01.jpgKhuôn viên EnBW sẽ thay đổi như trong đồ họa này vào năm 2027 khi mà ý tưởng của Tống Trần Đức Tuấn, Lê Quang Huy và Hannes Hörr được thực hiện.                                                                                           Đồ họa: Tong+

Tháng 12 năm 2019, Văn phòng Kiến trúc TONG+ của KTS Tống Trần Đức Tuấn tại Hà Nội đã vượt qua 83 Văn phòng KTS trên thế giới giành giải Nhất cuộc thi kiến trúc quy hoạch xây dựng lại khu EnBW của thành phố Stuttgart, thủ phủ của bang Baden-Wuerttenberg, CHLB Đức.

Hiện nay, dù đang bận rộn với vòng 2 cuộc thi kiến trúc quy hoạch phát triển khu đô thị Backnang-West sau khi đã cùng 18 văn phòng vượt qua vòng loại có hơn 100 văn phòng kiến trúc trên thế giới tham gia nhưng Văn phòng TONG+ vẫn đang cùng các cộng sự ở CHLB Đức tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để tiến tới xây dựng lại khu EnBW và “đã nhiều lần tìm được sự đồng thuận giữa các yêu cầu của thành phố, ý tưởng của chủ đầu tư EnBW và ý tưởng của chính họ” mà nhà báo Jürgen Brand đề cập trong phần cuối của bài báo này. Jürgen Brand cũng đã theo sát và cho đăng tải trong thời gian gần đây nhiều bài viết liên quan đến dự án này như: “Các hình mẫu lý tưởng có thể định hướng cho quận Stöckach: Cuộc sống cách tân – Cái nhìn xuyên biên giới” (22.08.2020); “Khu EnBW ở phía Đông  Stuttgart: Sự tham vấn đối với quận Stöckach được tiếp tục” (22.07.2020); “Dự án xây mới ở phía Đông Stuttgart: Ý tưởng cho mặt tiền mới tại quảng trường quận Stöckach” (07.07.2020); “Khu EnBW ở phía Đông  Stuttgart: Các chuyên gia muốn xây dựng với mật độ cao hơn tại quận  Stöckach” (27.07.2020)…  Các bài viết nhằm phản ánh tiến trình thực hiện dự án mà TONG+ và các cộng sự cùng với chính quyền thành phố Stuttgart và chủ đầu tư EnBW đang khẩn trương thực hiện.

Xin được giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài viết “Từ Hà Nội đến thành phố được thiết kế mới” của nhà báo Jürgen Brand vừa được đăng tải trên tờ Nhật báo Stuttgarter Zeitung vào ngày 05.10.2020 vừa qua.

Đồ án thiết kế đoạt giải nhất cho khu đô thị EnBW là kết quả của những cuộc video-chat giữa Việt Nam, Bavaria và Stuttgart (Jürgen Brand)

02.jpg Chat video giữa Tống Trần Đức Tuấn từ Hà Nội với Hannes Hoer và Lê Quang Huy ở Stuttgart.                       Ảnh: Jürgen Brand

Quá trình lập kế hoạch xây dựng lại quận Stoeckach đã được khởi xướng bởi Hội đồng Thành phố Stuttgart vào mùa thu này. Dự án xây dựng đô thị đầy tham vọng của Tập đoàn năng lượng bang Baden-Wuerttenberg (EnBW) ở trung tâm của bang đã sẵn sàng và sẽ có mặt đúng hạn cho Internationale Bauausstellung – Triển lãm quốc tế về xây dựng 2027 (IBA27 ) . Ít nhất thì những hạng mục và tiến độ đã được ghi nhận mà EnBW đặt ra đối với cuộc thi đồ án quy hoạch đô thị để phát triển cho khu vực này sẽ phải về đích.

