Chợ quê trong lòng phố
Cùng với lễ hội thổi cơm thi Đình Thị Cấm, chợ Canh là một nét văn hóa đặc sắc đầy tự hào của người dân Tổng Hương Canh xưa, nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cảnh chợ quê giản dị ngày cuối năm khiến dân mạng thổn thức đếm ngược từng ngày Tết sangĐọc ngay
Quá trình đô thị hóa biến các thôn làng thành các phường với những khu đô thị sầm uất bao quanh. Chợ cóc mọc lên tự phát tấp nập, những trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích mở ra san sát các trục đường chính vào Xuân Phương. Thế nhưng, người dân Hương Canh vẫn duy trì thói quen đi chợ Canh vào 6 ngày phiên của tháng như một nếp văn hóa khó bỏ.
Nhiều đời nay, chợ Canh được duy trì 5 ngày một phiên vào các ngày 3 ngày 8 Âm lịch: 3, 8, 13, 18, 23, 28. Trong đó, phiên ngày 28 luôn là phiên đông nhất. Bởi ngoài mua rau cỏ thịt thà, người dân còn sắm sửa hương khói cho ngày mồng Một tháng kế. Chợ họp từ sáng sớm và luôn tan trước 12 giờ trưa.
Chợ Canh là chợ phiên “n trong 1”. Người dân có thể tìm bất kỳ món đồ gì ở đây như các khu chợ thường nhật trong phố xá. Từ thịt cá, rau cỏ, hoa quả, quần áo, giày dép, cây cảnh hay bát đũa, đồ thiếc…
Nhưng có những thứ mà chỉ ở chợ Canh mới có, hoặc là người mua phải lặn lội về những vùng quê để tìm. Đó là con giống, cây giống, chổi rơm, thúng mủng dần sàng bằng tre nứa… Đặc biệt nhất là thực phẩm nhà trồng.
Mang diện mạo như một chợ quê truyền thống, bên trong chợ Canh là các gian hàng lợp mái cũ kĩ dành cho các tiểu thương mua chỗ theo năm. Chiếm phần đa diện tích là các sạp thịt lợn, thịt bò, hàng thủy hải sản tươi sống, gia cầm sống, con giống… Ở khu vực cao ráo giữa chợ là các quầy ăn sáng, với bún chan, xôi, bánh cuốn nóng, cháo thịt, trứng vịt lộn.
Các bà các cụ đi chợ Canh nhiều khi chỉ để tạt vào đây ăn quà sáng, có khi là 5 đồng bạc bánh rán đường mật, vài nghìn bánh cuốn Thanh trì tráng mỏng hay cái bánh nếp, bánh gio, miếng bánh đúc lạc xắt hình tam giác gói kèm túi tương nhỏ...
Nơi đông đúc, tấp nập nhất lại là khu vực ngoài cổng chợ. Tất cả các ngõ ngách bao quanh tường chợ được tận dụng triệt để để họp chợ, có khi kéo dài tới 400-500 mét vào các khu dân cư bên trong. Tuy gây trở ngại cho giao thông nhưng đây mới chính là khu vực đáng mua bán nhất của chợ Canh.
Mua gì ở chợ Canh?
Dù là chợ quê, nhưng chợ Canh không phải chợ đầu mối, không bán buôn. Vì thế bạn không thể mua được thực phẩm với giá rẻ hơn ở các chợ khác. Nhưng so với chợ cóc hay các chợ lớn thường nhật, chợ Canh có thực phẩm tươi ngon hơn. Lý do chính là, chợ chỉ họp buổi sáng và 5 ngày mới có một phiên, không có đồ ôi thiu tồn đọng được.
Thực phẩm ở chợ Canh đều là đồ tươi, bán hết trước giờ trưa.
Giá thịt lợn, thủy hải sản ở chợ Canh ngang ngửa với chợ khác. Tuy nhiên, nếu khéo mặc cả, các bà nội trợ có thể mua thấp hơn 1 giá khi đi chợ vào tầm vãn, khoảng 11g trưa.
