Một mẫu số chung trên thế giới: Các quốc gia phát triển về văn hóa luôn có những mô hình đầu tư và tài trợ thành công cho lĩnh vực văn hóa, tạo ra sự phát triển bền vững cho cộng đồng.

Theo đó, các quốc gia này đều có một hệ sinh thái văn hóa phong phú, gắn với hệ thống tài trợ văn hóa đa dạng, bao gồm các quỹ hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ… Và theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam rất cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để vận dụng thành công các nguồn đầu tư và tài trợ cho văn hóa.

Những "gợi mở" đa dạng

Những chính sách đầu tư, tài trợ cho văn hóa của các quốc gia thành công về phát triển công nghiệp văn hóa như Pháp, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều có những gợi mở phù hợp nhất định cho chính sách văn hóa của Việt Nam.

Như lời TS Nguyễn Văn Tình (Bộ VH,TT&DL), các mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hóa trên thế giới hết sức đa dạng và khác nhau. Chúng ta cần nghiên cứu những mô hình, phương thức đầu tư và tài trợ cho văn hóa phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ông Tình cho rằng, Hàn Quốc chính là trường hợp điển hình gợi mở cho việc xây dựng các chính sách đầu tư và tài trợ cho văn hóa ở Việt Nam.

“Làn sóng Hàn Quốc” có ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới

"Việt Nam và Hàn Quốc có sự tương đồng... Về cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ, cả 2 nước đều có Bộ VH,TT&DL" - ông Tình nhấn mạnh - "Tuy nhiên, Hàn Quốc đã tạo nên một kỳ tích văn hóa làm cả thế giới nể phục khi dựng nên một trào lưu văn hóa Hàn hay còn gọi "Làn sóng Hàn Quốc". Và, Hàn Quốc là nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển xếp thứ 5 thế giới".

Cũng theo chuyên gia này, "cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý văn hóa, thể thao và du lịch của Hàn Quốc cũng rất đáng để chúng ta nghiên cứu, học tập, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang bước vào công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy như hiện nay".

Theo đó, Bộ VH,TT&DL Hàn Quốc chỉ có 12 cục, vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 9 đơn vị sự nghiệp mang tính quốc gia. Các đơn vị hoạt động sự nghiệp khác cả ở Trung ương lẫn địa phương cũng được Nhà nước tài trợ một phần, phần còn lại các đơn vị tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, Hàn Quốc cũng thành lập Hội đồng nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương với ngân sách được Chính phủ cấp hơn 100 triệu USD.

Cũng dẫn ra trường hợp Hàn Quốc, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung bày tỏ: "Chúng ta vẫn hay lấy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc để làm ví dụ, nhưng nhìn vào những bề nổi dễ thấy từ thành công về K-pop mà không nhìn sâu toàn cảnh về chiến lược xây dựng và phát triển của họ. K-pop là một mũi nhọn mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp, có thể nhìn rõ nhất, nhưng không phải là tất cả hay duy nhất".

Cụ thể, riêng trong lĩnh vực âm nhạc, Bộ VH,TT&DL Hàn Quốc cũng bảo trợ cho rất nhiều phong cách âm nhạc khác nhau như nhạc cổ điển, dân gian, rock điện tử… Họ tổ chức nhiều showcase, nhiều festival như Fusan Rock, Seoul Jazz, Seoul Music Week… Thông qua các showcase, họ giới thiệu các nghệ sĩ Hàn Quốc tới các nhà tổ chức khắp nơi trên thế giới, tài trợ cho nghệ sĩ Hàn khi đi biểu diễn tại nước ngoài.

Hoặc, thông qua các quỹ văn hóa Hàn Quốc, họ luôn hỗ trợ kết nối nghệ sĩ Hàn Quốc tới các thị trường mới để mở rộng tệp khán giả. Để rồi, cùng với kinh tế, công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc có sự phát triển nhanh và mạnh nhất châu Á.

Một gợi ý khác cho chính sách đầu tư và tài trợ cho văn hóa của Việt Nam đó chính là mô hình quản trị văn hóa của Pháp. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), đây là mô hình kiến tạo, thúc đẩy sự sáng tạo dựa trên nguồn hỗ trợ lớn từ Nhà nước và đa dạng hóa trong đầu tư.

amnhac-17343942384751814550415.jpg

Hàn Quốc đầu tư tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội âm nhạc để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp âm nhạc

Cụ thể, bên cạnh đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước, Pháp thúc đẩy mô hình tài chính hỗn hợp. Các tổ chức văn hóa công tại Pháp có sự kết hợp linh hoạt giữa tài chính công, đầu tư, tài trợ tư nhân, nguồn thu tự tạo và các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác. Mô hình này giúp các tổ chức duy trì sự ổn định tài chính trong khi thực hiện sứ mệnh văn hóa và mở rộng tiếp cận đến khán giả đa dạng hơn.

