Bắt đầu trồng hoa lan từ cách đây gần 20 năm, nhưng mới chỉ vài năm gần đây ông Thịnh (thanh tra của Sở Giao thông ở tỉnh Điện Biên) chú ý đến dùng hoa lan tạo cảnh quan cho khuôn viên nhà mình.
Yêu loài lan hạc vỹ, trong khi sân vườn nhà lại rộng và có nhiều cây nhãn, ông Thịnh đã trồng lan vào những cành thấp trên cây để tạo thế buông rủ xinh đẹp.
Lan hạc vỹ thuộc dạng thân thòng. Nó cùng với lan phi điệp là hai loại sống khỏe, chịu đựng thời tiết nhất và được ông Thịnh trồng nhiều trong nhà.
"Cứ sau một năm loài lan này lại ra rễ, phân nhánh. Những năm trước vì không tỉa tót gì nên nó giống như cô gái để tóc rối. Sau tôi mới nghĩ ra cách cắt nó đi và nhân giống ra thành như bây giờ", ông chia sẻ.
Việc chăm sóc hoa lan không hề đơn giản, phải hiểu rõ tập tính, lượng ánh sáng, khí hậu. Nếu thấy thiếu ánh sáng, ông Thịnh phải cắt bớt các tán cây nhãn.
Những trận mưa đầu mùa thường có nhiều axit, dễ làm cây chết, ngay sau mưa phải tưới nước sạch lên cây.
Từ khi tham gia vào các hội, nhóm chơi hoa trên Facebook, ông Thịnh có thêm nhiều cơ hội giao lưu và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc lan từ những người chơi khác.
"Tôi yêu vẻ đẹp của lan hạc vỹ, trông nó giống như suối tóc của người con gái, suôn mượt, xinh đẹp, nên thơ", ông Thịnh bộc bạch.
Ngoài hạc vỹ, ông Thịnh cũng có thêm 30 loài lan khác. Mỗi loài lại có nhiều màu sắc, kiểu dáng, xuất xứ khác nhau.
"Người chơi lan chúng tôi thường nói đùa 'yêu lan chỉ sau yêu vợ', nhưng mà đúng là vậy. Tôi lo lắng, chăm sóc nó như con mọn, sáng ngắm, chiều ngắm, tối cũng ra ngắm. Mỗi khi thời tiết báo mưa gió là tôi xót xa lắm, vì mưa làm dập nát hết hoa", ông Thịnh bộc bạch.
Ông Thịnh còn cho biết thêm, mùa hạc vỹ hai năm trước trong vườn nhà ông đẹp hơn so với năm nay. Chúng nở đều, sai hoa, bông to đẹp, tràn trề sức sống. Hạc vỹ thường nở vào đầu tháng 3 hàng năm. Năm nay do lạnh nên hoa nở muộn hơn. Hiện mới là đầu mùa.
Thời điểm từ nay đến tháng 8, vườn nhà ông Thịnh lúc nào cũng có các loài hoa lan nở.
Phan Dương
- (4/8)
- (27/7)
- (26/6)
- (17/2)
- (5/1)