Sáng tạo là tố chất vô cùng quan trọng, hiện diện ở mọi lĩnh vực trong đời sống. Có sáng tạo, con người mới tăng năng suất công việc, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Hiểu được tầm quan trọng của sự sáng tạo nên các trường học ngày càng chú ý phát triển, rèn luyện tố chất này cho học sinh.
MDE - Môn học đặc biệt tại trường Liên cấp Dewey
Trường Dewey có không ít bộ môn giúp học sinh nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo và MDE (Maker (Sản xuất) - Design (Thiết kế) - Engineering (Kỹ thuật) là một trong số đó. Theo tìm hiểu, đây là môn học được chuyển giao từ trường đối tác Mount Vernon School. Hiểu một cách nôm na thì: MDE là một phương pháp học tập dựa trên yêu cầu sử dụng quá trình sáng tạo như một cách để học hỏi và phát triển.
MDE được xây dựng dựa trên tư duy thiết kế. Học sinh mở rộng khả năng đồng cảm, tạo mẫu và phản hồi khi họ tạo ra sản phẩm cho người dùng thực. Thông qua quá trình thiết kế, chế tạo, xây dựng, mày mò và lặp đi lặp lại, học sinh phát triển các kỹ năng tư duy phản biện, cộng tác, sáng tạo và ý thức chủ động hơn.
Còn về Tư duy thiết kế thì đây là phương pháp học tập khá mới, giúp học sinh hệ thống hóa được kiến thức và hiện thực hóa thành sản phẩm cụ thể. Từ đó các em giải quyết bài toán cuộc sống đưa ra. Phương pháp này không chỉ được áp dụng với bộ môn MDE mà còn ở nhiều các môn học khác và cao hơn là áp dụng vào chính cuộc sống thực tiễn.
Học sinh Dewey học MDE như thế nào?
Để hiểu hơn về bộ môn này, tôi (PV) quyết định sang Dewey (cơ sở ở quận Cầu Giấy) để tham dự một tiết học của các em lớp 6. Cô Đoàn Thị Lâm Oanh - giáo viên phụ trách bộ môn cho biết, Môn MDE trải dài suốt 36 tuần học và sẽ có 4 dự án lớn về các chủ đề: Nền tảng; Automata; Điện và Chủ đề được đề xuất. Mỗi dự án có thời lượng khoảng 9 tuần học.
Dự án mà tôi được xem các em học sinh thực hiện thuộc chủ đề đầu tiên: "Nền tảng", với nhiệm vụ làm "Nhà mèo". Dự án này được học sinh triển khai trong 4 tuần với các bước gợi mở vấn đề, chia nhóm cùng lên ý tưởng thực hiện và sau đó trình bày sản phẩm, kêu gọi đầu tư từ các "shark".
Mở đầu buổi học, cô Lâm Oanh khơi gợi chủ đề dự án thông qua loạt câu hỏi cho học sinh: "Đố các em biết con vật nào hay được gọi là "Hoàng thượng", "Nó có đặc tính gì", "Tại sao lại có đặc tính đó", "Chủ nhân thường làm gì cho nó",...
Ngay lập tức, các em đưa ra đáp án chính xác là "con mèo" cùng loạt "phẩm chất" của loài vật này như: hay cào, hay chạy nhảy, thích nằm cuộn tròn,... Một học sinh nhà có mèo cũng hào hứng chia sẻ: "Chủ có thể cho mèo đi spa ạ. Nhà em cũng mua 1 cái "nhà riêng" cho em mèo".
Từ ý kiến của học sinh, cô giáo dẫn dắt cả lớp đến chủ đề của dự án, đó chính là làm một căn nhà thật xinh cho các "hoàng thượng" và phải đảm bảo đủ 3 tiêu chí về: Ý tưởng, thẩm mỹ và sự tương tác nhóm.
