Mới đây, tại xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm cho cán bộ, công chức văn hóa và con em đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Ba Na ở địa phương. Rất đông người dân địa phương trong xã và cả những xã lân cận như Xuân Lãnh cũng đã đến xem và tham gia lớp học.
Trình diễn trống đôi tại buổi truyền dạy (Ảnh T.L)
Tại lớp học này, các học viên được những nghệ nhân của địa phương giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị và hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về cách thể hiện, trình diễn từng loại nhạc cụ truyền thống là trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Đặc biệt là cách hòa tấu và biểu diễn giữa ba nhạc cụ này với nhau trong lễ cúng mừng lúa mới và một lễ hội của đồng bào dân tộc.
Ông Trương Thái Hòa, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, đã đánh giá rất cao hoạt động này. "Việc công nhận nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng 5 là di sản văn hóa cấp quốc gia đã là sự ghi nhận rất lớn về bản sắc văn hóa của các dân tộc Chăm H’Roi, Ba Na ở địa phương. Tuy nhiên, để giữ được bản sắc văn hóa ấy không bị mai một, để truyền ngọn lửa đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ mai là một điều rất quan trọng. Việc truyền dạy, tập huấn như thế để giữ cho tiếng trống đôi, công ba, chiêng năm được vang mãi" – ông Hòa chia sẻ.
Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm và Ba Na (huyện Đồng Xuân), được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia vào tháng 2-2016. Lớp tập huấn này là một trong những hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên năm 2022 và dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Các nghệ nhân huyện Sông Hinh trình diễn cồng chiêng (Ảnh T.L)
Trống đôi còn gọi là Chigưl, xuất hiện lâu đời trong đời sống văn hóa của người Chăm H’roi ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên và huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Múa trống đôi là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Chăm H’roi. Thông qua âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu những điệu trống, họ có thể trao gửi tâm tư, tình cảm, trò chuyện với nhau.
Loại nhạc này được người Chăm H’roi dùng phổ biến trong các lễ hội lớn của cộng đồng. Sự sáng tạo của người Chăm H’roi khi diễn tấu trống bằng cách dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay vê, vuốt, vỗ lên mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu, mà không dùng tới dùi trống. Giai điệu trống đôi tập hợp những chuỗi tiết tấu ngẫu hứng không phụ thuộc vào cường độ, cao độ nhất định nào. Khi múa, đòi hỏi người diễn phải ăn ý, hiểu ý nhau và giữ sự nhịp nhàng, uyển chuyển, tung hứng cho nhau. Không cần dùng lời, nghe tiếng trống đôi, người Chăm H,roi có thể cảm nhận được tâm tư, tình cảm vui buồn, nhớ nhung, giận hờn hay trách móc.
Những đêm hội của người vùng cao Phú Yên không thể thiếu tiếng cồng chiêng (Ảnh T.L)
Múa trống đôi đi liền với dàn nhạc cụ cồng ba và chiêng năm được các nghệ nhân diễn tấu trong các lễ hội, với ý nghĩa khẩn cầu thần linh sự may mắn, gửi gắm những khát vọng thuần hậu về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.
Già làng La Chí Thái ở buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân rất vui khi thấy rất nhiều bạn trẻ đam mê, theo học các loại nhạc cụ truyền thống này của cha ông. "Đấy là vốn quý của dân tộc. Có như thế thì không lo tiếng trống, tiếng cồng bị đứt đoạn sau này" – già làng La Chí Thái nói.