Biophilic Design (Thiết kế ưa sinh học) về bản chất không chỉ là đưa cây xanh vào không gian mà còn là tái hiện cảm giác thiên nhiên ngay trong ngôi nhà, kết nối không chỉ về thị giác mà còn là xúc giác, thính giác, vị giác và khứu giác về môi trường tự nhiên. Tất cả điều đó giúp chữa lành cho con người và đưa con người trở về đúng với bản chất là một sinh vật, mà sinh vật thì cần hệ sinh thái. Bài viết giới thiệu quan điểm và lý giải của NTK Oliver Heath – người sáng lập Oliver Heath Design về Biophilic Design.

kienviet-biophilic-design-la-gi-6.jpgNTK Oliver Heath

Trái Đất đang ngày càng nóng lên, biến đổi khí hậu là thực trạng đã và đang xảy ra chứ không còn ở tương lai nào nữa. Tất cả những vấn đề trên là do con người đã mất kết nối với thiên nhiên, với hệ động, thực vật. Ở Anh, hơn 90% dân số sử dụng các thiết bị công nghệ và họ bị phụ thuộc vào chúng, con người giờ đây dành thời gian trong nhà và có cảm giác stress nhiều hơn bao giờ hết, vì họ không thấy được mối quan hệ giữa kiến trúc – năng lượng – thực vật – động vật – con người.

kienviet-biophilic-design-la-gi-1.jpg

Con người ngày nay đang đi tìm kiếm những “chiếc hộp”, ở trong những ngôi nhà ngăn cách chúng ta khỏi các yếu tố thiên nhiên, nơi mà chúng ta cho là cuộc sống văn minh, thoải mái, dễ chịu. Nhưng trong suốt quá trình tiến hóa của loài người, chúng ta phát triển trong tự nhiên và bộ não bò sát, những bản năng luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Chúng ta luôn có cảm giác được thư giãn khi ra biển, đi cắm trại, đi leo núi, về với thiên nhiên trong các kỳ nghỉ của mình. Vì chúng ta là 1 sinh vật và sống nương tựa vào tự nhiên từ hàng nghìn năm nay.

Nhưng thực trạng là hầu hết dân số thế giới đang sống xung quanh những khối hộp cao tầng, giữa bê tông, giữa đồ nhựa, giữa điều hòa, ánh sáng nhân tạo. Vậy vấn đề được đặt ra là làm sao đưa thiên nhiên vào những “chiếc hộp” đó 1 cách hiệu quả nhất?

kienviet-biophilic-design-la-gi-2.jpgĐại học Tokyo

Có 3 nguyên tắc cốt lõi của Biophilic Design – Kiến trúc ưa sinh học

  • Kết nối một cách trực tiếp: Khi nhắc đến Biophilic Design mọi người thường nghĩ ngay tới cây xanh. Đúng nhưng chưa đủ. Thiên nhiên thì có cả mặt nước, ánh sáng tự nhiên, gió trời, đất, sỏi, gỗ, đá tự nhiên, màu sắc,… 
  • Tạo ra được bầu không khí: Điều quan trọng hơn cả việc sử dụng cây xanh là chúng ta tạo ra một bầu không khí thiên nhiên, được cảm nhận thông qua đa giác quan. Màu sắc, hoa văn, vật liệu tự nhiên cũng đóng góp rất nhiều. Giờ đây chúng ta có thêm cả các thiết kế lấy cảm hứng từ hệ sinh thái, các công nghệ mới hiện nay cũng giúp đỡ con người rất nhiều. 
  • Tạo ra một nơi chữa lành ngay tại nhà: Chúng ta cần thực tế rằng không phải lúc nào cũng có các kỳ nghỉ. Mọi người để đầu óc mệt mỏi trong vòng 10 tháng và đi nghỉ mát 2 tháng còn lại để xả hơi. Đó là một lựa chọn không hay cho lắm. Thay vào đó, hãy biến không gian sống của mình, đôi khi chỉ cần một vài góc nhỏ để chữa lành, nghỉ ngơi và kết nối với thiên nhiên là đã đủ.

Giáo dục

kienviet-biophilic-design-la-gi-9.jpgTrường mẫu giáo Farming Kindergarten, Biên Hòa, Việt Nam

Theo các nghiên cứu, chỉ cần sử dụng các hoa văn, hình ảnh, màu sắc về tự nhiên cũng đã cải thiện tâm lý, cảm xúc của con người. Một đứa trẻ được học trong một lớp học sử dụng vật liệu gỗ thì tâm lý và nhịp tim của chúng sẽ ổn định hơn. Việc tối đa hóa ánh sáng tự nhiên thì hiệu quả học tập tăng từ 20 – 26%. 