Song, điều này mới khiến chợ Canh đáng giá: bạn có thể mua được tôm sông, cá sông ở đây. Nếu đã quá ngấy và sợ những khúc cá trắm, cá trôi nuôi với phần bụng dầy mỡ vì ăn cám công nghiệp, các bà các mẹ có thể tìm đến cá sông, nhỏ con, tươi roi rói và chắc nịch. Các bà bầu cần tẩm bổ bằng món cá chép đánh bắt tự nhiên, những bà nội trợ sành ăn thích mớ tôm trứng còn nhảy tanh tách, chợ Canh chính là nơi họ nên đến.
Khi tới chợ, bạn hãy chịu khó gửi xe ở sân siêu thị ngay cạnh, sau đó thong thả đi bộ một vòng trong chợ rồi quay ra cổng, rẽ vào các ngõ sâu bám theo tường chợ Canh. Phải đi bộ thì bạn mới nhìn rõ từng mớ rau, quả trứng do người dân địa phương tự tăng gia nuôi trồng và mang tới chợ mỗi ngày phiên.
Rất dễ để bạn nhìn ra mớ rau nhà trồng và mớ rau lấy buôn từ chợ đầu mối Kiều Mai. Các bà các mẹ trồng rau trong vườn nhà, thừa ra thì mang đi bán kiếm đồng tiêu vặt, nên mớ rau có phần xộc xệch, to nhỏ không đều nhau, dây buộc thì cũ kỹ, có thể chỉ là sợi dây chuối. Cà chua quả chín quả xanh, và đôi khi còn nguyên chùm. Mướp xanh mướt và cuống vẫn chảy nhựa vì mới hái lúc sáng sớm.
Các bà bán rau cỏ nhà trồng thường không có nhiều loại và mỗi loại chỉ có một ít. Một ít ngọn bí, một ít đậu bắp, một ít lá thơm, 4-5 quả đu đủ chín cây, dăm cân khế chua, thậm chí là 1 ít cau trầu bán cùng. Giá cả bằng chợ thường, không rẻ hơn, cũng không đắt hơn. Ví như rau muống từ 5000-6000 đồng/mớ, ngọn bí 15000 đồng/mớ, su hào 4000 đồng/củ, đu đủ 10000-12000 đồng/kg, khế chua 1000 đồng/quả...
Tương tự bạn cũng có thể mua trứng gà ta với giá từ 35000 - 40000 đồng/chục. Đi chợ sớm từ 5-6g sáng, bạn còn thấy được cả độ ấm của quả trứng gà nhỏ xíu trong lòng tay.
Nếu bạn là người mê làm vườn, bạn có thể tìm mua đủ loại cây giống, cây hoa, cây cảnh ở chợ Canh với giá rẻ hơn chợ Bưởi từ 1-2 giá. Rẻ nhất và nhiều nhất là hoa hồng, với giá phổ biến từ 40000 - 120000 đồng/cây.
Vào dịp này, bạn còn có thể mua cam Canh, bưởi Diễn được trồng trên đất Diễn - Canh chính gốc. Tất nhiên vẫn là của nhà trồng được, không có nhiều và luôn hết từ rất sớm. Những quả bưởi Diễn chính gốc ở đây thường rất bé, xấu mã, đôi khi chỉ có dăm quả do một chị trung tuổi cắp cái rổ đựng ít rau mang đi bán kèm. Giá cả cũng rất dễ chịu, từ 35000 - 60000 đồng/quả, tùy kích cỡ.
Vì phần đa là người bán hàng "không chuyên nghiệp" nên các bà các chị ở chợ Canh thường tận dụng túi nilon cũ đem đi đựng đồ cho khách mua. Một hình ảnh đẹp đẽ bạn có thể gặp ở chợ là người mua trao cho người bán những cuộn túi nilon cũ đã giặt sạch, gấp gọn gàng để nhận về lời cảm ơn.
Nhịp sống hiện đại khiến nhiều gia đình ngại đi chợ hơn. Thế nhưng chợ Canh chưa bao giờ vì thế mà bớt đi đông đúc. Đó không chỉ là không gian văn hóa của người dân địa phương, mà còn là nơi tìm đến của những bà nội trợ thông minh, biết cách dùng thực phẩm quê sạch mà không phải chi quá nhiều tiền.