NS Nguyễn Văn Hợp và Dương Kim Tiến trong ca cảnh "Bài học đầu tiên" diễn tại chương trình Sân khấu học đường
Ông Phan Quốc Kiệt - Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, chia sẻ chúng tôi đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của thầy cô và hàng ngàn khán giả học sinh, thông qua 14 suất diễn tại các trường học.
"Với mong muốn đưa nhạc cụ dân tộc và sân khấu cải lương đến gần hơn với giới trẻ, tạo điều kiện cho giới trẻ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, Nhà hát Trần Hữu Trang đã phối hợp với Trường Đại học FPT TP HCM tổ chức 14 suất diễn ý nghĩa này. Chúng tôi còn đưa chương trình đến biểu diễn, giao lưu tại không gian văn hóa Bưu Điện TP HCM, thu hút đông du khách đến xem qua 2 suất diễn sáng chủ nhật" – đạo diễn Phan Quốc Kiệt nói.
Ca cảnh "Bài học đầu tiên" thu hút khán giả học sinh do Nhà hát Trần Hữu Trang biểu diễn
Cách đây không lâu, trường Đại học FPT TP HCM đã đưa việc giảng dạy nhạc cụ dân tộc vào chính quy, khi đào tạo cho toàn bộ sinh viên của trường 5 loại nhạc cụ dân tộc như: Tranh, sáo, bầu, nguyệt, tỳ bà. Nhà hát Trần Hữu Trang qua nhiều khóa đào tạo nguồn nhân lực mới, đã có hàng trăm học viên theo học trong năm 2021 - 2022, để lực lượng này tiếp tục lan tỏa tinh thần yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhất là bộ môn sân khấu cải lương.
Các nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang và Đại học FPT TP HCM biểu diễn tại Bưu Điện TP HCM
Nghệ sĩ Võ Hoài Long tham gia chương trình bày tỏ có rất nhiều bạn sinh viên, học sinh các trường sau khi theo dõi chương trình đã chọn cho mình một loại nhạc cụ để học và tỏ ra yêu thích các vai diễn từ kịch bản lịch sử. "Tôi diễn ca cảnh "Bài ca mở cõi" của tác giả Phạm Văn Đằng, được các em cổ vũ nên cũng lên tinh thần, mỗi suất diễn càng thấy hăng hái hơn" – NS Võ Hoài Long nói.
Đối với khán giả trẻ đến với chương trình giao lưu biểu diễn và giới thiệu nhạc cụ dân tộc và sân khấu cải lương từ sự phối hợp giữa Trường ĐH FPT HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang, họ đã mở ra một chiến lược mới cho hai đơn vị, đó là sự liên kết để tạo thêm hiệu quả cho sân khấu học đường năm 2023.
Đông đảo du khách xem ca cảnh "Bài ca mở cỏi" của Nhà hát Trần Hữu Trang tại không gian Bưu điện TP HCM
Theo đạo diễn Phan Quốc Kiệt, qua chương trình Sân khấu học đường, nhạc cụ dân tộc và Sân khấu cải lương là rất cần thiết khi trở thành chuyên đề giảng dạy chính quy trong trường. Bởi, nhạc cụ dân tộc không chỉ chơi hay các thể loại dân ca nhạc cổ truyền mà còn chơi được nhiều thể loại âm nhạc hiện đại, đó là những bản nhạc Việt rất "hot" hiện nay như: "Đế Vương" (Sáng tác: Đình Dũng); "Có không giữ, mất đừng tìm" (Sáng tác: Trúc Nhân)…và các ca cảnh về lịch sử là những bài học quý cho việc giảng dạy lịch sử trong nhà trường.
Nghệ sĩ Dương Kim Tiến cũng cho rằng trong xu thế hội nhập, việc giao lưu văn hóa cũng là một điều kiện cần để tạo dựng quan hệ ngoại giao. Nhạc cụ dân tộc và sân khấu cải lương được xem là hai bộ môn nghệ thuật có thể giúp các em học sinh, sinh viên tự giới thiệu về mình.
NS Võ Hoài Long và soạn giả Phạm Văn Đằng tại chương trình nghệ thuật do Nhà hát Trần Hữu Trang và Đại học FPT TP HCM tổ chức tại không gian Bưu Điện TP HCM
"Khi giao lưu biểu diễn, chúng tôi thấy các thầy cô, sinh viên của Đại học FPT TP HCM đã thể hiện những giai điệu vượt ra khỏi khuôn khổ thể hiện nhiều thể loại âm nhạc khác nhau nhằm tiếp cận với nhiều sân chơi giao lưu quốc tế. Các em đã cổ vũ thật sôi nổi cho bài hòa tấu nhạc nước ngoài được trình diễn bởi các bạn sinh viên Đại học FPT HCM: "Fly Away" (Sáng tác: Debelah Morgan) và Mashup "Trở về tuổi thơ". Đặc biệt là khán giả và các em nhỏ đã chú ý lắng nghe để trả lời câu hỏi giao lưu về các tính năng độc đáo, tên gọi của các nhạc cụ dân tộc rất thích thú" - Nghệ sĩ Dương Kim Tiến nói.
Và đặc biệt hơn, trong không gian chào đón giáng sinh, năm mới, chương trình đã giới thiệu đến khán giả trẻ tiết mục hòa tấu với bản "Jingle bell" do các GV- SV khoa Nhạc cụ dân tộc Đại học FPT HCM biểu diễn.
Ca cảnh "Bài ca mở cỏi" của Nhà hát Trần Hữu Trang