Yêu con quá khiến con ngột ngạt

Ông bà Minh có 3 người con. Từ khi sinh con tới khi con lớn, ông bà Minh luôn theo sát các con từng bước. Khi con nhỏ thì ông bà dù nghèo cũng cố gắng mua những thực phẩm ngon cho con, cố gắng cho con học trường tốt. Con học chưa xong thì ông bà đã dùng mối quan hệ để tính trước cho con chỗ làm việc tốt. Khi các con xây nhà, ông bà tự mình đứng ra trông nom chỉ đạo đội thợ vì sợ các con không có kinh nghiệm sẽ bị người ta lừa. Rước 2 cô con dâu về, được ông bà đi xin việc làm cho. Nhìn các con lúng túng trong tổ chức gia đình trẻ, ông bà Minh sốt ruột "xông vào" bảo con phải làm thế này thế kia ngay. Lọ gia vị, hạt tiêu mắm muối trong nhà ông bà cũng mua đầy đủ khi các con tách ra ở riêng.

Khi bà Minh ốm nằm viện, ông Minh dù đã già, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng ông nhất định đêm hôm chăm bà, để các con vẫn tập trung công việc và chăm cháu. Ngày con dâu ốm, con trai ở xa, ông bà chở con dâu đi bệnh viện và chăm sóc nhưng lại nói với con trai là không phải về cứ tập trung cho công việc, ông bà chăm sóc con dâu chu đáo.

cha-me-yeu-con-2-0407.jpg

Cha mẹ nhân danh yêu con nhưng không khéo lại rơi vào việc kiểm soát con

Anh trai ông bà Minh là ông Khương thì lại sống khác. Ông Khương sức khỏe yếu nên ngay từ khi có con, ông không làm cho con được nhiều. Vợ ông Khương lại không may qua đời sớm. Ông Khương không tái hôn mà một mình chèo chống cùng các con. Ông không nhiều sức khỏe chỉ chia sẻ với con như bạn bè, chỉ cho các con mọi việc nên thế nào rồi để con tự quyết. Ngay từ nhỏ con ông Khương đã phải tự làm, tự nấu ăn, tự đi chợ, tự phân chia số tiền có để chi tiêu. Khi các con đi học, ông Khương chỉ dặn "Bố không đi cùng con được, có chuyện gì dù đúng hay sai nói với bố, bố không làm thay được nhưng bố sẽ chia sẻ kinh nghiệm góp ý cho con". Khi con gặp chuyện gì hỏi ý kiến, ông Khương chỉ phân tích bằng các câu chuyện, không bảo con phải thế này thế kia mà để con tự chọn cách giải quyết.

Thế nhưng khi ông Minh và ông Khương đều đã qua tuổi 70 thì ông Minh hay than thở: Chả hiểu sao mình làm mọi thứ giúp con yêu con, lo cho con như thế mà đứa nào cũng muốn ở xa. Ông Khương chả làm được gì cho con mà các con lúc nào cũng lo lắng cho bố. Các con ông Khương ở xa hay gần thì thường xuyên về chăm chút cho bố, chuẩn bị những bữa ăn để sẵn vào tủ lạnh cho bố, dặn bố từng chút một việc ăn uống. Ông Khương không có thu nhập nhưng con cái luôn luôn biếu tiền để ông không lo tuổi già, trong khi các cong ông bà Minh thì thấy bố mẹ ốm chỉ về nhìn mà không biết làm gì. Bẽ bàng hơn, một ngày ông bà Minh nhận ra các con, đặc biệt con dâu đều muốn ở cách xa bố mẹ, các con cũng không thoải mái chia sẻ nói chuyện với bố mẹ mỗi lần về sum họp.

Tại sao cha mẹ yêu con quá nhiều, con lại muốn rời xa?

Những người cha mẹ yêu con nhiều, làm thay con mọi việc, lo cho con mọi thứ, luôn sợ con thiếu thốn con chưa đủ kỹ năng nên hay tự quyết thay con, hay làm thay con. Điều đó tưởng là tốt nhưng thực chất lại là tự làm khổ chính mình và thui chột kỹ năng của con cái. Cách yêu con này chính là ôm đồm, cha mẹ thì gánh nặng mà con cái thì không biết làm gì. Như câu chuyện trên, ông bà Minh yêu con nhưng lại làm thay cho con quá nhiều khiến con cái không có cơ hội tự rèn luyện bản thân. Cha mẹ khi yêu con nhiều cũng hay rơi vào trạng thái thích kiểm soát mọi việc của con vì không yên tâm, làm thay con cứ nghĩ là tốt cho con nhưng đôi khi không phù hợp, khiến con âm thầm chấp nhận chứ thực sự không được thoải mái.

cha-me-lam-thay-con-2-0408.jpg

Cha mẹ cần hướng dẫn chia sẻ với con chứ không cần làm thay con

Còn ông bà Khương bị phê bình là không làm gì cho con, thực ra lại là không làm vượt chức phận, ông bà không làm thừa. Việc của con nên để con làm con quyết, cha mẹ chỉ chia sẻ, phân tích chỉ dẫn để cho con nhìn ra con đường và lựa chọn. Điều đó giúp con hình thành tư duy tự lập và thói quen không đổ trách nhiệm không dựa dẫm nên sẽ tự biết trách nhiệm và yêu thương lại cha mẹ. Đặc biệt trong cách của ông Khương, ông không cần làm thay cho con nhưng ông tạo được sự thoải mái, tự do cho con, để con tự quyết định đời mình, xem cha mẹ là nơi có thể chia sẻ, trò chuyện vui vẻ. Và cha mẹ cần làm điều đó chứ không cần.

Cha mẹ yêu con nhiều quá thường rơi vào trạng thái chỉ đạo con cái nên gia đình hình thành nếp nói chuyện một chiều, tức là cha mẹ chỉ bảo con phải nghe mà ít khi có chiều ngược lại là con cái góp ý hoặc tâm sự chia sẻ với cha mẹ. Trong khi những cha mẹ không làm thay con mà chia sẻ với con thì con cái sẽ có thói quen chia sẻ lại với cha mẹ những câu chuyện của mình, và sẽ không có câu chuyện một chiều nên cha mẹ và con cái khi càng lớn càng có thể "tâm sự" với nhau.

Tình yêu một chiều theo cách chỉ cha mẹ làm cho con sẽ dần hình thành những đứa con chỉ biết nhận không biết cho lại. Thế nên ông bà Minh mới cảm thấy buồn mình đã lo cho con quá nhiều mà con không đáp lại trong khi ông Khương "chả làm gì" cho con thì con lại rất quan tâm. Hơn nữa khi cha mẹ yêu con quá hay sở hữu kiểm soát nên các con muốn rời xa muốn tách ra để được tự do, thoát khỏi "vòng kim cô tình yêu". 

Thế nên cha mẹ cần học cách yêu con nhưng hãy để con được "độc lập" với mình, đừng làm thay con nhiều thứ. Cha mẹ càng làm nhiều thứ cho con thì càng dẫn tới bi kịch: Cha mẹ thì khổ mà con thì không thoải mái. Hãy nhớ cha mẹ không được bạc đãi với con, cha mẹ cần có trách nhiệm và yêu thương nhưng đừng yêu sai cách. Đừng kể lể những công trạng mình làm cho con để thể hiện mình là cha mẹ tốt mà hãy nhìn xem con cái có muốn gần cha mẹ không, con cái có biết yêu thương lại cha mẹ không, con cái có tự hào vì cha mẹ không. Cha mẹ tốt là chỉ cho con cách làm người chứ không phải là làm thay con.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022