Bảo tàng Gốm thời dựng nước của cựu diễn viên Chi Bảo có tuổi đời gần như trẻ nhất ngành bảo tàng ở Việt Nam (mới khai trương ở TP.HCM tuần trước), nhưng lại chọn trưng bày đa số hiện vật rất "già tuổi", từ 8.000 - 6.000 năm trước Công nguyên cho đến nửa thiên niên kỷ trước.

Trước khi khai trương bảo tàng gốm tư nhân, Chi Bảo đã có chõ gốm thời văn hóa Đông Sơn (800 TCN - 200 TCN) được công nhận Bảo vật quốc gia vào ngày 31/12/2024. Với việc công nhận dành cho chõ gốm này, TP.HCM chính thức có 17 trong 327 Bảo vật quốc gia của cả nước.

Một hướng đi đúng

Đến với ngày khai trương Bảo tàng Gốm thời dựng nước, nhiều người đã bất ngờ và xúc động khi được xem khoảng 400 hiện vật được chọn lọc trưng bày. Chi Bảo cho biết anh bỏ ra 10 năm để sưu tập được 1.000 hiện vật, chủ yếu mua lại từ các nhà sưu tập đi trước, chứ trong dân gian và thị trường thì gốm xưa còn khá ít, hoặc khó giao dịch, vì chủ nhân không muốn bán. Vì mua làm bảo tàng, nên anh được sự giúp sức và trợ duyên của rất nhiều người.

Chi Bảo và những mảnh gốm thời văn hóa Đa Bút (Thanh Hoá), niên đại khoảng 8.000 - 6.000 năm trước Công nguyên

Qua các di chỉ, có thể thấy gốm của Việt Nam xuất hiện từ văn hóa Hòa Bình (12.000 - 10.000 TCN), Bắc Sơn (10.000 - 8.000 TCN), Quỳnh Văn (8.000 - 6.000 TCN), Cái Bèo (7.000 - 5.000 TCN), Đa Bút (6.000 - 5.000 TCN), Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 TCN), Sa Huỳnh (2.000 - 1.000 TCN), Đồng Đậu (1.500 - 1.000 TCN), Gò Mun (1.000 - 600 TCN), Đông Sơn (800 TCN - 200 TCN)… và mãi về sau này, trong đó có Lý - Trần, Chu Đậu (thế kỷ 13), nhà Lê, nhà Nguyễn…

Vì thích những hiện vật còn hình thù tương đối nguyên vẹn, nên sưu tập của Chi Bảo chưa có gốm nguyên vẹn của Hòa Bình, Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Đa Bút…, mà đặc biệt có của Cái Bèo, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn… Thẳng thắn nhìn nhận thì nhiều hiện vật còn khó thấy ở trong các bảo tàng công lập, vài hiện vật thời Cái Bèo, Phùng Nguyên… xứng đáng là Bảo vật quốc gia.

Nhìn lại lịch sử sáng tạo của Việt Nam, gốm có lẽ là 1 trong vài dấu vết đầu tiên còn sót lại, qua đây cho thấy được tâm tình và thẩm mỹ của người xưa. Trong bảo tàng của Chi Bảo, những hiện vật từ văn hóa Phùng Nguyên quả thật là hoàn hảo, quý hiếm.

cho-gom-1753137836292160393821.jpeg

Chõ gốm thời văn hóa Đông Sơn được công nhận Bảo vật quốc gia

Tại sao nói Bảo tàng Gốm thời dựng nước là đi đúng hướng? Vì trong giới sưu tập Việt Nam, gốm xưa hoặc gốm thời dựng nước chưa được chú ý nhiều như đồ kim khí, đồ đồng, đồ sứ, đồ gỗ…. Vì vậy chúng ít có bộ sưu tập chuyên biệt, mà chỉ rải rác, xen lẫn trong các bộ sưu tập khác. Do đó, việc ra đời của Bảo tàng Gốm thời dựng nước là một bổ khuyết khá quan trọng, để ai muốn quan tâm riêng mảng này thì có nơi tìm đến xem, nghiên cứu.

"Gốm Việt Nam có nét rất lạ và rất duyên dáng. Chúng ta phải công nhận tính thẩm mỹ của người xưa rất cao. Nếu xét trên góc độ cổ vật, so với các vùng khác, chúng ta thấy nhiều hoa văn, hình dáng mà đến thời hiện đại vẫn rất đẹp, rất duyên dáng" - Chi Bảo chia sẻ - "Các nhà nghệ thuật, kiến trúc, nghiên cứu… đã đưa ra nhận định rằng không hiểu tại sao các tỷ lệ cổ vật về bình, lọ, nồi niêu, nếu so với thời hiện đại bây giờ vẫn rất đẹp. Các cụ từ ngàn xưa đã có gu thẩm mỹ tinh tế như thế.

Tìm vị trí tương xứng hơn cho bảo tàng

Hiện tại bảo tàng đặt tại phường An Khánh, mở cửa theo lịch đặt hẹn trước, phục vụ khách đoàn. Trong tương lai, khi tìm được địa điểm đẹp hơn ở quận 1 (cũ) của TP.HCM, Bảo tàng Gốm thời dựng nước sẽ mở cửa đón công chúng thường xuyên.

bao-tang-17531378362372125138761.jpeg

Một trong các toà nhà của Bảo tàng Gốm thời dựng nước

Đây là một sự cầu tiến và cầu toàn của Chi Bảo, chứ thực ra ở vị trí hiện tại như phường An Khánh (TP.HCM), với không gian sang trọng và cách trưng bày công phu, bảo tàng đã cho thấy sự đầu tư chỉn chu, hiếm gặp.

"Nhìn lại lịch sử sáng tạo của Việt Nam, gốm còn mang nhiều dấu ấn xa xưa của tổ tiên, nên tôi muốn tìm vị trí trang trọng hơn để ghi ơn với tổ tiên và giới thiệu với khách quốc tế nữa. Tôi nghĩ khi có vị trí thuận lợi, sự bày trí khoa học, bảo tàng gốm xưa sẽ thành một điểm nhấn với những ai quan tâm đến thời dựng nước của Việt Nam ta" - Chi Bảo tâm sự.

Hiện Chi Bảo đang muốn liên minh với Nhà nước, với các tổ chức và nhiều nhà sưu tập khác để nâng tầm bảo tàng này, biến nó thành điểm nhấn trong hệ thống bảo tàng có thể tham quan thường xuyên tại TP.HCM. Nếu điều này sớm thành hiện thực, thì lịch sử - văn hóa thành phố, ngành giáo dục và công chúng là những đối tượng được huởng lợi trước mắt.

Trong tương lai, khi tìm được địa điểm đẹp hơn ở quận 1 (cũ) của TP.HCM, Bảo tàng Gốm thời dựng nước sẽ mở cửa đón công chúng thường xuyên.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022