Ngồi một mình trên băng ghế chờ hành lang Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản & Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), ánh mắt chị Thu luôn dõi theo cô con gái nhỏ đang chờ đến lượt khám siêu âm. Khuôn mặt chị được che phần lớn dưới lớp khẩu trang nhưng đôi mắt vẫn lộ rõ sự bất lực của bản thân, vì chị biết điều gì đang chờ đợi con ở phía trước. Nhìn khuôn mặt non nớt ấy chị vẫn không tin được con có thai 19 tuần.
Trước đó, chị đã đưa con đi khám tại 2 bệnh viện ở Bắc Ninh nhưng cả hai nơi đều từ chối làm thủ thuật bỏ thai vì cháu còn nhỏ, thai lại to. Cứ chần chừ, dùng dằng mãi từ trước Tết âm lịch, lần này chị quyết tâm đưa con lên Hà Nội vì sợ để càng lâu thai càng to, làm gì cũng nguy hiểm.
Chị Thu cho biết, con gái chị học hết lớp 9 thì nghỉ học, sau đó đi làm may ở xa nhà. Có một khoảng thời gian trẻ bỏ nhà đi mấy tháng với bạn trai, gần đây mới quay về nhà. Trước Tết, thấy cháu đau bụng quằn quại, chị mới đưa con đi viện. Tuy nhiên, khi đó chị chỉ nghĩ chắc là đau bụng bình thường, chứ không nghĩ con có thai.
Nếu thời gian có thể quay trở lại, chị Thu ước mình đã có thể quan tâm đến con gái nhiều hơn.
"Cháu không có hiện tượng nghén ngẩm hay thèm ăn gì như người có thai, không đau ngực, bụng cũng rất nhỏ. Thực sự tôi thấy rất ân hận vì mải làm mà không để ý nhiều đến con. Cứ thấy con về nhà là mừng, tôi có ngờ đâu", chị Thu buồn bã nói.
Chị vẫn nhớ in cảm xúc bàng hoàng khi bác sĩ thông báo con có thai. Lúc đó chị như chết lặng vì không biết phải làm gì. Con gái thì khóc bảo "Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Con biết sai rồi. Giờ con muốn làm lại từ đầu thì con làm thế nào bây giờ?".
"Tôi cũng khóc mà bảo "con chậm kinh 1 tháng, 2 tháng thì con phải nói với mẹ, chứ đằng này con để đến hơn 4 tháng. Giờ muộn quá"", bà mẹ 2 con khóc kể lại.
Con chị Thu được chỉ định nhập viện để làm thủ tục bỏ thai. Dù đã đưa con lên bệnh viện tuyến đầu để xử lý nhưng chị vẫn canh cánh trong lòng, quãng đường tương lai của con sau này sẽ như thế nào.
BSCKII Đào Văn Thụ, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản & Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) cho biết: "Trẻ mới 16 tuổi nên chúng tôi phải hội chẩn ban Giám đốc để quyết định nhận cháu vào nhằm đưa ra những phương pháp tối ưu an toàn nhất cho trẻ. Trẻ đang tuổi vị thành niên nên mọi công đoạn phải làm đúng quy trình, kỹ thuật chuẩn để đảm sức khỏe và khả năng sinh sản, tránh ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho trẻ".
Thông thường, nếu thai nhỏ hơn 12 tuần thì trẻ sẽ được chỉ định gây mê hút thai chân không đảm bảo giảm đau 100%. Từ 6-9 tuần có thể dùng thuốc phá thai tùy theo lựa chọn của khách hàng nếu đủ điều kiện. Thai to trên 12 tuần sẽ chỉ định cho bệnh nhân nhập viện. Với thai to trên 23 tuần thì sẽ không còn chỉ định bỏ thai.
Cũng theo bác sĩ Thụ, những trường hợp phá thai ở tuổi vị thành niên như trên không hiếm gặp. Trường hợp nhỏ tuổi nhất mà ông gặp là khi trẻ mới được 12 tuổi 1 ngày, bắt đầu bước sang tuổi 13. Thậm chí có những trẻ tuổi thai còn lớn hơn tuổi đời, 13 tuổi nhưng thai 26 tuần tuổi.
Hàng năm ước tính trên thế giới có khoảng 55 triệu ca phá thai, trong đó một nửa tương đương khoảng 25 triệu ca phá thai không an toàn. Việt Nam đứng top 5 về tỷ lệ nạo phá thai. Hàng năm tại nước ta có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong số này 30% là phụ nữ từ 15-19 tuổi với 70% là học sinh sinh viên.