15 bạn trong lớp học được chia thành 3 nhóm và bắt đầu bàn bạc, phác thảo bản vẽ "nhà mèo". Nhóm nào cũng sôi nổi, hào hứng ra trò. Có em đề nghị phải rải thật nhiều bông trong nhà để mèo tha hồ nghịch ngợm. Nghe thế, một em hốt hoảng hỏi: "Cho nhiều bông thế sợ vướng đấy!".
Ở nhóm khác, một bạn nam hùng hồn tuyên bố: "Mình phải xây thêm cái "sân thượng" này cho mèo phơi nắng. Tụi mèo là thích nằm ườn ra lắm",... Chỉ trong phút chốc, không khí lớp học náo nhiệt vô cùng. Em nào cũng say sưa trình bày ý nghĩ, sáng kiến của mình với các bạn.
Về phía cô giáo cũng chú ý quan sát cuộc thảo luận của các nhóm và không quên đưa ra góp ý, đặt câu hỏi: "Con nhớ chú thích ý tưởng của mình nhé", hay "Con định xây nhà bằng chất liệu gì?",...
Từ ý tưởng đến hiện thực, làm sao để thuyết phục các "shark"?
Hết thời gian thảo luận 10 phút, cả 3 nhóm lần lượt chia sẻ về bản vẽ của mình. Khi 1 nhóm lên thuyết trình, 2 nhóm còn lại sẽ phản hồi theo quy tắc 1:1:1. Đây là quy tắc mà cô Lâm Oanh nhấn mạnh ngay đầu buổi học, cũng là quy tắc khiến tôi rất tâm đắc về phương pháp giảng dạy của nhà trường.
Hiểu nôm na, quy tắc phản hồi 1:1:1 là đưa ra lời khen nhiều hơn lời chê! Theo cô Lâm Oanh, nhiều bạn nhỏ khi thấy những thứ chưa được, thường lập tức đưa ra lời chê bai. Điều này vô hình trung khiến người nghe cảm thấy khó chịu, không muốn tiếp nhận những góp ý về sau. Chính vì vậy, giáo viên muốn hướng học sinh đến việc đưa ra lời khen trước, sau đó mới góp ý và đặt ra câu hỏi. Đây cũng là một trong những kỹ năng sống rất hữu ích.
Quay trở về phần thuyết trình bản vẽ, nhóm 1 được mời lên chia sẻ trước. Sản phẩm "nhà mèo" của nhóm có 2 tầng, được trang trí bằng các cuộn giấy, tường sơn hai màu tím và xanh, bên trên có lỗ thoát khí để mèo không bị bí. Ngoài ra có thêm lõi giấy, dây thừng quấn quanh để mèo có thể chơi đùa. Tầng dưới của căn nhà cũng được bố trí thêm phần thảm. Theo nhóm 1, căn nhà hợp với những vị "hoàng thượng" có "trọng tải" từ 2-3 kg.
Nhóm 1.
Sự chi tiết trong bản vẽ của nhóm 1 đã "gặt hái" được lời khen từ 2 nhóm còn lại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhóm nên cân nhắc thêm về việc đặt bồn thức ăn của mèo ra ngoài thay vì trong nhà, hay nên đặt bảng tên của mèo ở tầng dưới cho dễ nhìn hơn.
Với nhóm 2, căn nhà mèo được trang trí bởi tông màu xanh lam chủ đạo, kết hợp thêm màu trắng. Giải thích cho điều này, nhóm 2 cho thấy sự am hiểu khá tốt về "hoàng thượng" khi biết được loài này có thể nhìn thấy các sắc thái của màu xanh lam và màu xanh lá cây, nhưng màu đỏ và hồng có thể bị nhầm lẫn. Về phần trang trí, nhà sẽ có thêm bông và bệ đồ ăn cho mèo.
Nhóm 2.
