Đối với nhiều sinh viên trên khắp thế giới, một bức thư chấp nhận vào Đại học Harvard danh tiếng tượng trưng cho đỉnh cao của học thuật, đem lại vị trí vững chắc trong giới tinh hoa tại một ngôi trường lịch sử đã đào tạo ra nhiều nhân vật kiệt xuất. 

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của "thỏi nam châm" thu hút nhân tài thế giới giờ đây đang bị đe dọa. Harvard đã phải hứng chịu đòn "trừng phạt kinh tế" nặng nhất khi Chính phủ Mỹ quyết định chặn ngôi trường thuộc "nhóm Ivy League" gồm 8 trường đại học hàng đầu nước này tuyển sinh viên nước ngoài.

Động thái mới đẩy hàng nghìn sinh viên thuộc diện này rơi vào tình thế bấp bênh, đe dọa làm suy yếu vị thế, doanh thu và sức hút của Harvard, cũng như tác động không nhỏ đến nền giáo dục đại học của Mỹ.

Đại học Havard ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, căng thẳng giữa Harvard, đại học lâu đời nhất Mỹ ra đời từ năm 1636, với chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã liên tục leo thang. Harvard bị đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang cho các nghiên cứu quan trọng, Bộ An ninh Nội địa Mỹ hủy gói tài trợ gần 2,7 tỷ USD, Bộ Giáo dục tuyên bố tạm dừng triển khai khoản tài trợ 8 tỷ USD...

Mới nhất, Harvard bị thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP) từ ngày 22/5, với hiệu lực ngay lập tức. SEVP là cơ chế cho phép các đại học tại Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có thị thực du học. Theo Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem, đây là hệ quả của việc Harvard "nhiều lần từ chối cung cấp thông tin cần thiết cho Bộ An ninh Nội địa, duy trì môi trường trường học không an toàn, thù địch với sinh viên Do Thái và áp dụng các chính sách đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI) mang tính phân biệt chủng tộc". Sau đơn kiện của Harvard, thẩm phán liên bang Allison Burroughs đã quyết định chặn tạm thời lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế với Harvard và dự kiến tổ chức phiên điều trần vào ngày 29/5.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là nếu thua kiện trong vụ cấm tuyển sinh viên quốc tế, Harvard liệu có trụ nổi trước "cơn sóng dữ" này không. Ngoài ra, Đại học Harvard cũng đang theo đuổi vụ kiện Chính phủ Mỹ do bị cắt tiền tài trợ.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, Harvard hiện sở hữu khối tài sản ròng lên tới 64 tỷ USD, trong đó hơn 53 tỷ USD nằm trong quỹ tài trợ của trường. Quỹ này vốn hoạt động như một kênh đầu tư dài hạn để sinh lợi cho trường, không ưu tiên chi dùng ngắn hạn. Ngoài ra, quỹ tài trợ này gồm hơn 14.000 quỹ nhỏ, tiền trong hầu hết các quỹ đều gắn với điều kiện chi dùng do nhà tài trợ đặt ra, vì vậy, các quỹ này không thể chi dùng linh hoạt.

Do đó, tiền tài trợ và tiền đầu tư nghiên cứu của Chính phủ Mỹ rất có ý nghĩa đối với hoạt động của trường. Trong báo cáo tài khóa 2024, Harvard đã tiếp nhận 687 triệu USD từ Chính phủ Mỹ, khoản tài trợ đảm bảo "sức khỏe tài chính" cho Harvard và đây cũng là mảng đang chịu ảnh hưởng mạnh nhất, khiến trường lao đao. Không được nhận ngân sách liên bang đồng nghĩa với việc nhà trường gặp rất nhiều khó khăn để duy trì các dự án nghiên cứu khoa học, y học, kỹ thuật... trong đó có các nghiên cứu về ung thư, Alzheimer, đột quỵ và HIV/AIDS.

vnapotalchinhquyenmythuhoiquyentuyensinhsinhvienquoctecuadaihochavard8050699-17482589936391619976015.jpg

Sinh viên tại Đại học Havard ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nếu chính quyền của Tổng thống Trump thực thi lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế, hệ quả đầu tiên mà Harvard đối mặt là đánh mất nguồn thu lớn từ học phí của du học sinh. Trong năm học 2024-2025, Đại học Harvard có gần 6.800 sinh viên quốc tế, chiếm hơn 27% tổng sinh viên của trường, tăng từ mức 19,7% trong năm học 2010-2011. Học phí tại Harvard cho năm học 2025-2026 là hơn 59.000 USD và có thể tăng lên gần 87.000 USD nếu cộng thêm phí ăn ở. Sinh viên quốc tế ở Harvard thường trả chi phí học tập lớn hơn sinh viên trong nước.

Quyết định trên được đưa ra khi Harvard và các trường đại học lớn của Mỹ đang chạy đua tìm nguồn tài chính bù đắp cho những quyết định cắt giảm tài trợ lớn từ ngân sách liên bang. Ông Robert Kelchen, Giáo sư nghiên cứu về tài chính đại học tại Đại học Tennessee, nhận định: "Đây là một cú đánh nữa về tài chính sau những đòn giáng mà các đại học lớn đã hứng chịu".

