Vợ chồng Lan cưới nhau khó khăn lắm mới mua được cái chung cư trên thành phố. Dù đã có 2 bên nội ngoại giúp đỡ nhưng 2 người vẫn phải vay nợ ngân hàng một khoản không nhỏ. Lương văn phòng chẳng đáng bao, đứa con đầu lại hay ốm yếu nên tiếng là người thành phố nhưng kinh tế họ cũng chẳng khá khẩm gì. Ấy mà cứ mỗi lần về quê chồng, nghe đến cái mác “người thành phố” tức là vợ chồng Lan oách lắm.

Tính Lan thật thà nên chẳng giấu giếm chuyện gia đình mình khó khăn. Cả nhà ai cũng tỏ ra thông cảm, ngoại trừ mỗi bà thím bên chồng. Chẳng là trước đây bà cũng có vợ chồng đứa con trai út ăn nên làm ra trên thành phố. Nhưng sớm sập tiệm vì đứa con trai sa đà vào cờ bạc. 2 người họ phải bán nhà, bán ô tô về quê ở, bản thân con trai bà thím phải nhiều lần đi trốn chủ nợ. Lúc nào bà cũng coi đó là hoạn nạn của gia đình. Mất đi chỗ tự hào, thành thử bà đâm sang ganh tị với người khác.

Lan hiểu chuyện đó. Chẳng thế mà vài lần họp mặt đại gia đình, nghe ai đó nói chuyện vợ chồng Lan hay lam hay làm, bà thím chồng cứ ngồi 1 góc cười xòa: “Ôi dào, đời lên voi xuống chó lúc nào chả biết, nói trước lại bước chẳng qua”.

photo1546578163321-1546578164191-crop-15465782708271988848857-15797005392061710631030.jpg

Ảnh minh họa.

Không ai nói lại được bà thím, vì suy cho cùng bà nói hơi tiêu cực nhưng cái gì cũng có lý lẽ. Đôi lần ông nội chồng Lan cũng ra mặt bênh vực cháu: “Chị không nói được 1 câu động viên các cháu thì thôi”. Thím độp ngay: “Con nói có sai đâu bố, làm người giờ phải tỉnh táo chứ cứ u mê, mụ mị còn sợ hơn”. Thấy thế nên chẳng ai phản ứng gì. Lan cũng chỉ biết gật gù, vâng dạ cho xong.

Gần đây bên nhà chồng họp nhau mỗi đinh đóng góp chút tiền để xây lại nhà thờ họ. Ban đầu mọi người đề xuất sẽ để tùy tâm, ai có nhiều thì đóng góp nhiều, ít thì chung ít. Lan mới đóng tiền bảo hiểm nhân thọ cho cả nhà, tiền ngân hàng nên chẳng còn bao. Cô mới gửi trước bố mẹ chồng 2 triệu đóng vào quỹ họ.

Hôm sau mọi người họp lại, cho là số tiền đã nhận đóng góp không đủ nên mới đưa ra yêu cầu cuối cùng là mỗi đinh tối thiểu 3 triệu. Vợ chồng Lan ở thành phố không biết sớm nên lỡ hụt mất tiền đóng góp lần này. Mãi sau bố mẹ điện thoại báo ra, 2 vợ chồng mới biết. Gần Tết, chồng Lan bất ngờ “trúng” 1 chuyến hợp đồng lớn. Anh chắc mẩm là được lộc của các cụ nên mới bàn với Lan: “Tết về mua ủng hộ nhà thờ đôi hạc”. Tính ra 1 cặp cũng ngót 10 triệu, nhưng Lan không toan tính mà đồng ý ngay.

Năm nay 2 vợ chồng sang nhà nội trước rồi ăn Tết bên nhà ngoại, tiện đường sẽ về luôn thành phố. Thế nên 29 Tết, Lan đã tranh thủ ghé qua các nhà thăm hỏi, chúc tụng, mừng tuổi mọi người. 2 vợ chồng tính sáng 30 được ngày mới đón cặp hạc về nhà thờ. Tính cả 2 không ưa khuếch trương nên không nói rộng với mọi người.

Đến nhà ông nội chồng, bà thím khó tính và đứa cháu ngoại bên ấy cũng đang ở đó. Lan rút phong bao lì xì mừng tuổi thằng bé. Bà thím mở ra ngay, thấy có đồng 50k, mặt liền ngắn lại. Bà không nói thẳng ra tên Lan nhưng bóng gió: “Thời nay giàu cũng như nghèo. Nghèo không có để cho thì phải chịu, đằng này nhiều nhà có của ăn của để nhưng keo kiệt không dám hở tiền ra. Cho họ hàng thì bảo xa, con cháu gần mà cũng tiếc thì chả biết sao”.

photo-1579700512382-15797005123851959200844.png

Ảnh minh họa.

Lan nghĩ thấy bực mình nhưng không đáp lại ngay. Cô định bỏ qua nhưng bất ngờ bà thím lại dúi tay đứa nhỏ nhà ông chú cũng đang ngồi ngay đấy: “Này, nãy chú Tú mừng tuổi mấy tờ? Nó cho thằng Tũn (đứa cháu ngoại bà thím) tận 200k đấy. Gớm, đi làm công nhân trong miền Nam mà thảo gớm!”.

Bà nội chồng Lan cầm ra phong bao lì xì, bảo mừng tuổi sớm cho con cháu. Lan mạnh dạn từ chối: “Dạ, bà cầm lại mà lo thuốc thang cho 2 ông bà. Bé nhà cháu còn nhỏ, chưa biết tiêu tiền”.

2 bà cháu cứ dúi qua dúi lại, bà thím trông thấy mới cười trừ: “Hay nhà nó chê ít?”.

Lan ấm ức đáp: “Dạ không phải thím, cháu nào dám chê tiền bà nội. Bà có thương mới cho. Tiền ít hay nhiều không phải là thước đo tình cảm. Là người nhà sống với nhau lâu dài, giúp đỡ nhau còn nhiều chứ vài ba đồng bạc ăn thua gì.

Chúng cháu ít về nên ít có cơ hội chăm sóc, thuốc thang cho ông bà. Hơn nữa bọn nhỏ còn chưa biết tiêu tiền nên cũng chưa cần thiết dạy nó tính toán tiền bạc theo ý của người lớn, như thế mất hay. Ông bà cầm lại lo cho bản thân. Giờ cháu tranh thủ đi xem cặp hạc cung tiến nhà thờ họ kẻo muộn. Tri ân các cụ của chẳng đáng bao nhưng cũng muốn làm chu đáo để tỏ rõ lòng thành”.

Lúc này ông bà nội bên chồng mới ngồi hỏi chuyện mua bán, lễ cúng cặp hạc, bà thím cũng mới biết. Nghe cháu dâu thuật lại ý định của 2 vợ chồng, bà thím rõ ràng ngượng ngùng. Mặc kệ mấy người ngồi nói chuyện, bà bế cháu rút về nhà sớm. Kể từ đó mỗi lần thấy Lan, bà không dám nói móc nửa lời.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022