Tôi xin được chia sẻ với các bạn quan điểm của mình về một chủ đề, thoáng nghe qua thì tưởng chừng như rất thời thượng và bề nổi, nhưng nếu được suy xét kĩ thì nó lại có thể dẫn dắt ta đến bến bờ của sự chiêm nghiệm về những giá trị đích thực.

Trước tiên, để có thể tiếp cận được chủ đề nêu trên, trong khuôn khổ rất giới hạn của bài viết này, tôi xin được đưa ra quan điểm của mình tập trung về định nghĩa kiến trúc. Tôi xin cũng nêu rõ đây không phải là một định nghĩa có tham vọng mang giá trị hợp lệ một cách tuyệt đối vì với tôi đó là điều không thể.

Chúng ta không nên vội vàng đưa ra phán xét cho "kiến trúc Pháp" vì cho dù phán xét có thế nào thì điều quan trọng hơn cả vẫn là những gì "kiến trúc Pháp" nói lên được về yếu tố con người và yếu tố môi trường của mình.

Theo tôi, khái niệm kiến trúc được hình thành để chỉ sản phẩm không gian nhân tạo mà con người tạo ra trong quá trình chinh phục bên ngoài để biến đổi môi trường bên ngoài (hiểu theo nghĩa rộng từ các giá trị vật chất đến các giá trị tinh thần) trở nên thân thiện hơn với bản thân mình, và thông qua đó củng cố sự tồn tại của bản thân. Ví dụ: bằng việc xây cất một ngôi nhà, con người có thể cải thiện điều kiện khí hậu xung quanh trở nên dễ chịu hơn với cơ thể của mình, đồng thời cũng hoạch định được cho tâm tưởng của mình nơi đi chốn về để cảm thấy yên tâm hơn, an toàn hơn. Sự tồn tại của ngôi nhà đó gắn bó mật thiết với sự tồn tại của con người ở trong nó, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nói một cách khác đi thì chúng ta có thể hiểu kiến trúc là sự sáng tạo của con người nhằm mục đích bổ sung cho chính cơ thể bẩm sinh của mình khi cơ thể đó không còn đủ để con người thể hiện cái tôi của mình ra bên ngoài. Kiến trúc lúc này đồng nghĩa với sự nới rộng khả năng của bản thân.

4962733468_7aafd9e5ce_b-Copy.jpg

Nhưng ngược lại, kiến trúc với vai trò là một phần của môi trường bên ngoài lại trở thành nhân tố xây dựng hình ảnh cái tôi của người sử dụng kiến trúc ở một mức độ nào đấy. Sự đóng góp này có thể là rất lớn trong trường hợp của một người sinh ra và lớn lên cố định tại một thành phố lớn hay một nơi có nền văn hóa bản địa sâu đậm. Không có thành phố thì sẽ không có thị dân, không có cung điện thì sẽ không có vua chúa, mặc dù trên phương diện sinh học những con người đó có thể vẫn đang tồn tại.

Chúng ta có thể thấy được mối quan hệ kiến trúc - con người là qua lại và rất mật thiết. Kiến trúc vừa là vách ngăn, vừa là cầu nối giữa cái tôi của một chủ thể con người và những gì còn lại mà chủ thể đó coi là thế giới bên ngoài.

Kiến trúc Pháp

Nếu khái niệm kiến trúc được cho là không thể bị tách rời ra khỏi yếu tố con người sống trong nó và môi trường bao quanh nó thì liệu chúng ta có thể kết luận rằng: Để trải nghiệm hay "nhìn thấy được" kiến trúc Pháp, người sống trong công trình đó phải sở hữu một vốn văn hóa có thể được nhận dạng là văn hóa Pháp, môi trường xung quanh công trình đó phải là môi trường tương đồng với nền văn minh Pháp. Có vậy thì kiến trúc Pháp mới có thể xuất hiện theo đúng tính chất nội tại của mình. Một người ngoại quốc không thể nào nắm bắt được đâu là giá trị đích thực của cây đa mái đình, của quán cóc vỉa hè khi anh ta không trải qua cái tuổi thơ chờ đợi bà bồng bế đi xem hội làng hay từng buổi tối gió mùa đông bắc châm điếu thuốc, nhâm nhi một cốc trà nóng cùng thằng bạn trên Bờ Hồ. Đó là những giá trị chỉ có thể hiện hữu bằng cảm nhận và trải nghiệm chứ không thể hiện hình qua tranh ảnh, sách báo hay thậm chí là văn chương.

Để trải nghiệm hay "nhìn thấy được" kiến trúc Pháp, người sống trong công trình đó phải sở hữu một vốn văn hóa có thể được nhận dạng là văn hóa Pháp, môi trường xung quanh công trình đó phải là môi trường tương đồng với nền văn minh Pháp. Có vậy thì kiến trúc Pháp mới có thể xuất hiện theo đúng tính chất nội tại của mình.

Nếu các bạn cũng đồng ý với tôi về nhận xét trên thì chúng ta có thể thấy rõ rằng những công trình "kiến trúc Pháp" đang được đặt hàng, thiết kế và rao bán một cách hàng loạt chỉ đơn thuần là những sản phẩm thương mại hóa được gắn thương hiệu "kiến trúc Pháp" nhằm tăng tính hấp dẫn trên thị trường.

Vậy "Kiến trúc Pháp" ở đây là gì? "Kiến trúc Pháp" chính là một trong những hiện thân của kiến trúc Việt tại thời điểm gần đây. Tại sao chúng ta lại có thể khẳng định điều này? Như đã đề cập ở phần trên của bài viết, kiến trúc không thể nào tồn tại độc lập mà không có yếu tố con người sống trong nó và môi trường xung quanh nó. Trong trường hợp này, đâu là yếu tố con người và đâu là yếu tố môi trường?

16161229172_78a8119ae0_b-Copy.jpgYếu tố con người ở đây là đối tượng khách hàng và giới phê bình bị mê hoặc bởi thương hiệu "kiến trúc Pháp". Tình trạng này bắt nguồn từ xu hướng sính ngoại, ham muốn sở hữu sự độc đáo mới lạ và qua đó công cụ hóa khái niệm kiến trúc để tạo dựng hình ảnh của bản thân.

Về yếu tố môi trường, kiến trúc Việt đang sống trong một xã hội mà kiến trúc không phải là giá trị phi vật thể duy nhất bị thương hiệu hóa bởi những nhà đầu tư mà tư duy chủ đạo được viết bằng ngôn ngữ của lợi nhuận. Chúng ta đang có công nghiệp về văn hóa, về sức khỏe, về giáo dục, về nghệ thuật, thậm chí là về phê bình nghệ thuật tràn lan ở khăp mọi nơi. Những giá trị phi vật thể nói trên tưởng chừng như không thể đem ra cân đo đong đếm này đều đã được quy đổi về một giá trị duy nhất để có thể định lượng và trao đổi.

Chúng ta không nên vội vàng đưa ra phán xét cho "kiến trúc Pháp" vì cho dù phán xét có thế nào thì điều quan trọng hơn cả vẫn là những gì "kiến trúc Pháp" nói lên được về yếu tố con người và yếu tố môi trường của mình. Liệu rằng sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta bàn về việc làm thế nào nắm bắt, thông qua "kiến trúc Pháp", rồi tìm cách cải thiện hai yếu tố trên?

KTS. Nguyễn Lê Hưng

(Hội KTS Việt Nam tại Pháp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022