Hiện vật độc bản, nguyên gốc

Điện Kính Thiên là điện quan trọng nhất trong hệ thống cung điện trong Cấm thành Thăng Long thời Lê. Đây là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Thành bậc điện Kính Thiên là di tích hiếm còn sót lại trong kiến trúc Hoàng cung thời Lê.

anh-chup-man-hinh-2023-09-03-luc-101556-1693711879032488441135.png

Thềm rồng điện Kính Thiên được công nhận là Bảo vật quốc gia

Cặp thành bậc có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài của thành bậc. Rồng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, đầu rồng ngẩng cao, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn, miệng ngậm ngọc, sừng dài có nhánh, bờm có 4 dải lượn hất ngược về phía sau, thân tròn mập có vảy, uốn bẩy khúc hình sin, bụng có vây.

Rồng có hai chân to khỏe, năm ngón chân chiều đốt, năm móng sắc nhọn. Chân trước vươn lên nắm râu, chân sau ở tư thế gấp khuỷu đạp mạnh kéo thân trườn về phía trước. Khuỷu có lông, lông dài, hình đao lửa chạy dài về phía sau. Bám sát thân là các cụm mây kéo dài hình đao, các đao mây chạm nổi uốn khúc, giữa có sóng nổi, đầu ngọn lửa thuôn dài chuyển hóa thành hình đao mác.

Mặt ngoài lan can hình tam giác có đường diềm chạm một nửa hình hoa liên tiền nối tiếp nhau, góc tạo bởi hai đầu cánh hoa chạm một nửa hình hoa cúc. Bên trong khung hình tam giác vuông, chạm đề tài cá hóa long trong đầm sen. Trong đầm còn có uyên ương bơi lội trên sóng nước, các cụm sóng có tạo nổi sóng bạc 3 ngọn. Nổi trên các con sóng là đồ án nụ - hoa - lá sen, trên đỉnh là cụm mây.

anh-chup-man-hinh-2023-09-03-luc-101715-1693711879047531501031.png

Bức chạm diễn tả cá hóa rồng trong đầm sen

So sánh với lan can rồng phía trước thấy có sự chuyển biến lớn về hình khối lẫn chi tiết. Rồng vẫn uốn 7 khúc nhưng các khúc đuôi doãng hơn, đao lửa đã hình thành dạng đao mác gờ giữa nổi cao vát sang hai bên, mũi thuôn dài, đầu nhọn hơi tù. Đồ án cá hóa long, uyên ương, hoa sen và cụm mây chạm phẳng tạo độ nông sâu khác nhau, chồng lớp không giống như lan can đá phía trước.

PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam cho hay thành bậc Điện Kính Thiên, thời Lê Trung hưng là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích điện Kính Thiên, di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Thềm rồng gắn với nhiều sự kiện trọng đại

Các nguồn sử liệu, đặc biệt là ghi chép của chính sử cho biết, tháng 12 năm Đinh Mùi (1427), sau khi đánh bại quân Minh và buộc chúng phải rút quân về nước, kết thúc cuộc kháng chiến 20 năm chống Minh. Tháng 4 năm Mậu Thân (1428), vua Lê Lợi từ điện tranh tại Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Đô. Ngày 15 tháng Tư cùng năm ông chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu là Đại Việt, chọn Đông Đô làm quốc đô (năm 1430 đổi thành Đông Kinh), ban bố đại xá thiên hạ, lập nên nhà Lê.

Tháng 12 năm Mậu Thân (1428), vua cho khởi dựng điện Kính Thiên, điện Cần Chánh và điện Vạn Thọ. Điện Kính Thiên làm nơi thị triều, điện Cần Chánh làm nơi thường triều tức là nơi làm việc và nghe chính sự hàng ngày; điện Vạn Thọ làm nơi nghỉ ngơi, ngoài ra hai bên có tả điện và hữu điện.

anh-chup-man-hinh-2023-09-03-luc-101603-16937118790411535349834.png

Đầu rồng ngẩng cao, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn, miệng ngậm ngọc, sừng dài có nhánh

Ngày 15 tháng Tám năm Đinh Hợi, niên hiệu Quang Thuận thứ 8 (1467) vua Lê Thánh Tông cho "dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên và xây điện nhỏ ở sân Giảng Võ". Lan can bằng đá do vua Lê Thánh Tông cho dựng ở điện Kính Thiên năm 1467 là bộ thành bậc gồm 4 bậc tạo thành 3 lối lên ở phía trước, nay vẫn là lối lên nền điện Kính Thiên từ phía trước. Các thành bậc này đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Năm 1816, trước tình hình điện Kính Thiên bị xuống cấp, gỗ bị mục, vua Gia Long đã cho hạ giải tòa điện Kính Thiên xuống, nền điện Kính Thiên vẫn được giữ nguyên. Sau đó nhà Nguyễn cho dựng cung Long Thiên trên nền điện Kính Thiên do nhà Lê xây dựng trước đó.

