Vải không chỉ là vật dụng quan trọng trong thiết kế nội thất, làm mềm mại ngôi nhà của bạn mà còn là nguồn cảm hứng để tạo ra những vách ngăn, vừa đảm bảo độ mờ, vừa làm tường, phân tách không gian một cách hoàn hảo mà và vẫn đảm bảo được một không gian rộng khi cần thiết.
Trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa hiện đại cao cấp, các nhà kiến trúc vĩ đại như Le Corbusier hay Mies van der Rohe rất đề cao giá trị thẩm mỹ của độ trắng – điều mà họ coi là có thể đạt đến mức biểu thị của sự thuần khiết và đơn giản. Ví dụ điển hình chính là ngôi nhà Farnsworth của van der Rohe, công trình sử dụng màu trắng tinh khiết của khung cấu trúc với các cửa sổ kính trong suốt từ trần đến sàn nhà, tận dụng ánh sáng tự nhiên để bao trùm toàn bộ ngôi nhà, nâng cao hơn nữa khát vọng thiên đường của không gian.
Ngày nay, một số KTS và nhà thiết kế đương đại đã khai thác triệt để tính thẩm mỹ của yếu tố trắng bằng cách sử dụng các vách ngăn bằng vải mờ, bổ sung cho sự tinh khiết của màu trắng. Những bức tường mềm mại này cùng cách “chơi đùa” với ánh sáng đã tạo được sự uyển chuyển trong không gian.
Thay vì sử dụng những sắc màu rực rỡ để tạo nên cảm giác sống động trong không gian thì một số thiết kế lại tập trung vào việc tạo nên một gam màu đơn sắc, từ trắng trần nhà và tường, trắng trong phân vùng vải cho đến trắng trong nội thất. Để tạo ra hiệu ứng lý tưởng cụ thể của chúng, các nhà thiết kế đã thử nghiệm với nhiều loại vải, đặc biệt là vải có độ trong và kết cấu.
Các vách ngăn này được làm từ nhiều loại vải tương đối bền như cotton, polyester hoặc voan nylon, organza, rubia hay lưới. Tùy thuộc vào mỗi chất liệu, các khu vực được phân vùng có thể hấp thụ lượng ánh sáng khác nhau. Ví dụ như rubia thường đục hơn organza hoặc voan, mỗi loại cũng được cấu thành từ những kiểu dệt khác nhau. Tương tự như vậy, các loại lưới khác nhau có độ thô nhất định so với vải. Các KTS sẽ biết cách sáng tạo không gian từ những vật liệu và điều kiện ánh sáng khác nhau.
Để giúp vải trắng có thể thực hiện “tròn” vai trò của mình, các KTS có thể sử dụng thép, gỗ sáng màu hoặc vật liệu kết cấu sơn trùng màu với vải mờ để đạt được hiệu ứng trang nhã như nhau. Những vật liệu đi kèm nên được lựa chọn dựa trên vật liệu vải chính và điều kiện ánh sáng, quan trọng hơn là chúng cũng phải phù hợp với chức năng và cấu trúc, đặc biệt là vật liệu của cột, thanh và các yếu tố cấu trúc khác.
Dưới đây là một số chiến lược khác nhau trong việc ứng dụng vải trắng để tạo nên bầu không gian trắng yên tĩnh nhưng cũng đầy sáng tạo.
Văn phòng Logan | SO-IL
Trong thiết kế năm 2012 này, đội ngũ thiết kế của SO-IL đã dựng lên các vách ngăn liền mạch từ trần đến sàn nhà, tách biệt khu vực làm việc trung tâm để duy trì bản chất của môi trường chung, bất chấp sự phân khúc thị giác. Độ trong suốt của vải cũng thực hiện chức năng như một bộ lọc mờ, giảm sự tập trung vào số người qua lại, làm rõ chiều sâu và không gian làm việc đồng thời tôn lên các thiết kế hiện đại của màu trắng nguyên bản.
Versatile Hanbok Creates Space | Farming Architecture
Để thiết kế cho triển lãm thời trang tại Hàn Quốc, vải trắng đã được căng lên thành những vách ngăn, tạo nên một loạt phông nền tao nhã, đơn giản cho việc trưng bày các thiết kế thời trang đương đại. Mang hiệu ứng thẩm mỹ này với ý nghĩa văn hóa bổ sung, triển lãm thiết kế mô hình không gian từ vải này để thể hiện các yếu tố sáng tạo, cách thức và không gian để thể hiện rõ bản chất và giá trị của hanbok – trang phục truyền thống của người Hàn Quốc, đồng thời làm bật lên được chủ đề chính của không gian – sự linh hoạt của trang phục hanbok.
Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Chống nắng và thông gió cho nhà ở với mành gỗ: Giải pháp truyền thống cho dự án hiện đại
- Thêm vườn treo vào kiến trúc
- Điểm qua 10 thiết kế cabin từ vật liệu và công nghệ mới