
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên gặp em chồng mình. Đó là một buổi chiều cuối thu, cô gái tuy nhìn không còn trẻ trung nhiều nhưng có mái tóc nhuộm vàng cháy, móng tay sơn cầu kỳ bước vào nhà với chiếc điện thoại đời mới nhất dán đầy sticker.
"Chị dâu ơi, em đói quá, có gì ăn không?" - đó là câu nói đầu tiên cô ấy dành cho tôi, trong khi tay vẫn lướt TikTok mải mê.
Chúng tôi sống cùng mẹ chồng trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Ngày nào cũng vậy, cứ 10 giờ sáng, khi tôi đã an vị ở cơ quan và giải quyết bảy bảy bốn mươi chín thứ việc từ việc nhà đến việc xã hội, thì em chồng tôi mới lục đục dậy. Cô nàng có một thời gian biểu đặc biệt:
10h: Ăn sáng, đồ ăn thì do mẹ nấu, mẹ dọn sẵn, mẹ bưng lên tận miệng.
11h: Lên mạng than thở "Cuộc đời sao khổ quá". Câu cửa miệng của cô nàng là không có tiền, rồi kêu đời mình lận đận làm gì cũng khó khăn, hoặc than trách số phận không cho mình cơ hội được giàu có.
Chiều tối: Đi cafe với bạn, chụp ảnh sống ảo. Xong xuôi thì về nhà đợi cơm.
Mỗi lần tôi đề nghị: "Em thử đi làm xem sao?" , cô nàng lập tức bĩu môi: "Em sức khỏe yếu lắm, bác sĩ bảo không được làm việc căng thẳng" . Kỳ lạ thay, cái "sức khỏe yếu" ấy không ngăn cô nàng có mặt khắp mọi cuộc chơi lớn nhỏ của chúng bạn.

Năm ngoái, nhờ quen biết, tôi xin cho cô nàng một chân tiếp thị ở siêu thị. Ngày đầu tiên đi làm về, cô nàng khóc lóc: "Người ta bắt em đứng suốt 8 tiếng, chân em phồng rộp hết rồi!". Mẹ chồng xót con, lập tức bảo nghỉ việc. Tự nhiên tôi thành tội đồ vì giới thiệu cho em chồng việc vất vả quá
Lần thứ hai, chồng tôi xin cho làm thủ kho. Chưa đầy một tuần, cô nàng lại than: "Mấy đứa cùng phòng nói xấu em!" . Thế là lại xin nghỉ.
Đỉnh điểm là công việc trả lời khách hàng lúc tôi đi làm, lên đơn hàng để tối về tôi đóng hàng và gửi đi cho khách. Cô nàng nhiệt tình lắm, nhưng khi khách hỏi mua thì toàn nhắn lại: "Chị ơi, khách hỏi giá em không biết trả lời thế nào" . Cuối cùng, tôi phải tự gánh hết việc.
Mỗi sáng mùng 1 hàng tháng, em chồng tôi lại sang phòng chúng tôi với câu cửa miệng: "Anh hai ơi, em hết tiền rồi". Chồng tôi thở dài, lấy ra 3 triệu đưa cho cô em gái đã 35 tuổi ấy.
Tôi từng thử tính sổ:
3 triệu tiền "tiêu vặt" hàng tháng.
5 triệu tiền mua quần áo, mỹ phẩm dịp lễ Tết.
Vô số khoản "khẩn cấp" như: điện thoại hỏng, bạn thân cưới, đi khám bệnh...
Khi tôi phản đối, mẹ chồng gọi riêng tôi ra nói: "Con phải hiểu, nó là em gái út, phải chiều chuộng chút".
Bước ngoặt xảy ra khi con gái tôi học lớp 3, về nhà hỏi: "Mẹ ơi, sao cô út lớn rồi mà không đi làm? Con lớn lên có được ở nhà như dì không?". Câu hỏi ngây thơ ấy khiến tôi giật mình.
Tôi quyết định đặt vấn đề với chồng: "Anh có muốn con mình sau này học theo cô nó không?" . Sau một đêm thức trắng suy nghĩ, chồng tôi đồng ý thay đổi.
Chúng tôi áp dụng chiến thuật "cai sữa" dần. Giảm tiền chu cấp từ 3 triệu xuống 1 triệu. Yêu cầu em chồng tự nấu ăn nếu muốn ăn, không nấu được thì nhịn. Không nhận những cuộc gọi "cứu trợ khẩn cấp", nếu không muốn mất mặt thì tự kiếm tiền mà chơi, không kiếm được thì đừng chơi.
Lúc đầu, cô ta giận dỗi, khóc lóc với mẹ. Nhưng khi thấy không còn được nuông chiều như trước thì bắt đầu phải tự xoay xở.
Nói thật là cô nàng vẫn lười lắm, cái lười nó ăn vào máu rồi khó bỏ nhưng thôi thì cũng đã chịu làm ăn hơn. Vì không dậy sớm nổi nên cô nàng bắt đầu bán hàng ăn vặt buổi chiều ngay trước cửa nhà, nhà chồng tôi có cái mặt tiền cũng thoáng đãng, dễ làm ăn.
Tôi và chồng cũng hỗ trợ 1 chút, không cho tiền nhưng nếu cần mua gì thì tôi và chồng sẽ mua hộ cho. Mỗi ngày túc tắc cũng lãi được 200k có hôm được cả triệu.
Thế mới nói, trưởng thành không phải là khi ta có thêm tuổi, mà là khi ta dám đối mặt với cuộc sống bằng chính đôi chân mình.