Theo báo cáo của Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới. Cũng theo tổ chức này, chỉ có 20% phụ nữ chưa kết hôn sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục, thậm chí tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở nhóm tuổi nữ 15-19 tuổi rất thấp chỉ đạt 4%, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn của nhóm này lên tới 8,6%.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, theo BS Thụ hàng năm có 7.000-8.000 ca phá thai. Nếu chỉ tính riêng ở lứa tuổi vị thành niên dưới 16 tuổi, thì một năm có khoảng 30-35 ca, chiếm 0,35%. Nghiêm trọng hơn tình trạng phá thai ngày càng trẻ hóa ở lứa tuổi vị thành niên.
Con gái chị Thu đã có thai được 19 tuần, thai khá to.
Thống kê cho thấy giới trẻ hiện nay có xu hướng quan hệ tình dục sớm, theo nghiên cứu cũng như thực tế các trường hợp vào viện bỏ thai có những trẻ chỉ 12-13 tuổi.
"Hậu quả của quan hệ tình dục sớm là có thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe của trẻ, hệ lụy cho xã hội. Đặc biệt, đối tác quan hệ với trẻ dưới 16 tuổi - bạn trai của trẻ sẽ rơi vào vòng lao lý. Không những thế, quan hệ tình dục sớm khi chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, viêm gan, sùi mào gà, HIV…", BS Thụ cho biết.
ThS.BS Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) cũng cho biết hiện nay, quan hệ tình dục tuổi vị thành niên và tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi này đang là một vấn đề xã hội của mọi quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.
BS Du cho rằng việc gia tăng tỷ lệ có thai tuổi vị thành niên là do những lý do khách quan và chủ quan của cuộc sống hiện đại. Hiện nay, tỷ lệ quan hệ tình dục sớm ngày càng nhiều. Các cô gái trẻ nhận được các thông tin về quan hệ tình dục chủ yếu từ mạng xã hội và phim ảnh, từ gia đình và nhà trường là rất ít và kém hiệu quả. Điều này làm cho trẻ vị thành niên quan hệ tình dục mà chưa được giáo dục về quan hệ tình dục an toàn và các biện pháp tránh thai.
Các thông điệp tránh thai đang tập trung nói đến các cặp vợ chồng mà chưa tập trung cho đối tượng chưa lập gia đình, dẫn đến sự miễn cưỡng hoặc khó khăn khi tiếp cận thông tin về tình dục an toàn và các phương pháp tránh thai.
"Có vô vàn lý do dẫn đến việc xin phá thai ở vị thành niên phải kể đến như: gia đình ép buộc, bạn tình ép buộc, còn đi học, chưa có điều kiện nuôi con, không biết về biện pháp tránh thai, không biết tuổi có thai phù hợp. Nguy cơ cao hơn ở nhóm trẻ vị thành niên đói nghèo phải lao động sớm và có thể bị lạm dụng tình dục, cao hơn ở nhóm vị thành niên ở nông thôn hơn là thành thị", BS Du cho biết.
Theo bác sĩ môi trường sống của trẻ ảnh hưởng đến việc phá thai vị thành niên cao như đói nghèo, bỏ học, gia đình có bố mẹ ly hôn không hạnh phúc, thường xuyên thay đổi chỗ ở, trình độ học vấn thấp hoặc không có việc làm.
Việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến rất nhiều hậu quả về sức khỏe, tâm lý và xã hội. Việc thiếu kiến thức về việc có thai dẫn đến có khi thai to rồi mới phá làm cho các tai biến càng trầm trọng hơn đặc biệt là vô sinh sau này. Theo thống kê có tới 70% phá thai vị thành niên là thai trên 12 tuần.
Trẻ phải chịu hệ quả về sức khỏe về thể chất và tinh thần trầm trọng như: chảy máu, băng huyết, thủng tử cung, sót thai, sót rau, nhiễm trùng tử cung… Lâu dài có thể bị viêm tắc vòi trứng, dính buồng tử cung vô sinh. Chủ yếu là do thực hiện ở các cơ sở y tế không đủ điều kiện kỹ thuật không an toàn, vô khuẩn kém, trẻ không hoặc ít sử dụng kháng sinh và nội tiết chống dính buồng tử cung sau hút thai.
Không những thế, trẻ còn chịu sang chấn tâm lý nặng như suy nhược, thậm chí trầm cảm. Thường là những trẻ không có sự hỗ trợ từ gia đình hoặc giấu phá thai, BS Du cho biết.
