Tôi là Huấn, con trai trưởng trong một gia đình có 3 anh em trai. Dưới tôi là Hưng và Hải, cả 3 chúng tôi đều đã lập gia đình, ra ở riêng, mỗi người một nếp sống. Bố tôi năm nay đã ngoài 70, sức khỏe vẫn ổn, đi đứng chậm chạp nhưng tinh thần thì tỉnh táo lắm. Ông là người sống rất nguyên tắc, chuẩn chỉ, không thiên vị ai nhưng cũng… kín tiếng đến mức khó đoán.
Cả đời bố tôi làm cán bộ ngành xây dựng, nghỉ hưu rồi vẫn hay bị mấy ông bạn gọi về tư vấn sửa nhà, làm trần mái. Thế nên chuyện đất cát, nhà cửa, ông nắm rõ như lòng bàn tay.
Nhà tôi có chút tài sản: Một căn nhà mặt phố mà bố mẹ tôi đang ở, một chiếc ô tô cũ – loại 7 chỗ, và hai mảnh đất mua để đầu tư từ hồi xưa, giờ đều có giá trị cả. Từ lâu rồi anh em tôi vẫn lờ mờ đoán: Đến lúc chia tài sản, thế nào cũng có chuyện. Mà quả đúng, mấy tháng trước, bố tôi bất ngờ gọi cả 3 anh em về, bảo: "Bố mẹ già rồi, tính trước để sau này các con khỏi va chạm".
Tôi nhìn ánh mắt hai đứa em, đều thấp thỏm.

Cứ tưởng bố sẽ đọc luôn di chúc, hóa ra ông lại làm một việc khác hẳn. Ông đưa cho ba anh em tôi ba chiếc phong bì, mỗi chiếc chỉ ghi vỏn vẹn tên của mỗi người. Không tiền, không sổ đỏ, chỉ là một lá thư tay.
Bố bảo: "Mỗi đứa mang về đọc riêng. Một tuần sau quay lại đây, chúng mày nói với bố xem thấy thế nào".
Tối hôm đó, tôi mở phong bì, trong thư bố ghi rõ: Căn nhà bố mẹ đang ở – bố mẹ vẫn sống ở đây cho tới lúc qua đời. Sau đó, nếu 3 anh em đồng thuận, có thể bán đi chia đều. Nếu ai có nhu cầu ở, hai người còn lại sẽ được đền bù theo giá thị trường.
Cái ô tô – bố để lại cho con út Hải. Vì nhà nó ở xa, lại hay chở con nhỏ đi viện, đi học. Con Huấn và con Hưng đều ở gần, đi lại tiện, xe không quá cần thiết.
Mảnh đất ở thị trấn – bố cho Hưng. Vì vợ chồng nó kinh doanh, cần mặt bằng. Mảnh đất đó hợp để làm cửa hàng.
Mảnh đất còn lại – to hơn, ở khu tái định cư – bố để cho con trưởng Huấn vì nhà con hiện tại quá chật chội.
Cuối thư, bố tôi viết một câu khiến tôi lặng người:
"Tài sản là cái hữu hình. Anh em là cái vô hình. Bố không muốn con nào có của mà mất tình".

Một tuần sau, cả 3 anh em trở lại nhà của bố mẹ. Tôi thấy Hải có vẻ cảm động, nó nói luôn: "Con cảm ơn bố. Con cũng biết cái ô tô không đáng gì so với đất, nhưng thực lòng nó giúp vợ chồng con đỡ vất vả".
Hưng thì trầm hơn, chỉ gật đầu: "Con thấy bố sắp xếp thế là chuẩn".
Còn tôi, là con trưởng, lại là người được nhận mảnh đất lớn hơn – nhưng tôi hiểu, không phải vì tôi là trưởng mà vì bố cân nhắc hoàn cảnh từng đứa. Tôi nói với ông: "Bố chia thế này, con thấy thỏa đáng. Con cảm ơn bố vì bố nghĩ xa, nghĩ sâu, nghĩ đúng".
Bố tôi khẽ gật đầu, không nói gì, chỉ rót chén trà rồi đẩy về phía tôi.
Chuyện chia tài sản tưởng đã khép lại êm đềm, nhưng đến một buổi tối, tôi nhận được cuộc gọi từ mẹ. Bà nói nhỏ:
"Bố mày viết thêm một bản khác, cất kỹ trong két. Đêm qua ông ấy nói với mẹ, bảo: "Nếu mai này các con không sống thuận hòa, mẹ cứ lấy bản đó mà chia lại".

Tôi bàng hoàng. Bố tôi đã chuẩn bị cả phương án dự phòng.
Hôm qua tôi mới biết, trong bản "phòng khi bất trắc" ấy, bố tôi chia đều toàn bộ, cả 4 phần: 3 con trai mỗi người một phần, phần cuối cùng… cho mẹ – người cả đời không đòi hỏi gì nhưng lúc nào cũng âm thầm giữ ngọn lửa trong nhà.
Thật ra, thứ bố tôi để lại không phải chỉ là đất đai, xe cộ… mà là cách sống, là sự khôn ngoan, lặng lẽ nhưng đầy tinh tế. Ở tuổi gần đất xa trời, ông vẫn là người trụ cột, không phải bằng sức mà bằng trí.