Các cơ sở điều trị

kienviet-biophilic-design-la-gi-8.jpgBệnh viện Khoo Teck Puat, Singapore

Những bệnh viện mà có nhiều không gian xanh cho bệnh nhân thì thời gian được xuất viện nhanh hơn 8.5%. 22% bệnh nhân cho biết họ giảm được căng thẳng và giảm cảm giác đau đớn do cuộc phẫu thuật khi tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên

Công trình nghỉ dưỡng 

kienviet-biophilic-design-la-gi-7.jpg1 Hotels, New York

Giá phòng ở các khách sạn có nhiều không gian xanh thường cao hơn 23%, và nếu sảnh của họ thiết kế theo Kiến trúc ưa sinh học thì du khách sẽ ngồi lại lâu hơn 36%.

Công trình thương mại

kienviet-biophilic-design-la-gi-3.jpgTrung tâm thương mại Emporia, Thụy Điển

Trong các khu mua sắm có không gian xanh hoặc ánh sáng tự nhiên, thì mọi người sẽ dành nhiều thời gian tham quan hơn và chi nhiều tiền hơn 8 – 12%, tỷ lệ quay trở lại cũng cao hơn,

Không gian làm việc 

kienviet-biophilic-design-la-gi-4.jpgSecond Home, Lisbon

Không gian làm việc gần gũi với thiên nhiên thì giúp năng suất của nhân viên tăng 6%, sức sáng tạo tăng 15%, trí nhớ và sự tập trung tăng 10 – 15%, giảm 15% tỉ lệ vắng mặt.

Khu dân cư

kienviet-biophilic-design-la-gi-5.jpgTòa nhà sinh thái ở Milan

Những chung cư có diện tích cây xanh lớn thì giá sẽ cao hơn khoảng 7% và tỉ lệ tội phạm cũng ít hơn 8%.

Chúng tôi chia mức độ kết nối giữa con người với thiên nhiên thành 5 cấp độ như sau:

  • Mỗi ngày: không gian cây xanh ngoài ban công, trong phòng hoặc sân vườn của hàng xóm
  • Mỗi tuần: đi đến các công viên trong thành phố, các sở thú, các con đường nhiều cây xanh, ít xe cộ trong đô thị
  • Mỗi tháng: các chuyến đi đến vùng ngoại ô hoặc các kỳ nghỉ ngắn ngày
  • Mỗi năm: các chuyến đi dài ở trong hoặc ngoài nước

Vì là mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng nên mỗi người dân và chính quyền cần tự mình đặt ra câu hỏi “Làm sao để đưa thiên nhiên vào trong từng không gian, từng vật dụng nội thất, dù là nhỏ nhất?”, “Làm sao đưa thêm không gian xanh vào đô thị, vào từng con đường?”, “Chúng ta cần bao nhiêu % thiên nhiên trong ngôi nhà của mình để mình cảm thấy được thư giãn, thoải mái nhất?”.

Thiên nhiên với con người là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Lợi ích cho nhân viên khi họ làm việc vui vẻ hơn, năng suất hơn, lợi ích cho người mua nhà khi họ có không gian để nghỉ ngơi sau giờ làm, lợi ích cho chủ đầu tư, cho cho ngành du lịch và rộng hơn là có lợi cho hệ sinh thái. Vì khi ta kết nối lại được với thiên nhiên, chúng ta sẽ ngưng làm đau thiên nhiên.

*Oliver Heath đã thiết kế các không gian nội thất cho Apple, Bloomberg, Booking.com, Deutsche Bank và Interface. Ông đóng vai trò là người phát ngôn về thiết kế bền vững tại Bộ Năng lượng và Biến đổi Khí hậu của Vương quốc Anh, Quỹ Tiết kiệm Năng lượng và Chương trình Hành động Tài nguyên và Chất thải. Có các chương trình về Kiến ​​trúc và thiết kế nội thất trên BBC, ITV, Channel 4.

Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: Dezeen

XEM THÊM

  • Sự khác nhau giữa Carbon-neutral và Net-zero? Tại sao các KTS cần quan tâm đến chúng?
  • Thiết kế văn phòng Agribank cho trạng thái “bình thường mới”
  • Giải pháp tạo khoảng lệch trục từ trong ra ngoài giải quyết vấn đề lấy sáng và thông thoáng cho nhà đô thị
Bình luận từ Facebook

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022