Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) đã công bố danh sách rút gọn các tác phẩm tham gia dự tranh Oscar 2023. Hạng mục phim tài liệu gây chú ý khi có sự xuất hiện của tác phẩm Những Đứa Trẻ Trong Sương (Children of the Mist) - bộ phim tài liệu dài đầu tay của đạo diễn Hà Lệ Diễm đến từ Việt Nam. Dù chưa phải danh sách cuối cùng, đây vẫn là một cột mốc đáng nhớ - nhất là khi điện ảnh Việt đã đều đặn gửi phim tham dự Oscar từ năm 1996 (theo Wikipedia) nhưng không được đề cử.
- Phim Việt Nam đầu tiên lọt top 15 Oscar
Những Đứa Trẻ Trong Sương là nỗ lực của đạo diễn Hà Lệ Diễm nhằm lưu lại dưới góc nhìn của thể loại phim tài liệu vẻ đẹp thánh thiện của thời ấu thơ cũng như sự tan biến của quãng đời mong manh, êm đềm ấy. Nhân dịp Những Đứa Trẻ Trong Sương lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã ngồi lại với chúng tôi để chia sẻ những câu chuyện xoay quanh đứa con tinh thần của mình.
Đạo diễn phim tài liệu Hà Lệ Diễm (Ảnh: NVCC)
Bộ phim tài liệu đã tham gia 100 liên hoan phim
Chị đang làm gì khi danh sách rút gọn 15 phim tài liệu tham gia tranh giải Oscar 2023 được AMPAS công bố? Khi ấy, cảm xúc đầu tiên ập đến với chị là gì?
Đêm trước ngày danh sách được công bố, tôi cũng vào kiểm tra tin tức, nghe ngóng tình hình nhưng vẫn chưa thấy gì mới nên đã nghĩ "Á, chắc là không vào rồi!" nên yên tâm… đi ngủ. Kết quả là vào lúc sáng sớm, khi danh sách rút gọn được công bố thì tôi đang không online. Đến lúc mở mạng ra thì đã thấy tin nhắn chúc mừng của mọi người ùa đến dồn dập.
Cảm xúc đầu tiên thì chắc là "Ồ, phim của mình đã vào vòng trong thật này!". Ban đầu, khi nhìn thấy Những Đứa Trẻ Trong Sương cạnh tranh với 144 tác phẩm tài liệu khác cùng gửi dự thi Oscar 2023 - trong số này gồm cả rất nhiều cái tên đã dạn dày kinh nghiệm "chinh chiến" tại các LHP, số khác lại do bạn bè mình quen biết từ năm 2019 thực hiện nên bản thân cũng biết ít nhiều về chúng - tôi đã tự nhủ chắc chẳng đến lượt mình được đâu. Trong mắt tôi, những bộ phim ấy toàn là "cá mập" cả. Chúng đều đề cập đến những chủ đề rất lớn, rất vĩ mô.
Poster tiếng Anh của phim Những Đứa Trẻ Trong Sương (Ảnh: IMDb)
Hành trình đưa Những Đứa Trẻ Trong Sương dự tranh Oscar của chị đã bắt đầu như thế nào?
Ban đầu tôi cũng không đặt mục tiêu gửi phim tới Oscar mà chỉ nghĩ sẽ đưa nó đi xa nhất có thể, được đến đâu hay đến đấy. Nhưng bước ngoặt đã đến khi Những Đứa Trẻ Trong Sương thắng giải Phim tài liệu quốc tế xuất sắc tại LHP DocAviv 2022 tổ chức ở Israel. Thắng giải thưởng này đồng nghĩa bộ phim đã đủ điều kiện gửi tham dự Oscar. Sau đó, ban tổ chức LHP đã hỗ trợ nhà phát hành tại các thị trường quốc tế của Những Đứa Trẻ Trong Sương làm hồ sơ gửi Những Đứa Trẻ Trong Sương sang Mỹ để đi Oscar.
