1. HPV nguy cơ cao là gì?
HPV là chữ viết tắt của Papillomavirus gây u nhú ở người. Hầu hết các loại HPV đều gây ra mụn cóc trên da như trên cánh tay, ngực, bàn tay hoặc bàn chân. Các loại khác được tìm thấy chủ yếu trên màng nhầy của cơ thể. Màng nhầy là lớp bề mặt ẩm lót các cơ quan và bộ phận của cơ thể mở ra bên ngoài như âm đạo, hậu môn, miệng và cổ họng.
HPV có thể lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc da kề da, đặc biệt khi hoạt động tình dục. Con đường lây lan chính của HPV là qua hoạt động tình dục, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng.
HPV có thể lây lan ngay cả khi người nhiễm bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc bộ phận sinh dục mà không quan hệ tình dục, mặc dù điều này không phổ biến.
Bất cứ ai đã quan hệ tình dục đều có thể bị nhiễm virus HPV nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn ở những người có nhiều bạn tình.
Virus HPV là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ung thư cổ tử cung.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, HPV được chia thành 2 nhóm chính là HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao.
Các loại HPV nguy cơ thấp
Một số loại HPV có thể gây ra mụn cóc (u nhú) trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục và hậu môn của cả nam và nữ. Phụ nữ cũng có thể bị mụn cóc ở cổ tử cung và âm đạo. Vì những loại HPV này hiếm khi gây ung thư nên chúng được gọi là virus nguy cơ thấp.
Các loại HPV nguy cơ cao
Các loại HPV khác được gọi là nguy cơ cao vì chúng có nhiều khả năng phát triển thành ung thư theo thời gian. Các loại HPV nguy cơ cao phổ biến bao gồm HPV 16 và 18.
2. Ai dễ có nguy cơ ung thư do nhiễm virus HPV?
Theo BS. Nguyễn Anh Tuấn, BV Phụ sản Trung ương, có nhiều loại HPV khác nhau và một số loại có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nếu bị nhiễm virus HPV và bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác như Chlamydia, đã sinh nhiều con, hút thuốc lá, hệ thống miễn dịch suy yếu...
Việc nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu. Một chủng HPV nguy cơ cao có thể thay đổi cách các tế bào giao tiếp với nhau và khiến chúng phát triển một cách không kiểm soát.
Nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung , âm đạo, âm hộ, dương vật, hậu môn, hầu họng…
3. Các loại ung thư liên quan đến virus HPV
Ung thư cổ tử cung
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến nhất liên quan đến HPV. Gần như tất cả các bệnh ung thư cổ tử cung đều do HPV gây ra. Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được bằng vaccine và xét nghiệm sàng lọc thường xuyên.
Ung thư âm hộ
HPV cũng có thể gây ung thư âm hộ, phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ. Ung thư này ít phổ biến hơn nhiều so với ung thư cổ tử cung. Không có xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn nào cho loại ung thư này ngoài việc khám sức khỏe định kỳ.
Ung thư âm đạo
Hầu hết ung thư âm đạo đều chứa HPV. Nhiều bệnh tiền ung thư âm đạo cũng chứa HPV và những thay đổi này có thể tồn tại trong nhiều năm trước khi chuyển thành ung thư. Những tiền ung thư này đôi khi có thể được phát hiện bằng xét nghiệm Pap tương tự được sử dụng để kiểm tra ung thư cổ tử cung và tiền ung thư. Nếu phát hiện thấy tiền ung thư, nó có thể được điều trị ngăn chặn.
Ung thư dương vật
Ở nam giới, HPV có thể gây ung thư dương vật. Nguy cơ này phổ biến hơn ở nam giới nhiễm HIV và những người có quan hệ tình dục đồng giới.
Ung thư hậu môn
HPV có thể gây ung thư hậu môn ở cả nam và nữ. Nó phổ biến hơn ở những người nhiễm HIV và ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Ung thư miệng và họng
HPV được tìm thấy trong một số bệnh ung thư miệng và cổ họng bao gồm cả đáy lưỡi và amidan, đều liên quan đến HPV. Đây là những bệnh ung thư liên quan đến HPV phổ biến nhất ở nam giới.
Tiêm vaccine phòng HPV để giảm nguy cơ ung thư do nhiễm HPV.
4. Có thể ngăn ngừa nhiễm virus HPV không?
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa nhiễm tất cả các loại HPV khác nhau. Nhưng có biện pháp để giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra còn có vaccine bảo vệ người trẻ khỏi các loại virus HPV có liên quan đến ung thư và mụn cóc sinh dục.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách tốt nhất là quan hệ tình dục an toàn, luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không quan hệ tình dục khi đang có mụn cóc.
Cần khám sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm tổn thương do nhiễm virus HPV hoặc phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung. Tiêm vaccine phòng HPV cho nữ giới từ 9 - 26 tuổi để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và các dạng ung thư khác. Các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể tiêm loại vaccine này.