Chồng tôi mới lên chức giám đốc kinh doanh từ 1 tháng nay. Ngày anh nhận quyết định, gia đình, họ hàng nội ngoại ai cũng mừng, khen tôi tốt số, lấy được chồng tài giỏi, lại hết lòng thương vợ, thương con. Quả thật nhìn vào cuộc sống của tôi, ai cũng nghĩ là hoàn hảo. Mẹ chồng nhiều lúc còn nói mát mẻ rằng tôi "ngồi mát ăn bát vàng". Những lúc đó tôi chỉ biết cười buồn, bởi ở trong chăn mới biết chăn có rận.

Trước khi lấy anh, tôi là cô giáo dạy mầm non. Đồng lương thấp nhưng tôi rất yêu công việc của mình. Sau khi kết hôn và có bầu, tôi nghỉ làm ở nhà dưỡng thai do chồng và mẹ chồng ra sức thuyết phục, nói khi nào con lớn, khỏe mạnh thì lại tiếp tục quay lại với công việc.

Tôi ở nhà dưỡng thai được một tuần thì mẹ chồng cho bác giúp việc lâu năm nghỉ. Bà nói: " Việc nhà không có gì nhiều, giờ hai mẹ con mình thay nhau làm cũng được" . Và cũng từ đây, tôi bắt đầu cuộc sống của một osin không lương.

Gia đình chỉ có hai chúng tôi và mẹ chồng (bố chồng mất sớm) nên việc nhà ban đầu cũng không quá vất vả. Nhưng sau khi sinh em bé thì cuộc sống của tôi đảo lộn. Tôi phải một mình xoay xở với việc thức đêm trông con, sáng dậy phải lo đi chợ, nấu ăn ngày ba bữa cho cả gia đình.

Mẹ chồng không giúp được gì nhiều cho tôi vì bà bị tiền đình, nếu thức đêm sẽ rất nguy hiểm. Còn chồng tôi thời gian đó đang phấn đấu để được thăng chức nên thường phải đi làm về muộn. Mẹ chồng bảo anh ngủ phòng riêng để giữ sức khỏe, còn tiếp tục cống hiến.

Thiếu ngủ, con quấy khóc, công việc nhà dồn lại khiến tôi quá tải tới mức stress. Có lần tâm sự với bạn thân, cô ấy khuyên tôi thuê giúp việc theo giờ để đỡ vất vả, chỉ tập trung vào chăm con. Nghe lời khuyên của cô bạn, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Giá thuê giúp việc ở khu vực nhà tôi khoảng 60 -70 nghìn đồng một giờ. Trong khi đó, số tiền mỗi tháng chồng phát cho tôi là 6 triệu đồng, co kéo lắm mới đủ chi tiêu trong gia đình, nói gì tới giúp việc. Chồng bảo hồi trước tôi đi làm lương được 5 triệu đồng, giờ anh phát cho tôi thêm 1 triệu để tôi thoải mái chi tiêu trong nhà.

untitled-1-16124615-1720138648756-17201386490711530549484.jpg

Mỗi tháng tôi được chồng phát cho 6 triệu đồng để chi tiêu mọi việc trong nhà. (Ảnh minh họa được tạo bởi AI).

Với số tiền đó, tôi xoay vần với các chi phí sinh hoạt, chợ búa, bỉm sữa, thuốc thang cho con. Chồng bảo tính anh xông xênh nên tôi không cần ghi lại các khoản chi tiêu, nhưng để tôn trọng mẹ thì anh khuyên tôi nên liệt kê các khoản sinh hoạt phí trong một quyển sổ, giúp bà có thể nắm được chi tiết.

Khoảng thời gian chăm con mọn khó khăn nhất rồi cũng qua đi, con tôi giờ cũng tới tuổi đi học mẫu giáo. Lúc này, tiền sinh hoạt phí 6 triệu đồng trở nên quá ít ỏi vì các trường gần nhà học phí khá cao, còn trường công thì phải đi xa, tôi cũng không đành lòng do con mới được 20 tháng. Khi tôi đề nghị chồng tăng khoản sinh hoạt phí, anh cau mày chê tôi không biết co kéo chi tiêu.

Thương con mà cũng không muốn gây căng thẳng cho không khí gia đình, tôi nhận việc về làm thêm để có thêm thu nhập. Với việc đánh máy thuê, mỗi tháng tôi được trả 2,5 triệu tiền lương, và như thế con tôi được đi học trường gần nhà.

Từ ngày đi làm, tôi mới dám mua cho mình tháng thì lọ kem bôi mặt, tháng thì bộ quần áo mới. Trước đây, có lần ghi khoản này vào sổ cho mẹ chồng xem, thấy thái độ không vui của bà nên tôi không dám nữa. Thỉnh thoảng lắm, tôi mới dám mua một bộ quần áo mới từ tiền tiết kiệm đi làm trước đây của mình.

Con đi học quen trường quen lớp, tôi xin phép chồng và mẹ chồng đi làm lại, nhưng do nghỉ quá lâu nên việc quay lại với nghề cũ của tôi không hề dễ dàng. Tôi mất 5 tháng rải hồ sơ khắp nơi mà không tìm được việc đúng chuyên môn. Thời gian đó, cô bạn tôi mở hàng trà sữa, thiếu nhân viên chạy bàn nên có đề nghị tôi thử vào làm. Thấy mức lương cũng không kém lương giáo viên mầm non trước đây là mấy, tôi bắt đầu suy nghĩ.

Tuy nhiên, chồng và mẹ chồng đều không đồng ý, cho rằng anh là giám đốc mà tôi lại làm công việc chạy bàn thì rất ảnh hưởng tới thể diện của anh. Chồng nói nếu tôi ở nhà tiếp tục công việc chăm lo gia đình, anh sẽ tăng tiền chi tiêu mỗi tháng lên thành 8 triệu đồng, như thế tôi có thể thoải mái sống, không phải lo lắng tới việc đi làm có lương.

Quả thật, sống ở đất Hà Nội đắt đỏ này, dù anh có tăng cho tôi lên 10 triệu đồng thì vẫn rất khó khăn. Thế nên tôi nhất quyết không đồng ý và mong chồng hãy tôn trọng quyết định của mình. Vì chuyện này mà gia đình căng thẳng, chồng và mẹ chồng mặt nặng mày nhẹ.

Nhiều lúc vì muốn giữ hòa khí gia đình, tôi cũng muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ đến chuyện hàng tháng phải ngửa tay đợi chồng phát tiền, tôi cảm thấy thực sự khổ sở. Tôi có nên kiên quyết làm theo ý mình?

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022