Vào tháng 6 năm 2019, khi Tống Trần Đức Tuấn đang ngồi ở văn phòng của mình tại Hà Nội đọc được thông tin về cuộc thi thiết kế kiến trúc và quy hoạch lại quận Stoeckach, anh đã quả quyết: “Phải tham gia”. Tuy nhiên, với chỉ một mình anh, nó sẽ không đơn giản, bởi vì phạm vi công việc là quá rộng lớn. KTS sinh năm 1981 này cần một đội ngũ dù nhỏ, nhưng ít nhất phải có thêm KTS quy hoạch đô thị và một KTS cảnh quan. Và Tuấn Tống đã không phải tìm đâu xa.

Tuấn Tống còn chia sẻ về gia đình và cho biết, bố anh, cũng là dân xây dựng, đã nhận bằng tiến sĩ ở thành phố Weimar và vẫn còn bạn bè ở Đức. Thông qua những người bạn này của bố, anh đã đến thành phố Darmstadt, nơi anh theo học kiến trúc và quy hoạch đô thị tại trường Tổng hợp Kỹ thuật Darmstadt và tốt nghiệp vào năm 2010. Ngay sau khi tốt nghiệp, KTS Tuấn Tống trở thành cộng sự cho hai văn phòng kiến trúc ở Đức vào năm 2013, giành giải Nhì Europan – “Cuộc thi ý tưởng lớn nhất châu Âu về phát triển đô thị và kiến trúc” – dành cho các KTS dưới 40 tuổi. Hàng năm, anh vẫn tham gia các cuộc thi quy hoạch kiến trúc các thành phố với các lĩnh vực và trọng tâm khác nhau. Năm 2014 Tuấn Tống được trao học bổng của Quỹ Wuestenrot, năm 2015 anh chuyển về Việt Nam. Đã đến lúc cần phát triển triết lý của riêng mình và bắt đầu với quy mô nhỏ với văn phòng của chính anh tại Hà Nội.

Tại Hà Nội, anh đã gặp Lê Quang Huy khi Huy về thăm quê ngắn ngày. Lê Quang Huy cũng sinh năm 1981, tốt nghiệp cử nhân kiến trúc tại Hà Nội năm 2004 và làm việc một số năm trong các dự án phát triển đô thị. Sau đó, Huy cũng sang châu Âu, thực tập ở Hamburg và Zurich, đầu tiên lấy bằng Cử nhân Kiến trúc Cảnh quan tại Đại học Kỹ thuật Munich (2013), sau đó là bằng Thạc sĩ Kiến trúc Cảnh quan và Phát triển Đô thị (2015). Trong những năm này, anh đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm Giải thưởng Tài năng trẻ BDLA 2013 Bavaria. Kể từ năm 2016, anh làm việc cho văn phòng Kiến trúc 03 ở Munich.

Vì vậy, khi Tuấn Tống đọc được thông báo về khu vực Stoeckach, anh đã gọi ngay cho Huy ở Munich và đề nghị Huy nhất định phải tham gia và còn nói thêm “Chúng ta còn cần một KTS cảnh quan nữa”. Huy đã hứa sẽ lo việc này vì anh có biết một người có thể đảm nhận vị trí này. Bạn thân nhất của Huy có một cô bạn gái, nay đã kết hôn với anh bạn này, là em gái của KTS cảnh quan Hannes Hoerr từ Remseck. Thế là Hoerr trở thành KTS cảnh quan còn thiếu của nhóm, lại còn có lợi thế sân nhà.

Hannes Hörr sinh năm 1984, thực ra đã tiếp quản công ty làm vườn và cảnh quan của cha mẹ mình ở Remseck. Hörr học kiến trúc cảnh quan và quy hoạch đô thị ở Đại học Weihenstephan. Cũng như những KTS mới tốt nghiệp, Hörr đã tham gia các khóa đào tạo thực tế phong phú. Năm 2014, anh quyết định từ bỏ sự nghiệp đã được gia đình sắp đặt sẵn, đến làm việc tại các văn phòng kiến trúc khác nhau ở Munich và Stuttgart, làm giám đốc dự án tại văn phòng của Giáo sư Joerg Stoetzer Landscape Architecture ở Stuttgart, bắt đầu lấy bằng thạc sĩ về kiến trúc và quy hoạch đô thị và tự kinh doanh vào năm 2018.