Thiết kế này nhận được lời khen về phối hợp màu sắc nhưng cũng bị đặt câu hỏi về việc: "Liệu nhà có cao quá", hay "chỉ thiết kế 2 cột thì nhà có vững"? - Vấn đề này được nhóm 2 cho biết: "Trong quá trình thi công sẽ cân nhắc kỹ về chiều cao nhà dựa trên chiều cao của mèo" và "nhà vốn có 4 cột nhưng chưa thể hiện hết trên bản vẽ".
Thiết kế của nhóm 3 sáng tạo hơn chút khi có thêm phần "sân thượng" để mèo có thể nằm chơi và... ngắm cảnh. Ngoài ra nhà cũng có cầu thang, cột để mèo cào móng, dây thừng. Bên trong có bông lót để mèo nằm.
Đây cũng là thiết kế gây ấn tượng nhưng có một vấn đề đặt ra, đó là: Cần chú ý kỹ cột nhà để tăng độ vững chắc, hay thiết kế nơi đặt bát ăn của mèo sao cho hợp lý,...
Thiết kế của nhóm 3.
Kết thúc phần thuyết trình bản vẽ là phần hồi hộp nhất. Cả 3 nhóm sẽ đưa ra mô hình đã chuẩn bị sẵn và phải thuyết phục 2 vị "shark" rất đặc biệt - chính là 2 phụ huynh được mời đến tham dự tiết học bỏ tiền đầu tư. Phải làm sao để các "shark" thấy thiết kế của mình "khả thi", đó không phải là điều đơn giản!
Với kỹ năng thuyết trình tốt, nhóm 3 và nhóm 1 đã xuất sắc khiến 2 vị "shark" phải "móc hầu bao" 50% vốn thi công. Theo đó, hai nhóm này dự định tổng vốn để đưa ý tưởng thành thiết kế lần lượt là 5 triệu và 3 triệu.
Hai vị "shark" đặc biệt.
Tất nhiên, để các "shark" đầu tư, hai nhóm đã cho thấy khả năng teamwork ăn ý khi phân công rất chi tiết bạn nào phụ trách thiết kế nhà, bạn nào phụ trách nội thất và trang trí,... Ngoài ra các nhóm đều vạch ra những ý tưởng sẽ cải thiện nếu được rót vốn, hay những ưu điểm của nhà mà trước đó chưa có thời gian trình bày hết. Chẳng hạn nhóm 3 giải thích rõ hơn vì sao không đặt bát ăn ở tầng trên. Đó là bởi sợ khi mèo ăn sẽ làm rơi vãi thức ăn, gây mất vệ sinh. Hay việc sẽ trang trí bằng loại cỏ mà mèo có thể ăn được,...
Về phần nhóm 2, hơi tiếc một chút khi nhóm chưa kêu gọi vốn thành công và cần chứng minh thêm về việc sẽ cân bằng tốt thời gian học và thời gian làm dự án. Dù có hụt hẫng nhưng cả nhóm vẫn rất vui vẻ, mừng cho màn gọi vốn thành công của 2 nhóm còn lại.
Kết thúc tiết học, em Bùi Hoàng Thiên Ân, leader nhóm 3 hào hứng chia sẻ: "Đây là dự án MDE đầu tiên của lớp, em vui lắm. Cô giáo đã hướng dẫn chúng em cách đưa sản phẩm ra ngoài thị trường, cách đặt mình vào vị trí người sản xuất và thiết kế ra sản phẩm này".
Khi được hỏi có thích môn học hay không, Thiên Ân cười tít mắt, giơ ngón tay cái cho câu trả lời.
Tiết học MDE kết thúc cũng là lúc hết giờ học buổi chiều, các em học sinh lục đục lên xe bus để trở về nhà. Những tiếng cười rộn rã kéo dài ra tới tận cổng trường. Còn tôi cũng không khỏi tò mò, không biết các dự án sau, đám học trò nhỏ sẽ có thêm những sản phẩm đầy sáng tạo nào nữa nhỉ...