Ví dụ, về tài trợ, tư nhân như một phần quan trọng trong mô hình tài trợ hỗn hợp, bao gồm hỗ trợ, tài trợ, đầu tư tài chính hoặc hiện vật từ doanh nghiệp hoặc cá nhân, được Pháp khuyến khích thông qua các chính sách ưu đãi thuế. Các doanh nghiệp có thể khấu trừ 60% số tiền tài trợ khỏi thuế doanh nghiệp, tối đa 0,5% doanh thu hàng năm. Chính vì vậy, trong nhiều năm, một số thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton và Fondation Cartier từng là những nhà tài trợ lớn cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật tại Pháp.

"Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý văn hóa, thể thao và du lịch của Hàn Quốc rất đáng để học tập, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang bước vào công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy như hiện nay" - TS Nguyễn Văn Tình.

Những bài học cho Việt Nam

Thực tế cho thấy, thế giới có nhiều chính sách, mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hóa khác nhau nhưng đều bám sát và được xây dựng từ điều kiện thực tiễn và chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Do vậy, Việt Nam trong quá trình học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế cũng cần có sự tham khảo chắt lọc và áp dụng phù hợp những chính sách, mô hình trong bối cảnh cụ thể.

Ví dụ, theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, kinh nghiệm trong quản trị văn hóa của Pháp cho thấy bài học về sự cần thiết phải tăng cường tính linh hoạt và chủ động trong việc kết hợp nhiều nguồn đầu tư, hỗ trợ, tài trợ để đảm bảo cho sự ổn định tài chính lâu dài và phát triển bền vững của các tổ chức văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam. Việc kết hợp giữa đầu tư công, tài trợ và hỗ trợ tư nhân với các nguồn thu tự tạo sẽ giúp cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật có thể duy trì sự ổn định tài chính, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có thể giới hạn.

baotang-1734394238518868740728.jpg

Bảo tàng Louvre của Pháp đón hàng triệu lượt khách mỗi năm

Cũng theo chuyên gia này, mô hình tài chính hỗn hợp của Pháp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã gợi mở một số bài học hữu ích cho Việt Nam trong mở rộng và phát triển nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Như việc Việt Nam có thể phát triển một mô hình tài trợ kết hợp giữa ngân sách Nhà nước, tài trợ tư nhân và nguồn thu tự tạo. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức văn hóa tự chủ tài chính, giảm sự phụ thuộc vào nguồn trợ cấp công.

Còn PGS-TS Nguyễn Thị Anh Quyên ( Đại học Văn hóa Hà Nội) lại dẫn ra những ưu điểm trong phương thức đầu tư, tài trợ cho văn hóa nghệ thuật của mô hình "cánh tay nối dài" trong chính sách văn hóa của Vương quốc Anh.

Ở đây, trong lĩnh vực văn hóa, mô hình "cánh tay nối dài" có đặc điểm là sự kết hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc hoạch định và thực thi chính sách văn hóa quốc gia. Trong đó Nhà nước giao quyền, phân cấp nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa. Nhà nước không trực tiếp quản lý và tài trợ cho văn hóa mà thực hiện nhiệm vụ này qua các Hội đồng nghệ thuật. Hội đồng nghệ thuật chính là "cánh tay nối dài" trong quản lý, phân bổ ngân sách và tài trợ cho văn hóa.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Anh Quyên, Việt Nam có thể nghiên cứu, vận dụng mô hình "cánh tay nối dài" bằng cách trao quyền nhiều hơn cho các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam… để các hội này tham gia nhiều hơn vào công tác thẩm định, đánh giá, tư vấn và phân, cấp ngân sách Chính phủ cho văn hóa nghệ thuật.

Mặt khác, Việt Nam cũng có thể thành lập các hội đồng chuyên môn như Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng thủ công,… với nhiệm vụ hoạch định các chính sách cụ thể, lên kế hoạch triển khai; tư vấn phân bổ ngân sách Nhà nước cho từng lĩnh vực, cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật; tư vấn về chuyên môn và thực hiện chế độ báo cáo.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, việc học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế một cách hợp lý có thể giúp Việt Nam nhanh chóng, thuận lợi hơn trong việc hiện thực hóa các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa để tạo ra sự phát triển xứng tầm với tiềm lực hiện có.

Nên khuyến khích "PPP" trong văn hóa?

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, tương tự như Pháp, Việt Nam có thể khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp tài chính hoặc hỗ trợ các chương trình văn hóa, chẳng hạn như qua các hình thức tài trợ, quảng bá hoặc hợp tác công tư (PPP). Việc này có thể giúp gia tăng nguồn lực tài chính và tạo mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa văn hóa và kinh tế.

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa (kỳ 1): Muôn mặt gặp khó…

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022