Thế là Tuấn quen Huy từ cuộc gặp gỡ ở Hà Nội. Huy quen Hörr qua người bạn thân nhất của mình, Hörr hoàn toàn không biết Tuấn. Thế nhưng, một team đã được thành lập kết nối Hà Nội, Munich và Stuttgart. Và rất lâu trước khi bùng phát đại dịch Corona, team này thực ra chỉ làm việc cùng nhau qua skype. Ai ở chỗ nấy nhưng mỗi tuần một lần, họ thảo luận trực tuyến với nhau. Huy bắt đầu với các công trình xung quanh khu vực, Tuấn lao vào các tòa nhà cao, còn Hörr thì chăm chút cho kiến trúc cảnh quan. Đang trong giai đoạn đầu thu thập ý tưởng nên từng người chỉ cần trao đổi ý tưởng của mình sao cho thật đơn giản, rõ ràng: “Chúng tôi luôn bổ sung tốt cho nhau”.

Hörr đã cung cấp cho nhóm rất nhiều tấm ảnh về khu vực này, kể cả các khu vực xung quanh. Lợi thế lớn của Hörr là anh đã biết khu vực này từ thời còn ở văn phòng của Giáo sư Stoetzer nằm ở phố Riecke gần đó. Khi đi ăn trưa, anh thường hay đến căng-tin của EnBW, KTS cảnh quan giải thích.

“Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian cho cuộc thi này, cuộc thi đã thực sự lôi cuốn chúng tôi, chúng tôi luôn muốn làm cho đồ án dự thi tốt hơn cho đến tận phút cuối cùng gửi hồ sơ dự thi bằng con đường trực tuyến. Tôi không nghĩ rằng có ai lại làm việc đến phát khùng lên như thế”.              

Lần đầu tiên Tuấn đặt chân đến khu vực Stoeckach cũng là lúc anh từ Việt Nam đến Stuttgart vào đầu tháng 12 năm 2019 cho buổi họp báo công bố người giành giải nhất cuộc thi. Tuấn biết văn phòng TONG+ của anh ấy đã thắng. Bên lề buổi họp báo, Tuấn và Hörr cũng lần đầu tiên gặp mặt nhau và cùng nhau ăn mừng thành công của họ.

Kể từ đó, công việc của ba người càng trở nên chuyên sâu hơn, tất bật hơn, tuy rằng hầu như chỉ thông qua thảo luận trực tuyến, bây giờ là do đại dịch corona. Để lập quy hoạch tổng thể tạo cơ sở cho kế hoạch xây dựng, cả ba đã phải đi sâu tìm hiểu chi tiết hơn trong những tháng vừa qua và đã nhiều lần tìm được sự đồng thuận giữa các yêu cầu của thành phố, ý tưởng của chủ đầu tư EnBW và ý tưởng của chính họ. Sự tập trung đặc biệt của khu vực đối với họ vẫn không thay đổi, như Hannes Hörr đã nói: “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho điểm dừng như chúng tôi muốn. Điều đó có thể tạo động lực thực sự cho Stuttgart. Tôi sẽ chuyển nhà đến đó ngay lập tức”.

Vui lòng xem ảnh dưới đây hoặc vào đường dẫn https://www.stuttgarter-zeitung.de/inhalt.der-stoeckach… để đọc toàn văn bài báo bằng tiếng Đức.

03.jpg   Ảnh chụp trang báo ra ngày 05.10.2020

Theo Jürgen Brand

XEM THÊM:

  • Tạo hình kiến trúc cho cầu đi bộ đa chức năng bằng kết cấu dàn không gian
  • KTS Nhâm Chí Kiên: Kiến tạo không gian sống xanh – Hướng đi tất yếu tại các đô thị
  • Giải pháp không gian xanh trong đô thị hiện đại

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022