Riêng người trong cuộc là chị Hồng Lan lại bình thản đến không ngờ. Chị kể, khi đơn phương nộp đơn xin ly hôn ra toà cũng là thời điểm chị Lan quyết định bán căn nhà mà gia đình chị đang ở. 

Chị dùng nửa số tiền bán nhà mua một căn chung cư nhỏ, hơi xa chỗ làm nhưng giá tiền phù hợp. Non nửa số tiền còn lại, chị đưa cho chồng cũ trả nợ, coi như việc làm tình nghĩa cuối cùng chị làm cho bố bọn trẻ.

Anh Hùng, chồng chị Lan, bề ngoài là một người yêu thương gia đình, đối nhân xử thế nội - ngoại chu toàn, ở cơ quan anh cũng là phó phòng. Người như thế, thì…có gì mà phải chê! Song, có "ở trong chăn mới biết chăn có rận". Người ngoài thì thấy toàn những điều tốt đẹp ở anh Hùng, còn với chị Lan, "anh ấy đã hết thuốc chữa và không thể tha thứ được nữa". 

Trải lòng về cuộc hôn nhân giữa đường đứt gánh, giọng chị Lan chùng buồn: "Nếu cứ tiếp tục tha thứ, bỏ qua lỗi lầm cho anh ấy, có nghĩa là chính mình sẽ góp phần đẩy anh ấy…đến chỗ chết. Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng sức chịu đựng, lòng kiên nhẫn và sự tử tế của con người đều có giới hạn. 

Lần đầu chồng thú nhận "nghe bạn xui dại", cá độ bóng đá mất 200 triệu đồng, tôi bàng hoàng, lo chồng mất danh dự, lẳng lặng dồn tiền cho chồng trả nợ. Lần thứ hai, anh ấy thông báo khoản nợ 700 triệu đồng, tôi rụng rời chân tay nhưng nhìn thấy chồng như cái xác không hồn, tôi lại vét toàn bộ số tiền tích cóp bao năm đưa cho chồng. 

Khi bị dân xã hội đen đến tận nhà đòi nợ, tôi mới tá hoả. Số tiền nợ của chồng tôi lãi mẹ đẻ lãi con đã lên đến hàng tỉ đồng chứ không phải mấy trăm triệu như anh ấy nói. Không trả ắt không xong, tôi nhắm mắt đưa sổ đỏ miếng đất bố mẹ chồng cho các cháu để chồng vay ngân hàng thanh toán nợ nần".

ly-hon-3-7111-1616517473-min-17210272978311411834279-1721221925456-1721221926521331827685.jpg

Ảnh minh họa

Ngừng một lát, chị Lan mới tiếp tục câu chuyện của mình: "Lạ thay, trong cùng quẫn, tôi vẫn không một lần nghĩ đến chuyện ly hôn. Mỗi bận thấy chồng tỏ ra ăn năn, cho rằng mình bị "ma làm, bỏ bùa, bị lôi kéo nên sập bẫy", tôi lại mềm lòng. 

Nhưng quá tam ba bận, lần thứ 4, tôi bị dân xã hội đen gọi điện thoại trực tiếp và nhắn tin cảnh báo "sẽ cho tan cửa nát nhà" nếu chồng tôi không trả đủ nợ cả gốc lẫn lãi. Lần này tôi đã nhận ra mình sai lầm. Sai lầm lớn nhất của tôi là đã tin chồng mù quáng, tha thứ cho anh ấy hết lần này đến lần khác để anh ấy được đà lấn tới, không biết quay đầu vào bờ. 

Lẽ ra, ngay từ lần đầu tiên, tôi đã phải nói cho bố mẹ, anh chị em hai bên gia đình biết. Nhưng nghe chồng, rằng "xấu chàng hổ ai", rằng nếu chuyện cá độ bóng đá bị lộ thì anh ấy chỉ còn nước bị kỉ luật, thậm chí phải thôi việc… 

Tôi đã sai lầm thì phải sửa sai. Đằng nào thì cũng tan đàn xẻ nghé, tôi đã hết niềm tin vào chồng, lo sợ đến mất ăn mất ngủ trước khi khai mạc vòng Chung kết Euro 2024".

Cuối tháng 5 vừa qua, chị Lan đã giải quyết xong chuyện ly hôn thì cuối tháng 6 bắt đầu các trận đấu vòng Chung kết Euro 2024. Biết chồng chưa thể "thay máu", sẽ vẫn chứng nào tật ấy nên trước mắt, chị Lan chủ động thay số điện thoại, cắt đứt mọi liên lạc với chồng cũ, tập trung lo cho các con. 

"Ly hôn là lựa chọn tốt hơn việc cố duy trì một cuộc hôn nhân tệ hại. Tôi đã từng tận lực, tận tâm vì chồng, vì gia đình nhưng nếu tiếp tục hy sinh vô nghĩa, thì mình có tội với chính mình, có lỗi với các con", chị Lan nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022