Theo TVB, cuối tháng 10, ông Trần Dĩ Tín, đại biểu Viện lập pháp Đài Loan, tố cáo bảo tàng Cố Cung làm vỡ đồ gốm sứ và cố tình che giấu điều này. Các hiện vật hư hỏng gồm: Bát in hình rồng của vua thời Minh, bát màu vàng thời vua Khang Hy (triều Thanh) và đĩa in hoa thời vua Càn Long (triều Thanh).
Chiếc bát rồng thời Minh trước và sau khi bị hỏng. Ảnh: NPU
Sau đó, ông Ngô Mật Sát, giám đốc bảo tàng, thừa nhận cổ vật bị vỡ. Trong đó, chiếc đĩa in hoa xanh hư hại do sơ suất của nhân viên (làm rơi đĩa từ trên bàn xuống). Hai chiếc còn lại chưa rõ nguyên nhân, nhân viên mở hộp đựng, thấy chúng không còn nguyên vẹn nên chụp ảnh lại ngay.
Bảo tàng phát hiện cổ vật không nguyên vẹn vào ba thời điểm khác nhau, lần lượt là vào tháng 2/2021, tháng 4 và tháng 5 năm nay. Đại diện bảo tàng cho biết đã kiểm tra tất cả trích xuất camera liên quan nhưng chưa thể xác định ai chịu trách nhiệm với hư hỏng của hai bát cổ. Với người làm rơi chiếc đĩa, bảo tàng đang tìm hướng kỷ luật.
Chiếc đĩa hỏng do rơi từ trên bàn xuống. Ảnh: NPU
Về giá trị của ba cổ vật, ông Ngô Mật Sát nói không thể tiết lộ chúng trị giá bao nhiêu, nhưng cam đoan giá thấp hơn nhiều so với con số 2,5 tỷ Đài tệ mà một số chuyên gia đồ cổ đưa ra trước đây.
Theo Yahoo Taiwan, ngày 1/11, tại Viện Lập pháp, ông Trần Dĩ Tín chất vấn ông Tô Trinh Xương, người đứng đầu Viện Hành chính - đơn vị quản lý bảo tàng - về bê bối. Ba vấn đề Trần Dĩ Tín nêu là: "Vì sao cổ vật vỡ hơn một năm rưỡi nhưng bảo tàng không công khai với công chúng?", "Thông cáo của bảo tàng viết nhân viên chụp ảnh chiếc bát rồng vỡ ngay khi mở hộp chứa. Nhưng trong ảnh, chiếc bát đặt trên bàn chứ không phải trong hộp đựng", "Bảo tàng nói camera ghi hình chỉ lưu giữ video của ba tháng gần nhất, tại sao bảo tàng không điều tra sớm mà đợi sau khi không còn dữ liệu trích xuất camera mới tiến hành?".
Ông Trần Dĩ Tín cho rằng đằng sau sự việc có thể có bí mật, hành vi mờ ám nào đó. Theo ông, đến nay, Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc không thể tự điều tra, giải quyết sự việc, mà cần Viện Hành chính vào cuộc.
Chiếc bát thời Khang Hy - một trong ba đồ cổ bị vỡ". Ảnh: NPU
Ông Tô Trinh Xương nói từng yêu cầu bảo tàng điều tra, xử lý chuyên nghiệp, truy cứu trách nhiệm đúng người, đúng sai phạm. Ông cho biết bảo tàng không giấu giếm điều gì.
Theo trang LTN, chính trị gia Mã Văn Quân, ủy viên hội đồng lập pháp, nói sự việc chưa có tiền lệ trong lịch sử gần 100 năm của bảo tàng. Bà cho rằng bê bối không chỉ cho thấy sự thiếu tôn trọng với cổ vật lịch sử mà còn làm lung lay niềm tin của công chúng với bảo tàng.
Bảo tàng Cố cung Đài Bắc (còn gọi là Cố cung Đài Loan, Bảo tàng Trung Sơn) thành lập năm 1925, là điểm tham quan nổi tiếng ở Đài Loan. Đây còn là cơ quan nghiên cứu nghệ thuật cổ đại Trung Quốc. Năm 2015, Cố cung Đài Bắc xếp thứ sáu danh sách bảo tàng nghệ thuật được tham quan nhiều nhất thế giới.
Nghinh Xuân