Cứ đến lúc giao mùa xuân với hạ là tôi biết sắp đến ngày giỗ bố. Ông mất đã tròn 20 năm rồi, hồi đấy tôi mới 15 tuổi. Một mình mẹ nuôi tôi ăn học nên người, và bây giờ tôi đã thành đạt như ước nguyện, đủ khả năng để chăm lo cho mẹ dưỡng già.
Bố mẹ chỉ có tôi là con gái duy nhất. Biết nhà mình không có điều kiện nên tôi luôn đặt bản thân vào vị thế như một thằng con trai. Mẹ vất vả mưu sinh để có tiền cho tôi đi học, thì tôi cũng âm thầm đi làm thêm đủ thứ việc để trang trải sinh hoạt cá nhân. Khi lên đại học, có được khoản tích cóp đầu tiên, dù chỉ là 1 triệu thôi nhưng tôi đã liều mình đi mua chiếc điện thoại trả góp tặng mẹ.
Hồi đó di động có phổ biến như bây giờ đâu. Cái điện thoại đối với mọi người là một tài sản lớn. Tôi cũng đắn đo rất nhiều khi quyết định mua cho mẹ món đồ này, nhưng nghĩ đến chuyện 2 mẹ con ở xa nhau, người thành phố người dưới quê, liên lạc thư từ bất tiện, gọi nhờ điện thoại bàn công cộng cũng phiền, mà nhiều khi có việc chẳng thể gọi hỏi ngay được. Tôi cũng lo lắng khi mẹ ở nhà một mình, nhỡ ốm đau này nọ thì khó biết tin. Vậy là tôi quyết mua ngay cái di động để quan tâm đến mẹ được nhiều hơn.
Y như tôi dự đoán, mẹ giãy nảy lên bắt tôi đem điện thoại đi trả. Bà mắng tôi lãng phí tiền, không giữ lấy để ăn để học mà lại mua cái thứ hiện đại không cần thiết. Ở quê có ai dùng di động đâu, mẹ sợ người ta chú ý, rồi bàn tán này kia mẹ ngại. Tôi kệ chẳng quan tâm ai nói, dùng đủ lý lẽ thuyết phục thì mẹ mới chịu. Khi đó tôi đã có con "cục gạch" đủ chức năng nghe gọi rồi, giá vài trăm nghìn thôi. Vậy là 2 mẹ con có thể giao tiếp với nhau mỗi ngày rồi.

Hơn 10 năm vật lộn kiếm sống, trải qua đủ đắng cay sóng gió cuộc đời, giờ tôi đã thành cô chủ nhỏ, sở hữu tiệm bánh như mơ ước của mình ngày xưa. Tôi sống cực kỳ tiết kiệm, vì đặt mục tiêu xây cho mẹ ngôi nhà mới, đón mẹ lên thành phố ở cùng mình.
Có mấy tỉ trong tay là tôi mua đất xây nhà luôn, tuy nó ở ngoại thành cách trung tâm hơn 10km nhưng đi lại cũng tiện, không khí trong lành mát mẻ. Đến khi hoàn thiện xong căn nhà vườn rộng cả trăm mét vuông thì tôi cũng gánh trên mình thêm vài tỉ vay nợ nữa, nhưng nghĩ đến chuyện mẹ được sống an nhàn hạnh phúc là mọi nỗi buồn bay biến luôn.
Tôi cố gắng hoàn thiện ngôi nhà trước ngày giỗ bố để đón mẹ lên. Tưởng mẹ sẽ vui với món quà báo hiếu của con gái, ấy vậy mà khi bước chân vào nhà mới lần đầu tiên, mẹ đã nói với tôi rằng bà sẽ không bao giờ ở lại nơi này.
Tôi sốc đến độ không biết đáp lại sao nữa. 2 mẹ con im lặng nhìn nhau. Một lát sau tôi mới hỏi mẹ vì sao lại như thế. Tôi đã phấn đấu hết cả thời thanh xuân, thậm chí chẳng yêu đương qua lại với ai, đến giờ vẫn chưa lập gia đình, chỉ để có một ngôi nhà riêng rồi sống chung với mẹ. Mẹ ôm tôi một cách dịu dàng, rồi bà tiết lộ lý do khiến tôi bật khóc.
- Bố ở đâu thì mẹ ở đó. Bàn thờ bố con ở dưới quê, trong cái nhà đầu tiên bố mẹ đã cùng xây đắp, nên mẹ sẽ sống tại đó đến cuối đời con ạ.
Mẹ cảm ơn tôi vì đã nỗ lực tặng mẹ món tài sản lớn như thế, nhưng bà không quan trọng vật chất, bà chỉ muốn con gái được đủ đầy bình an, và sớm có chỗ dựa yên ấm cho riêng mình. Mẹ có thể tự lo được cho bản thân, dù một mình dưới quê nhưng bà hài lòng với những gì đang có.
Tôi ôm mẹ khóc như một đứa trẻ. Trong đầu tôi hiện ra vô số kỷ niệm thời bé thơ, khi một nhà 3 người còn bên nhau cười nói. Bố bỏ mẹ con tôi đi quá sớm, nhưng có lẽ ở nơi nào đó ông cũng chỉ mong vợ con sống hạnh phúc mà thôi...
Thế là tôi tìm môi giới nhờ người ta bán nhà hộ. Tiệm bánh hoạt động khá ổn rồi, nên tôi tính mở thêm một cái nữa ở quê, rồi chuyển về sống cùng mẹ. Nuôi gà trồng rau, bắt đầu nghĩ đến chuyện quen một ai đó để lập gia đình. Sống chết kiếm tiền rồi cuối cùng cũng chỉ quay về với những điều giản dị, nhờ một câu của mẹ mà tôi đã ngộ ra nhiều điều...