Theo giới phân tích, việc mất đi lượng sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các nghiên cứu của Harvard vì các sinh viên này là nguồn lực to lớn thúc đẩy những nghiên cứu có tính đổi mới sáng tạo tại trường. Nếu Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế, những sinh viên nước ngoài theo học tại đây buộc phải chuyển trường, hoặc có nguy cơ bị đưa vào diện cư trú bất hợp pháp. Điều này khiến các giáo sư của Harvard lo ngại tới đây, nhiều phòng thí nghiệm của trường sẽ phải đóng cửa.

Cuộc đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Trump với Harvard cũng như các trường đại học hàng đầu của Mỹ có thể gây ra tác động lâu dài đối với hệ thống giáo dục đại học Mỹ. Một số chuyên gia cảnh báo nếu chính quyền thành công trong việc áp đặt các chính sách này, điều đó sẽ dẫn đến sự giảm sút về tự do học thuật và sự đa dạng về quan điểm trong các trường đại học Mỹ. Theo ông Jameel Jaffer, thuộc ban lãnh đạo Đại học Columbia, việc tạo ra một bầu không khí sợ hãi có thể gây tổn hại không chỉ đối với sinh viên quốc tế mà còn đối với toàn bộ nền giáo dục đại học Mỹ, bởi chính sự đa dạng và tranh luận trong học thuật đã làm nên giá trị của các trường đại học Mỹ.

Cùng quan điểm, ông Alex Usher, Chủ tịch Hiệp hội Chiến lược Giáo dục Cao học, cho rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Trump có thể làm giảm vị thế của Mỹ với tư cách là "ngọn hải đăng" về học tập và nghiên cứu thế giới, vốn được coi là biểu tượng của nền giáo dục Mỹ trên toàn cầu. Mất sức hút cũng đồng nghĩa ảnh hưởng đến khả năng thu hút giảng viên và nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực lôi kéo nhân tài trong các lĩnh vực quan trọng, mới nổi.

Với nhiều du học sinh, quyết định theo học hay tốt nghiệp tại Harvard giờ đang trở thành một giấc mơ chông chênh hơn bao giờ hết. Michael Gritzbach, một sinh viên người Đức đang theo học chương trình thạc sĩ ngành Hành chính công, mô tả động thái của Tổng thống Trump đã biến giấc mơ thành cơn ác mộng, đặc biệt là với những người đã dành dụm tiền trong nhiều năm hoặc nỗ lực giành học bổng. Hàng nghìn sinh viên quốc tế khác cũng rơi vào cảnh hoang mang, lo lắng về bằng cấp, kế hoạch tương lai và tình trạng pháp lý của họ tại Mỹ. Theo ông Tom Moon, Phó Giám đốc tư vấn tại Oxbridge Applications (Anh) - đơn vị hỗ trợ sinh viên trong quá trình nộp hồ sơ đại học, sinh viên Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang ngần ngại hơn khi nộp hồ sơ vào các trường đại học Mỹ.

Nếu sinh viên Harvard chuyển đi, những trường có thể được lợi từ tình hình này sẽ là các trường thuộc nhóm Russell của Vương quốc Anh và các trường danh tiếng khác ở châu Âu. Bà Corinne Feuz, người phát ngôn của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH), cho biết trường này hy vọng sẽ sớm nhận được đơn đăng ký từ những sinh viên đổi ý, không học tại Mỹ. Bà đánh giá các biện pháp gần đây nhằm vào Đại học Harvard có thể làm thay đổi tình hình và khiến trường tiếp nhận được những sinh viên giỏi nhất thế giới.

Đại diện trường Cao đẳng Trinity thuộc Đại học Dublin (Ireland) cho biết còn quá sớm để khẳng định liệu có làn sóng sinh viên Harvard chuyển đến trường này hay không. Tuy nhiên, người phát ngôn của trường cho biết số đơn đăng ký bậc đại học năm 2025 đã tăng 16%, còn bậc sau đại học tăng đến 64%.

Nếu Harvard bị cấm tuyển sinh quốc tế, các trường đại học khác có thể sẽ tận dụng cơ hội để tiếp nhận thêm sinh viên có trình độ như từ Harvard. Nhưng thực tế, việc tiếp nhận số lượng lớn sinh viên chỉ trong vòng 3 tháng trước khi năm học mới bắt đầu là điều không dễ dàng.

Không ai có thể ngờ được rằng Harvard cũng bị cuốn vào cơn lốc "MAGA" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Sự kiện trường đại học, vốn nổi tiếng với việc đào tạo các tổng thống, lâm vào "thế đối đầu" với nhà lãnh đạo Trump tạo ra một trong những cuộc so găng lớn nhất giữa chính quyền và một định chế truyền thống tại Mỹ. Tương lai của ngôi trường lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ rồi sẽ ra sao là điều chưa ai có thể hình dung.

Xem thêm tin tức Văn hóa TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022