Truyện tranh Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá vốn là kịch bản của vở kịch cùng tên, nằm trong chuỗi kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa của IDECAF. Cuốn sách đã lọt vào top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025.

Tác giả của cả kịch bản sân khấu và phần lời của cuốn truyện tranh là nghệ sĩ Quang Thảo chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về tác phẩm của mình.  

* Được biết trước đó Nhà hát kịch IDECAF đã nhiều lần in những tập tranh ảnh nhỏ để tặng khán giả đến xem chuỗi kịch thiếu nhi "Ngày xửa ngày xưa" và được các bé rất thích thú. Đây có phải là khởi nguồn cho ý tưởng biến kịch bản "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá" thành truyện tranh không?

- Đúng là nhiều năm nay IDECAF vẫn in những cuốn sách nhỏ từ các vở kịch Ngày xửa ngày xưa để tặng khán giả, tuy nhiên đây không phải là lý do để cuốn truyện tranh này ra đời, mà đây là một ý tưởng độc lập của Ban giám đốc Nhà hát kịch IDECAF.

Từ khi Ngày xửa ngày xửa 33 ra đời với vở kịch vừa kể trên, anh Huỳnh Anh Tuấn (giám đốc) quyết định sẽ chọn lọc những vở kịch có thể chuyển thể thành truyện tranh để phát hành trên hệ thống nhà sách và các nền tảng khác, bên cạnh việc tặng cho khán giả mua vé xem kịch... 

Nghệ sĩ Quang Thảo

* Vở kịch thì được xếp đến gần 60 suất diễn trên sân khấu lớn, bán hơn 50.000 vé, mà vẫn khiến cho việc "săn lùng" vé của khán giả gặp nhiều khó khăn. Còn cuốn sách được in 20.000 bản, với 15.000 bản tặng khán giả và 5.000 bản để bán. Anh nói gì về những con số này? 

- Tôi không phải là nhà văn nên không hình dung được con số phát hành như thế nào là nhiều hoặc ít. Nhưng tôi thấy được sự đón nhận của khán giả khi cầm trên tay cuốn sách và nhiều khán giả khác thì hỏi mua. Con số 20.000 bản khiến tôi rất vui, vì ít nhất là có thêm 20 ngàn người biết đến cuốn sách này và hy vọng con số này không dừng lại qua những lần tái bản.

* Anh có chia sẻ rằng đã phải thức nhiều đêm với kịch bản "Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad" vì thời hạn quá gấp, nhưng có lẽ anh đã không phải vất vả như vậy khi chuyển thể thành truyện tranh?

- Khi bắt đầu viết kịch bản đúng là tôi phải thức nhiều ngày đêm để hoàn thành cho kịp tiến độ và khi chuyển sang truyện tranh thì lại gặp một vất vả khác. Kịch bản gốc để diễn trên sân khấu rất dài, với nhiều nhân vật, nhiều tình huống kịch, nhưng với cuốn truyện tranh gói gọn trong 100 trang thì cần súc tích, cô đọng, lời thoại ngắn gọn, mạch lạc nên rất khó cho tôi, vì đây là lần đầu tiên tôi viết truyện tranh.

Với tôi, viết truyện tranh khó hơn cả viết kịch bản sân khấu (cười).

* Trong truyện tranh này, điều anh phải cân nhắc nhất là gì để có được tác phẩm như mình mong muốn?

- Thật ra, tôi không cân nhắc hoặc băn khoăn gì nhiều, mà chỉ nghĩ rằng mình cảm ơn cơ hội này. Với một tác giả, dù thể loại nào thì mục đích đều muốn đứa con tinh thần đến được với khán giả càng nhiều càng tốt, để thể hiện được thông điệp, điều mình muốn gửi gắm đến mọi người.

Cuốn sách này tuy phải làm ngắn gọn lại, nhưng vẫn giữ được các thông điệp tôi muốn nói như: bao lâu rồi gia đình mình chưa ngồi lại cùng nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của bạn bè, cùng nhau bảo vệ đại dương...

sinbad1-17482135223291257811661.jpg

Truyện tranh “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá”

* Việc kết hợp với Comicola Studio và chọn phong cách vẽ cho cuốn sách được thống nhất có dễ dàng không?

- Sự hợp tác của Ban giám đốc Nhà hát, tôi và các bạn họa sĩ của Comicola Studio khá thuận lợi. Chúng tôi chỉ cần ngồi với nhau mấy buổi để thống nhất mọi thứ. Tác giả kịch bản nên chấp nhận thể loại truyện tranh phải được trình bày như thế, trong khuôn khổ như thế, cũng như chấp nhận luôn việc lời thoại bị cắt nhiều và trình bày không đúng như tưởng tượng ban đầu. Tôi hiểu điều này và cũng không hiểu nhiều về các phong cách vẽ truyện tranh, nên chỉ thuyết phục họ vẽ thế nào thì vẽ, nhưng nét vẽ phải thể hiện được tinh thần của nhân vật, để làm sao cho nó trở thành một phiên bản khác, chứ không phải là sự khác biệt hoàn toàn so với tác phẩm gốc.

Các bạn họa sĩ đều là những người trẻ và tự nhận mình từng là "fan" của Ngày xửa ngày xưa - như bạn họa sĩ chính là Phan Kim Thanh - nên rất muốn giữ tinh thần quen thuộc của vở kịch. Nên tôi hài lòng với tổng thể cuốn sách.

Khi tác phẩm có thêm một hình hài khác là điều khiến tôi hạnh phúc. Tôi nghĩ, có lẽ mọi tác giả đều muốn đứa con tinh thần của mình được mang nhiều hình hài và đều đẹp theo những kiểu khác nhau. Cuốn sách này được khán giả đón nhận nồng nhiệt, tôi không biết nói gì hơn ngoài lòng biết ơn khán giả và những người đã tạo điều kiện để nó ra đời.

* Cảm giác khi là một trong những "nhân vật chính" trong sự kiện ra mắt sách và ký tên như một nhà văn thế nào?

- Ký tặng sách như một nhà văn quả là một cảm giác thật mới mẻ đối với tôi, cũng vui, nhưng tôi không dám nhận là mình nhà văn, mà chỉ là một người ham viết.

Sẵn đây, tôi tiết lộ luôn một "bí mật", rằng tôi đang viết một cuốn truyện thiếu nhi (truyện chữ) và một cuốn truyện ký kể về những câu chuyện của đời mình. Với việc viết sách, tôi chỉ mong khán giả hiểu Quang Thảo ở một khía cạnh khác mà thôi. Gọi tôi là tác giả kịch bản sân khấu là cách gọi tôi yêu nhất và tự tin để nhận danh xưng ấy.  

* Xin cảm ơn anh! 

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022