‏Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh thói quen hàng ngày, từ ăn uống, vận động đến nghỉ ngơi và quản lý căng thẳng ảnh hưởng đến tuổi thọ. Trong đó, những thói quen tiêu cực được cho là có khả năng rút ngắn tuổi thọ, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý về tim mạch, xương khớp. Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra 4 điểm chung của những người có tuổi thọ ngắn, tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra để thay đổi kịp thời.‏

‏Ngồi quá nhiều

‏"Thời gian ngồi" mỗi ngày bao gồm bất kỳ hoạt động nào được thực hiện ở tư thế ngồi hoặc ngả lưng, chẳng hạn như làm việc, xem TV, chơi game, di chuyển trên phương tiện giao thông, thậm chí cả việc ăn uống. Việc ngồi quá nhiều đang âm thầm rút ngắn tuổi thọ, chưa kể đến việc ngồi sai tư thế ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưng và cột sống.‏

‏Nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu cho thấy khi thời gian ngồi tăng lên thì nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, đặc biệt là bệnh tim và tiểu đường tuýp 2 cũng tăng lên đáng kể, nhất là khi thời gian ngồi 1 ngày quá 8 tiếng. ‏

photo-3-1700818655188313532024.png

‏Kết quả từ một thử nghiệm năm 2023 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Bệnh Tiểu đường cũng cho thấy rằng thời gian ngồi càng lâu thì khả năng kháng insulin càng cao, dẫn đến nguy cơ mắc tiểu đường. Báo cáo trên Tạp chí Lão hoá còn chỉ ra việc ngồi từ 8 tiếng trở lên làm giảm 2-4 năm tuổi thọ, thậm chí lên đến 8 năm nếu không vận động. ‏

‏Việc ngồi lâu khó tránh khỏi do đặc thù công việc nếu bạn đang làm việc văn phòng, vậy nên hãy dành thời gian vận động ngắn trong giờ nghỉ để máu lưu thông, cơ bắp hoạt động tốt hơn. Kết hợp với hoạt động thể chất ít nhất 150 phút/ tuần để giảm các tác động tiêu cực do ngồi nhiều.‏

‏Luôn căng thẳng

‏Căng thẳng do công việc, cuộc sống là điều khó tránh khỏi nên nhiều người thường bỏ qua các biện pháp kiểm soát stress, không nghỉ ngơi điều độ dẫn đến tâm trí và cơ thể luôn trong tình trạng "quá tải". Thường xuyên căng thẳng khiến cơ thể sản xuất các hormone chống stress như adrenaline và cortisol làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp. ‏

photo-2-17008186536951767485412.png

‏Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, bạn có thể rơi vào tình trạng căng thẳng mãn tính. Khi đó mức độ hormone chống stress sẽ không trở lại mức bình thường, gây trầm cảm, khó ngủ, huyết áp cao, dễ cáu gắt, tâm trạng thất thường vì luôn căng thẳng lo lắng. ‏

‏Stress còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lão hoá tế bào, là "thủ phạm" gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Xác định nguyên nhân gây căng thẳng, dành thời gian vận động, học một bộ môn mới và kết nối xã hội nhiều hơn có thể là chìa khóa giúp bạn hạn chế được các tác động tiêu cực của stress.‏

‏Sử dụng nhiều đồ nhựa dùng 1 lần

‏Các sản phẩm nhựa dùng 1 lần không chỉ có hại cho môi trường mà còn có khả năng gây ra các bệnh nguy hiểm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số hóa chất trong nhựa có thể xâm nhập vào thực phẩm và đồ uống, dẫn đến nguy cơ mắc chứng rối loạn chuyển hóa và rối loạn chức năng sinh sản.‏

photo-1-17008186518001888170157.png

‏Một báo cáo từ Scientific American phát hiện ra rằng hoá chất nhân tạo bisphenol A (BPA) trong nhựa có thể thúc đẩy bệnh ung thư vú. Lượng BPA "rò rỉ" khi đồ nhựa tiếp xúc với nhiệt độ cao như quay trong lò vi sóng và máy rửa bát. ‏

‏Tiến sĩ Gabrielle Francis (Mỹ) cho biết: "Uống bằng chai nhựa làm cũng tăng khả năng tiếp xúc với hợp chất xenoestrogen, có thể dẫn đến ung thư vú, u xơ và u nang". Theo Livestrong, các hóa chất có trong chai nước bằng nhựa cũng có thể dẫn đến tỷ lệ mắc các bệnh khác cao hơn như bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2. ‏

‏Sống ở nơi quá ồn ào

‏Tiếng ồn là một phần của những đô thị tấp nập nhưng nếu sống tại nơi quá ồn ào, nhà không có hệ thống cách âm đủ tốt cũng có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn. Một nghiên cứu từ Trường y học nhiệt đới & vệ sinh dịch tễ London (Anh) phát hiện ra rằng việc người tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn gây nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào cao hơn so với người sống ở khu vực yên tĩnh. ‏

‏Nguyên nhân là do tiếng ồn giao thông có thể làm tăng huyết áp và làm tăng hormone căng thẳng cortisol, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Những chuyến đi rời thành phố đến nơi yên tĩnh hơn và các biện pháp cách âm tối ưu cho nơi ở là việc bạn cần làm để giảm tác hại do tiếng ồn.‏

Theo Healthline, TheList

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022