Ngoài ra, có thai sớm sẽ làm giảm cơ hội học tập và làm việc của phụ nữ trẻ. Điều này có khuynh hướng làm cho họ và con cái của họ có cuộc sống sau này bấp bênh hơn.
Đặc biệt, một tai biến xa có thể xảy ra là vô sinh thứ phát do tổn thương buồng tử cung dẫn đến dính buồng tử cung, tắc vòi trứng, ứ dịch vòi trứng. Việc này để lại là sau này kết hôn, trẻ không có khả năng mang thai tự nhiên, tỷ lệ vô sinh cao gấp 3-4 lần đối với những người không có tiền sử nạo phá thai.
"Theo nhiều nghiên cứu tỷ lệ vô sinh do dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% số các trường hợp vô sinh, trong đó 95% là sau nạo hút thai. Vô sinh do tắc vòi trứng hoặc ứ dịch vòi trứng chiếm tới 40% số vô sinh nữ, trong số này có tới 50% là có tiền sử nạo hút thai. Tỷ lệ sảy thai khi mong muốn có con cũng cao hơn nhóm không có tiền sử nạo hút, do tổn thương cổ tử cung nhất là khi tử cung còn chưa phát triển hoàn thiện để mang thai khi vị thành niên", BS Du cho biết.
Để hạn chế tình trạng trên, BSCKII Đào Văn Thụ cho rằng cần có những buổi nói chuyện về giáo dục giới tính tại nhà trường, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ quan, công ty, tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trẻ cũng cần biết các biểu hiện có thai sớm, khi đã không may nhỡ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý đúng cách, đúng quy trình. Điều này sẽ hạn chế được những tai biến và biến chứng do phá thai gây ra.
Bố mẹ cũng cần được tuyên truyền để biết về vấn đề của nạo phá thai, tình dục không an toàn. Hiện nay trẻ dậy thì khá sớm, có cháu lớp 6-7 đã dậy thì, như thế bố mẹ cần giáo dục trẻ trước độ tuổi này.
Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng nhiều khi chính người lớn không chịu hiểu trẻ con khi đã dậy thì là đã có nhu cầu tình dục như người lớn, chứ không phải chờ đến khi lớn hiểu biết mới có. Đó là nhu cầu sinh học bình thường. Cái hay nhất của loài người là có thể sử dụng lý trí để giải quyết vấn đề.
"Chúng ta cần giáo dục con biết sau dậy thì sẽ như thế nào, có cảm giác gì và điều khiển cảm giác đó như thế nào, nếu không thì hậu quả sẽ ra sao…", TS Hương nói.
Hiện nay thực tế, người lớn đang làm nghèo nàn cuộc sống của trẻ. Trẻ không tham gia làm các công việc nhà, không tham gia các hoạt động trong khu phố, không đến thư viện mà chỉ tập trung học. Thậm chí, trẻ chỉ có bạn trên lớp, bạn trên mạng, không có bạn ở khu phố, bạn ngoài đời. Khi cuộc sống nghèo nàn, trẻ nhận thấy cuộc sống nhàm chán thì đi khám phá các thứ linh tinh và khi không có gì khám phá thì chúng tự khám phá nhau.
Theo TS Hương khi chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường còn chưa đầy đủ thì bố mẹ cần chủ động tham khảo những tài liệu để hướng dẫn con tìm hiểu đúng về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Việc giáo dục giới tính cần làm sớm ngay từ khi trẻ con nhỏ và thực hiện với cả bé gái lẫn bé trai để trẻ có kiến thức giữ gìn, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
"Từ chỗ hiểu đúng trẻ sẽ ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn khi quan hệ tình dục sớm, nhận thức được hậu quả của quan hệ tình dục không an toàn cả ở góc độ sức khỏe lẫn pháp luật. Khi trẻ được trang bị đầy đủ, dẫn dắt đi đúng đường sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc", chuyên gia nhấn mạnh.
Chung quan điểm, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho rằng phải dạy trẻ các kiến thức về giới tính, quan hệ tình dục sớm thì hậu quả như thế…, làm thế nào để an toàn nếu xảy ra quan hệ, chứ không phải cấm vì cấm cũng không được. Hiện nay sự lựa chọn tốt nhất là bao cao su, vừa giúp tránh thai vừa giúp phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Và trên hết, nếu đã lỡ sau đó có vấn đề gì về sức khỏe như mang thai ngoài ý muốn hay mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì trẻ cần đến các sở uy tín để đảm bảo an toàn.
Theo Dân Trí