Inheritance (Kế thừa, vẽ trong khoảng năm 1897 đến 1899) của ông, vẽ một người mẹ đang ho và bế một đứa trẻ sơ sinh ốm yếu. Bức tranh được cho là lấy cảm hứng từ chuyến thăm của Munch đến một bệnh viện chữa giang mai ở Paris, nơi ông nhớ lại cảnh một người mẹ biết rằng con mình đã bị nhiễm căn bệnh này.
"Lifeblood: Edvard Munch hé lộ khía cạnh ít được biết đến của Munch - nơi nghệ thuật trở thành phương tiện chứa đựng nỗi sợ hãi, hy vọng và lòng trắc ẩn bao trùm bệnh tật và sự chăm sóc" - theo Tone Hansen, giám đốc Bảo tàng Munch - "Bằng cách đan xen tác phẩm của Munch với lịch sử y học, triển lãm này mời gọi chúng ta suy ngẫm về sức khỏe và sự yếu đuối của chính mình trong thời điểm bất ổn sâu sắc".
Triển lãm Lifeblood: Edvard Munch đang diễn ra tại Bảo tàng Munch ở Oslo và sẽ kéo dài đến hết ngày 21/9/2025.
Đôi nét về Edvard Munch
Edvard Munch (12/12/1863 - 23/1/1944) sinh ra trong một trang trại ở làng Adalsbruk thuộc Loten, Na Uy. Ngày nhỏ, thường bị đau ốm trong phần lớn mùa Đông và không được đến trường, Munch vẽ để giữ mình bận rộn. "Tôi thừa hưởng 2 kẻ thù đáng sợ nhất của nhân loại - di sản của bệnh lao và chứng mất trí" - ông viết sau này.
Đến tuổi thiếu niên, nghệ thuật đã thống trị sở thích của Munch. Năm 13 tuổi, ông lần đầu tiên tiếp xúc với các nghệ sĩ khác tại Hiệp hội Nghệ thuật mới thành lập, nơi ông ngưỡng mộ tác phẩm của trường phái phong cảnh Na Uy. Khi học tại Trường Nghệ thuật và thiết kế Hoàng gia ở Kristiania, Munch bắt đầu chịu ảnh hưởng từ họa sĩ Hans Jæger - người đã thúc đẩy ông vẽ nên trạng thái cảm xúc và tâm lý của chính mình; từ đó hình thành nên phong cách đặc trưng của ông.
Những chuyến đi mang đến những ảnh hưởng và lối thoát mới. Ở Paris, ông học hỏi được nhiều điều từ Paul Gauguin, Vincent van Gogh và Henri de Toulouse-Lautrec, đặc biệt là cách sử dụng màu sắc của họ. Tại Berlin, ông gặp nhà viết kịch người Thụy Điển August Strindberg khi ông bắt tay vào thực hiện một loạt tranh lớn mà sau này ông gọi là The Frieze of Life (Viền cuộc đời) khắc họa một loạt chủ đề sâu sắc như tình yêu, nỗi lo âu, ghen tuông và sự phản bội.
Trong những ngày đầu, tranh của Munch bị một số nhà phê bình cho là "điên rồ" vì ông xuất thân từ một "gia đình điên loạn". Nhưng sau khi danh tiếng và sự giàu có ngày càng tăng, trạng thái cảm xúc của ông vẫn bất an. Ông đã từng cân nhắc đến chuyện kết hôn, nhưng cuối cùng không đến đâu. Một cơn suy sụp tinh thần vào năm 1908 đã buộc ông phải từ bỏ thói quen uống rượu nặng. Những năm cuối đời, ông dành thời gian làm việc trong yên bình và riêng tư.