Để một phim đủ điều kiện gửi Oscar thì cần nhiều tiêu chí nữa ngoài giải thưởng, ví dụ như nó cần phải được phát hành tại một số rạp lớn ở Mỹ. Bộ tiêu chí để một phim đủ điều kiện gửi tranh giải Oscar dài lắm, nguyên một tập tài liệu kín đặc chữ. Một nhà làm phim trẻ, lại mới đạo diễn tác phẩm đầu tay như tôi không khỏi bối rối trước lượng thông tin đồ sộ này. Nhưng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ tận tình của đơn vị phát hành quốc tế. Họ đã nắm rõ quy trình, biết phải làm những gì và làm như thế nào. Chính nhà phát hành của Những Đứa Trẻ Trong Sương đã giúp đỡ tôi đưa bộ phim đến với Oscar.
Những Đứa Trẻ Trong Sương từng thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Phim tài liệu quốc tế idfa 2022 tổ chức tại Hà Lan (Ảnh: idfa)
Đạo diễn Hà Lệ Diễm tại sự kiện công chiếu toàn cầu Những Đứa Trẻ Trong Sương tại Hà Lan (Ảnh: idfa)
Đến thời điểm hiện tại, chị có nhớ Những Đứa Trẻ Trong Sương đã tham gia bao nhiêu liên hoan phim và giành chiến thắng tại bao nhiêu giải thưởng?
Mới đây thôi, khi tôi tra cứu trên website của nhà phát hành thì Những Đứa Trẻ Trong Sương đã tham gia gần 100 liên hoan phim lớn nhỏ rồi. Nhưng danh sách này vẫn chưa đầy đủ đâu. Nhiều khi tôi lên Internet đọc báo mới phát hiện ra phim của mình còn được gửi tham dự thêm LHP này, LHP kia… Về số giải thưởng thì chắc khoảng 25, 26 cái gì đấy. Tôi cũng không nhớ rõ. Có những giải mình được ban tổ chức báo tin về, đề nghị quay video phát biểu nhận giải, nhưng cũng có những giải mình được trao mà ban tổ chức chẳng nói năng gì, phải lên Google tìm mới biết là đã thắng.
Trong tương lai, chị có kế hoạch phát hành Những Đứa Trẻ Trong Sương tại Việt Nam không?
Có chứ. Hiện tại tôi và nhà phát hành tại Việt Nam đang trao đổi để ấn định lịch phát hành bộ phim tại rạp. Ban đầu, chúng tôi định phát hành phim vào tháng cuối năm nay nhưng phải lùi lại vì cả đạo diễn và nhà sản xuất đều bận. Phim cũng khó cạnh tranh với các tác phẩm ra mắt dịp Giáng Sinh và Tết, nên thời gian phát hành dự kiến cho Những Đứa Trẻ Trong Sương là trong khoảng ra giêng và trước mùa phim hè. Nhưng nhìn chung là sẽ sớm thôi.
Trang Variety gọi Những Đứa Trẻ Trong Sương là "bộ phim Việt Nam phi thường" ngay trên nhan đề bài bình luận của mình (Ảnh: IMDb)
Bộ phim về thời ấu thơ thánh thiện của những em bé vùng cao
Chị mất bao lâu để hoàn thành bộ phim Những Đứa Trẻ Trong Sương?
Nháp phim được quay trong khoảng 3 năm rưỡi. Việc dịch tiếng Mông sang tiếng Việt và tiếng Anh thì mất tầm 4 tháng. Khâu hậu kỳ, xem nháp, dựng thô mất hơn 6 tháng, nhưng vậy cũng là nhanh rồi. Tiếp đó, phim được gửi hậu kỳ ở Thái Lan thêm 1 tháng rưỡi, hòa âm chỉnh màu khoảng 2 tuần… Tổng kết lại thì Những Đứa Trẻ Trong Sương bấm máy năm 2017 và hoàn thành cuối 2021, tức khoảng gần 5 năm.
Nguồn cảm hứng, ý tưởng đã thôi thúc chị thực hiện bộ phim này?
