Người phán xử là một phim đầu tư mạnh về hình ảnh, ngôn từ, hay những chi tiết trong bối cảnh. Đôi khi những thứ rất nhỏ như quần áo, cách ăn mặc của nhân vật, thậm chí những cuốn sách mà họ cầm trên tay cũng có thể là dụng ý của nhà làm phim, cốt là để khéo léo tiết lộ màu sắc, cá tính của các nhân vật. 

Khán giả vẫn hay trầm trồ sao các nhân vật trong Người phán xử toàn giang hồ, hổ báo nhưng lại cứ "thở ra văn, nói ra thơ"!? Bởi vì họ đọc nhiều sách các bạn ạ! Cùng điểm lại xem từ đầu phim đến giờ đã có bao nhiêu áng văn chương đồ sộ xuất hiện xem phim, nhé!

Cuốn Ông trùm quyền lực cuối cùng của Mỹ Hạnh

Ở đầu tập 15, khi Lê Thành bắt gặp Mỹ Hạnh ở bến xe bus, cô nàng đang cầm một cuốn sách của Mario Puzo trên tay. Lê Thành khá ngạc nhiên về cuốn sách và hỏi rằng: "Anh cứ tưởng những cô gái như em chỉ thích đọc ngôn tình thôi chứ?".

h1-1496902168598-crop-1496902286684.png

Rất nhiều người nghĩ rằng cuốn sách trên tay Mỹ Hạnh khi đó là The Godfather (tựa Việt là Bố Già) do Mario Puzo viết vì tựa sách lướt qua rất nhanh và cốt truyện của Người phán xử cũng khá tương tự với cuốn Bố Già của tác giả này. Tuy nhiên, cuốn mà Mỹ Hạnh đang cầm thực ra là cuốn The Last Don (tựa Việt: Ông trùm quyền lực cuối cùng) – một tác phẩm khác của tác giả Mario Puzo, cũng viết về đề tài mafia.

h2-1496902168600.png

Khác với Bố Già, Ông trùm quyền lực cuối cùng có bối cảnh ở Mỹ thay vì là Ý. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là ông trùm già Domenico Clericuzio. Một cái tên tiêu biểu cho thế hệ ông trùm đời cũ, làm việc thận trọng và giỏi về nhân trị. 

Về cuối đời, Clericuzio muốn hướng các thành viên trong gia đình mình theo hướng làm ăn hợp pháp. Tuy nhiên, kế hoạch của ông lại gặp trắc trở bởi những đứa cháu với đầy các toan tính quỷ quyệt, làm chao đảo gia đình.

Nói về điều này, hẳn khán giả cũng đã nhận ra Ông trùm quyền lực cuối cùng có khá nhiều tương đồng với tình hình Người phán xử hiện tại, khi ông trùm Phan Quân cũng vừa "gác kiếm ở ẩn" và chuyển hướng kinh doanh của Phan Thị về các hoạt động hợp pháp, bền vững. Tuy nhiên, Phan Hải con ông lại chỉ chăm chăm vào các hoạt động bảo kê, buôn lậu và ma tuý để cạnh tranh với đối thủ trong thế giới ngầm.

Xung đột trong Ông trùm quyền lực cuối cùngNgười phán xử đích thực là xung đột giữa 2 thế hệ thủ lĩnh giang hồ cũ - mới. Khi các ông trùm cũ phải vật lộn cả với tuổi già và sự biến đổi của thời gian để bảo vệ những giá trị mình đã gầy dựng. 

Mỹ Hạnh cũng tỏ ra là một người rất thần tượng các hình mẫu ông trùm bản lĩnh. Điều này lý giải vì sao cô luôn nói tốt cho Phan Quân trước mặt Lê Thành, khuyên anh nên nhìn nhận mặt tốt của bố mình cũng như bảo vệ ông trùm trước sự hằn học của các anh.

Phân tâm học (Phan Quân đọc)

Trong tập 18, khi vừa giả chết trở về và giết Thế Chột không thành, Phan Quân suy đoán trong nội bộ những người thân cận xung quanh ông có kẻ phản bội. Ông và Lương Bổng đã khá "căng thẳng" với nhau khi Phan Quân nói rằng mình không tin ai ngoại trừ bản thân mình, kể cả các con ruột. 