Ghi chép của sử cũ và những phát hiện của khảo cổ học tại Kính Thiên cho thấy, phía trước điện Kính Thiên là sân Long Trì, phía sau là điện Cần Chánh. Kết quả khai quật khảo cổ học năm 2011 tại vị trí lối đi phía trước và lối đi phía sau của điện Kính Thiên đã cung cấp những minh chứng xác thực làm rõ tính chất, niên đại và sự thay đổi của khu vực phía trước và sau nền điện Kính Thiên nói chung, các lối đi kết nối điện Kính Thiên với sân Long Trì ở phía trước nói riêng.

anh-chup-man-hinh-2023-09-03-luc-101517-16937118790111853778855.png

Hoàng Thành Thăng Long

Theo kết quả khai quật, nghiên cứu, các bậc cấp và thành bậc của lối lên phía trước đã được sắp xếp lại song thành bậc được dựng trên nền mặt sân gạch của thời Lê Trung hưng. Các bằng chứng khảo cổ học cũng chỉ ra, các thành bậc của bộ thành bậc thứ nhất đều được đặt trên một lớp móng kiến cố được đầm chặt bằng gạch ngói. Phía dưới lớp móng thời Lê Trung hưng còn có một lớp móng khác, đó được cho là lớp móng của thời Lê sơ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bộ thành bậc thứ hai của điện Kính Thiên được chế tạo dưới thời Lê Trung hưng, tương đương với giai đoạn nâng nền sân Long Trì, muộn hơn so với bộ thành bậc thứ nhất, song nó là một thành tố không thể tách rời, gắn liền với điện Kính Thiên từ thời Lê Trung hưng đến nay.

Thành bậc Kính Thiên thời Lê Trung hưng có "số phận" gắn liền với sự biến đổi của điện Kính Thiên trong lịch sử. Nó là minh chứng sống động cho những biến động của di tích điện Kính Thiên trong lịch sử của di tích từ thế kỷ XVII đến nay, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.

Độc đáo, khác lạ

Bộ thành bậc thứ hai của điện Kính Thiên là bộ thành bậc của kiến trúc điện thị triều thời Lê Trung hưng duy nhất hiện còn.

Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không bắt gặp, không lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại khác. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bộ thành bậc thứ hai của điện Kính Thiên có nhiều nét tương đồng với thành bậc Cổ Loa, song xem xét kỹ lưỡng, đa phần các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, thành bậc đá ở Cổ Loa chỉ có nét tương đồng về hình khối, họa tiết hoa văn có nhiều khác biệt so với bộ thành bậc thứ hai của điện Kính Thiên.

Mảng chạm khắc đồ án trang trí cá hóa rồng ở hai mặt ngoài của thành bậc là đề tài quen nhưng cách thể hiện lại độc đáo và khác lạ. Thường đề tài cá hóa rồng thường gắn liền với cảnh vượt ngũ môn. Ở đây, các bức chạm diễn tả cá hóa rồng trong đầm sen. Các tư liệu cho thấy, đề tài này còn được chạm khắc trên thành bậc của đàn tế Nam Giao ở Thăng Long thời Lê Trung hưng. Tuy nhiên thành bậc của đàn tế Nam Giao hiện không còn.

anh-chup-man-hinh-2023-09-03-luc-101731-16937118790552130527366.png

Bộ thành bậc điện Kính Thiên có có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu đặc sắc

Cũng có tài liệu cho rằng thành bậc kiến trúc lăng Hoàng Cao Khai sao chép lại đồ án của mảng chạm này. Kết quả khảo sát tại hiện trường lăng Hoàng Cao Khải tại ấp Thái Hà cho thấy, đó là sự nhầm lẫn, thành bậc ở lăng Hoàng Cao Khải không sao chép lại đồ án của mảng chạm này. Như vậy, với các tư liệu hiện có, có thể khẳng định, mảng chạm đồ án trang trí cá hóa rồng ở hai mặt ngoài của thành bậc là một đồ án độc bản.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bộ thành bậc này còn có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu đặc sắc thể hiện ở tính biểu trưng của các hình tượng, họa tiết trên bộ thành bậc. Hình tượng rồng là hình ảnh thể hiện sự biểu trưng cho nhà vua và quyền lực của nhà vua.

Tượng con rồng với những quy chuẩn chặt chẽ về cấu trúc phần đầu với u nổi cao nhằm thể hiện năng lực tự sinh của rồng đã thể hiện tính chuẩn mực nghiêm cẩn của Nho giáo. Đồ án cá hóa cũng phản ánh tư tưởng của Nho giáo gắn với triết lý khổ luyện thành tài. Sự biến tấu của một đề tài quen thuộc mang tính kinh điển tạo cho đồ án trang trí một sắc thái mới và đậm tính văn hóa Việt Nam, tiếp nhận và cải biến.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022