Ban đầu, tôi có ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về nạn buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới nhưng chưa thành. Sau đó, tôi tham gia chuyến đi kéo dài 1 tháng của Viện nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường iSEE lên Sapa để tìm hiểu và sáng tác về cuộc sống của các cộng đồng người dân tộc thiểu số. Tại đây, tôi được ở nhờ nhà của bố Di (nhân vật chính của Những Đứa Trẻ Trong Sương) vì chú ấy cũng tham gia nhiều chương trình của iSEE.
- Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giành giải cao nhất tại LHP ở Pháp
Tôi tham gia vào các lớp học dành cho các bạn người Mông ở làng của Di, cùng sống, cùng chơi với Di và các bạn khác. Tôi lấy máy quay ra và quay cô bé cùng các bạn, tụi trẻ con thích lắm. Rồi nhìn Di và bọn trẻ con chơi đùa, tôi chợt nhớ lại ngày xưa mình cũng chơi vui như thế, cũng có một thế giới riêng của mình. Thế giới ấy rất khác với thế giới của người trưởng thành, đó là nơi mình có quyền năng làm được mọi thứ, mình được tự do. Nhưng khi lớn lên rồi thì mình không còn cái mộng mơ tưởng tượng ấy nữa.
Các bạn tôi lấy chồng cũng rất sớm, cảm giác khi chẳng còn ai chơi với mình rất buồn. Tôi nghĩ Di và các bạn cô bé rồi cũng sẽ có một lúc nào đó cảm thấy vậy. Thế nên tôi muốn làm một bộ phim lưu giữ lại kỷ niệm tuổi thơ, và khi nào tuổi thơ ấy sẽ biến mất. Tôi không nhớ ngày xưa mình đã lớn lên khi nào, và khi nào tuổi thơ mình đã khép lại, chỉ tự nhiên thấy một ngày kia mình đã lớn. Tôi muốn dùng máy quay ghi lại tất cả những gì mong manh mà mình không thể nhìn thấy được, thế nên đã nảy ra ý tưởng theo chân Di đến khi Di lớn.
Nhân vật chính của Những Đứa Trẻ Trong Sương là em bé dân tộc Mông 12 tuổi tên Di (Ảnh: IMDb)
Tại sao chị lại chọn "tảo hôn" như một cột mốc đánh dấu sự giã biệt tuổi thơ?
Thú thực lúc quay phim tôi cũng không nghĩ đến điều ấy đâu. Tôi cũng không chủ đích chọn ra một cột mốc cụ thể, bởi nó là khác nhau với mỗi người: Với người này nó là một kỳ thi rất căng thẳng, với người khác lại là mất đi người thân, người khác nữa lại là lựa chọn lập gia đình sớm hay không. Khi quay Những Đứa Trẻ Trong Sương, tôi không hề nghĩ đến những việc ấy. Hoặc giả tôi cũng có nghĩ đến, nhưng không cho là cái chính yếu.
Sau đấy, việc kéo vợ xảy ra một cách bất ngờ. Rồi việc kéo vợ trở thành một dấu mốc trong bộ phim dù tôi không hề có dự tính từ trước. Sự kiện ấy được phản chiếu vào bộ phim vì tác phẩm theo chân Di, nên mọi thứ xảy ra với Di, quan trọng với cô bé, ảnh hưởng tới tương lai của cô tất nhiên sẽ phải được ghi lại.
Cuộc sống của Di đã thay đổi như thế nào từ sau Những Đứa Trẻ Trong Sương?
Di vừa lập gia đình, nhưng không phải với người đã đến kéo vợ trong phim mà là một người khác cô bé yên mến. Di cũng sẽ quay lại trường học vào năm sau. Cô bé cũng có ý định mở một cửa hàng nho nhỏ bán đồ thổ cẩm do mình và mẹ làm. Mẹ Di khéo tay lắm. Di cũng hay nhắn tôi là chị đi LHP phải quảng cáo cho cửa hàng của em nhé.
Rất cảm ơn chị vì bài phỏng vấn thú vị!
Một số hình ảnh từ bộ phim (Ảnh: IMDb)