Lương Bổng khi nghe đến câu đó thì tỏ ra khá thất vọng và tự ái. Ông hỏi: "Kể cả tôi nữa à?". Đáp lại, Phan Quân bông đùa: "Vì anh bị điên. Nên tôi cũng chừa ra". Hai người phá lên cười và giải toả không khí căng thẳng đang bao trùm. Điều đặc biệt ở đây là, Phan Quân nghi ngờ nội bộ của mình khi đang dò xem cuốn Phân tâm học Văn hoá tâm linh.

h4-1496902168603.png
h5-1496902168605.png

Phân tâm học là một bộ môn tâm lý chuyên sâu có tính trừu tượng cao do nhà khoa học người Áo thế kỷ 19 Sigmund Freud sáng tạo ra. Đây là một lĩnh vực cực kỳ "khó nhằn" trong các ngành tâm lý học nhưng đồng thời cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều các bộ phim thriller của thế kỷ 20, đặc biệt là những phim của đạo diễn Alfred Hitchcock.

h6-1496902168607.png

Không rõ là cuốn Phan Quân đang cầm trên tay khi đó là của nhà xuất bản nào, do dịch giả nào chuyển ngữ nhưng theo lời giới thiệu của ấn phẩm do NXB Văn Hoá Thông Tin xuất bản thì nội dung cuốn sách như sau:

"Con người là một thể đa chiều có 3 kích thước cơ bản: bản chất sinh học, bản chất xã hội và bản chất tâm linh. Bản chất sinh học và bản chất xã hội được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu rất nhiều nhưng bản chất tâm linh thì bị nhiều người coi là không phải đối tượng của khoa học mà là đối tượng của huyền môn. Vì thế tâm linh đã phải chịu không ít hiểu lầm và ngộ nhận..."

Tâm lý học? Bản chất con người? Tâm linh? Chúng ta nên dừng chủ đề này tại đây vì những gì xung quanh cuốn sách trở nên quá cao siêu mất rồi. Đánh giá về chi tiết này đành để dành cho độc giả cảm nhận vậy. 

Nhưng nói gì thì nói, đối với một người xuất thân từ nghèo khó, hoạt động trong thế giới ngầm như ông trùm Phan Quân thì việc tiếp thu nghiên cứu một lĩnh vực như vậy quả thực là rất đáng nể đấy chứ? Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đâu phải một sớm một chiều là làm xong.

Lê Thành đọc sách của Daniel H. Pink

Trong tập 21 của Người phán xử, thời điểm sau khi Lê Thành biết bạn gái có thai ngay lúc đang muốn chia tay, khán giả thấy Lê Thành ngồi suy tư và trên tay là một cuốn sách. Lê Thành bỗng chốc trở thành "người khó xử" vì ngay sau đó, Quyên cũng đang muốn chia tay chồng để đến với anh. 

Cuốn sách mà Lê Thành đang cầm trên tay lúc đó là Một tư duy hoàn toàn mới của tác giả Daniel H.Pink.

h8-1496902168610.png

Tác phẩm nói về việc tư duy bằng cả hai bán cầu não khi thời đại của bán cầu não trái đã qua và bây giờ là thời điểm để những người tư duy thiên về bán cầu não phải lên ngôi. Đó là những người thiên về cảm xúc, hoà hợp, đồng cảm hơn là lý trí.

h9-1496902168611.png

Lê Thành là một chuyên viên tư vấn tâm lý nên việc anh cầm đọc một cuốn sách về tâm lý cũng chẳng có gì lạ. Tuy nhiên, trong lúc bối rối như vậy mà anh vẫn có tâm trạng để nghiên cứu công việc thì cũng thật là đáng ngạc nhiên. 

Có lẽ đạo diễn muốn thể hiện rằng, đôi khi chúng ta cần phải lắng nghe tiếng gọi của cảm xúc thay vì tin vào lý trí khô cứng và vì thế mà Lê Thành mới phân vân xem nên chọn đi theo tình yêu của Quyên hay chấp nhận đương đầu với trách nhiệm và làm chồng của Ngọc?

h10-1496902168612.jpg

Chọn con tim hay là nghe lý trí?

Tóm lại, người ta vẫn hay nói: "Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là con người như thế nào". Nếu bạn của một người phản chiếu tính cách của người đó thì sách chính là thứ bộc lộ bản chất của họ. 

Vậy nên, trong các bộ phim, những cuốn sách đôi khi được sử dụng như một cách để khắc hoạ cá tính và màu sắc của nhân vật. Người phán xử cũng không ngoại lệ. Những cuốn sách trên phim có thể vừa là cách để chúng ta hiểu nhân vật vừa là những gợi ý để mở rộng kiến thức, tạo động lực tìm tòi thêm các tựa sách hay cho những người ham đọc.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022