BS Hạnh Phúc trả lời:
Nhiều người lầm tưởng rằng ung thư cổ tử cung chỉ có thể xảy ra ở phụ nữ trưởng thành, có quan hệ tình dục nên ít tầm soát dự phòng bệnh. Tuy nhiên, y học từng ghi nhận một trường hợp bé gái 14 tuổi ở Kiên Giang mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Đây là một trong những trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc bệnh. Một trường hợp khác là nữ sinh viên 19 tuổi, độc thân, phát hiện ung thư mô tuyến cổ tử cung.
Phần lớn ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra, khoảng 99,7%. Đây là loại virus lây truyền qua đường tình dục hoặc mẹ con hoặc số ít lây qua đồ vật truyền bệnh.
Ngoài ra, ung thư cổ tử cung còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác như hành vi tình dục, ví dụ phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn, bạn tình nhiễm HPV, trạng thái suy giảm miễn dịch, phụ nữ sanh con sớm hay sanh nhiều con (từ 3 con trở lên)...
Tầm soát phát hiện sớm từ khi chưa có triệu chứng rất quan trọng. Vì khoảng thời gian hình thành và phát triển tổn thương tiền ung thư cổ tử cung tương đối dài, từ 3-7 năm. Nếu phát hiện sớm có thể xử trí và điều trị kịp thời, nhất là tiền ung thư có khả năng chữa khỏi hoàn toàn rất cao. Việc phát hiện bệnh sớm giúp giảm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro, tăng tỷ lệ sống còn trên 5 năm nếu là ung thư xâm lấn giai đoạn sớm.
Ung thư cổ tử cung không phải là bệnh lý di truyền, nhưng theo một số nghiên cứu, khi trong gia đình người mẹ hoặc chị em gái mà bị ung thư cổ tử cung thì người phụ nữ đó nên được tầm soát, theo dõi kỹ càng hơn. Vì theo một số nghiên cứu ghi nhận rằng những người có yếu tố gia đình như vậy thì khả năng đề kháng kém hơn khi nhiễm HPV.
Để phòng ngừa được căn bệnh ung thư, nữ giới cần xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh (không hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý), chích ngừa vaccin phòng bệnh, quan hệ tình dục an toàn, xây dựng thói quen khám sức khỏe tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.