20231020638333573698308534tim-heo-thumbnail-17240753102742141114886.jpg

Tim heo là món ngón có thể chữa bệnh - Ảnh minh họa nguồn Internet

Dinh dưỡng dồi dào nhiều lợi ích cho sức khỏe

Các chuyên gia của Hội Đông Y Việt Nam cho biết đông y có lịch sử nhiều ngàn năm trong việc dùng tim động vật, đặc biệt là tim heo để hỗ trợ, chữa trị bệnh tật cho con người khi cần…

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, tim lợn (trư tâm) vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng dưỡng tâm, an thần, chống co giật và cầm mồ hôi, thường được dùng để chữa chứng mất ngủ (thất miên) do tâm khí suy nhược, biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn giấc ngủ, hay hồi hộp đánh trống ngực, đầu choáng mắt hoa, dễ vã mồ hôi, dễ kinh sợ....

Y học hiện đại đánh giá tim heo là một loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Trong 100g tim heo có: Năng lượng: 94 kcal; Protein: 15.1g; Chất béo: 3.2g; Chất xơ: 0.2g; Carbohydrate: 0.6g; Cholesterol: 131mg; Kali: 294mg; Natri: 56mg; Canxi: 7mg; Sắt: 5.9mg; Photpho: 213mg; Vitamin B1: 0.34mg; Vitamin B2: 0.18mg; Vitamin PP: 5.7mg; Vitamin C: 1mg...

Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, tim heo là thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt thích hợp cho người thường mất ngủ, hay hồi hộp. Những người có dấu hiệu về tâm thần nên ăn tim lợn để hỗ trợ trong việc điều trị và cải thiện tình trạng bệnh.

- Tăng cường sức khỏe: Tim heo là nguồn bổ sung protein chất lượng cao, cung cấp nhiều loại axit amin cấp thiết cho cơ thể, thúc đẩy phục hồi cơ bắp, tăng cường sức khỏe tổng thể.

- Tốt cho hệ thần kinh: Ăn tim một lượng phù hợp có lợi cho việc hình thành hồng cầu, tăng cường chức năng hệ thần kinh và duy trì sức khỏe tế bào.

- Bổ máu: Tim heo và nội tạng động vật bổ sung nhiều sắt - yếu tố quan trọng trong việc sản sinh tế bào hồng cầu, đề phòng bệnh thiếu máu.

- Tăng miễn dịch: Tim heo cũng là nguồn bổ sung khoáng chất kẽm quan trọng cho cơ thể, góp phần tăng cường hệ miễn dịch và nhiều chức năng khác của cơ thể.

- Chống oxy hóa: Tim heo, gan ngỗng đều bổ sung dồi dào selen, hỗ trợ cơ thể bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương gây ra bởi gốc tự do.

- Cholesterol và chất béo: Tuy tim heo có một lượng tương đối lớn cholesterol và chất béo nhưng nếu ăn một lượng vừa đủ, cân đối với chế độ dinh dưỡng thì đây là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nên thêm vào thực đơn.

an-tim-lon-co-tot-khong-3-1724075408521823732677.jpg

Tim heo biết cách chế biến vừa là món ngon vừa là "thuốc" chữa bệnh - Ảnh minh họa

Cách chế món ăn ngon làm thuốc chữa bệnh

Hội Đông Y cũng hướng dẫn một số kinh nghiệm quý trong việc dùng tim heo trị bệnh.

- Mất ngủ, suy nhược thần kinh:Tim heo 1 quả, nhân sâm 10g, đương quy l0g. Tất cả rửa sạch rồi cho tim lợn để nguyên quả cùng với nhân sâm, đương quy chung vào nồi đất, đem chưng cách thủy cho chín, nêm gia vị cho vừa ăn. Dùng trong bữa ăn, ngày 2 lần. 

Tác dụng: An thần bổ hư, dùng chữa trường hợp hồi hộp, mất ngủ, suy nhược tinh thần nặng sau phẫu thuật.

- Huyết áp, nhồi máu cơ tim: Tim heo 450g, đậu xị 40g, hành lá l0g, gừng 10g, rượu trắng 15g, muối 2g, tương ngọt 25g, Dầu mè một ít.

Tim làm sạch xắt thành 4 miếng, rồi đun sôi, rửa sạch. Các gia vị rửa sạch, xắt khúc. Cho tim lợn và tất cả gia vị vào hầm cho đến khi nước trong nồi đặc lại thì vớt tim ra xắt miếng mỏng, rồi rưới nước súp còn lại trong nồi lên và thêm một ít dầu mè là được. Dùng trong bữa ăn, ngày 2 lần.

Tác dụng: Dưỡng tâm, trừ phiền, an thần, thích hợp cho chứng bệnh động mạch vành tim, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, nghẽn mạch máu não...

- Trị bệnh tim, hay hồi hộp: Tim heo 1 quả, đạm đậu xị 15g, hành lá, gừng tươi, nước tương, dầu mè lượng vừa phải. Tim làm sạch, xắt miếng. Đậu xị rửa sạch cho vào nồi với một ít nước nấu khoảng 10 phút, cho tim vào nấu tiếp tối chín, vớt ra đĩa, cho hành lá (xắt hột lựu), gừng (xắt sợi), một ít dầu mè và nước tương cho vừa ăn, trộn đều lại là được. Dùng vào bữa ăn.

Tác dụng: Bổ tâm an thần, dưỡng huyết. Món ăn này thích hợp cho chứng bệnh tim do phong thấp mạn dẫn đến tâm huyết bất túc, sợ sệt hồi hộp, buồn phiền.

- Mất ngủ, ho: Tim heo 1 quả, hạt sen 30g, long nhãn 15g, bách hợp 30g, gia vị vừa đủ. Tim lợn loại bỏ phần mỡ, rửa sạch, thái mỏng. Hạt sen bỏ tâm. Bách hợp và long nhãn rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, đổ vừa nước, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm kỹ trong 1 giờ.

Công dụng: Bổ tâm, dưỡng tỳ, an thần trấn tĩnh; thích hợp với những người suy nhược thần kinh, ngủ kém, hay quên, giấc ngủ nhiều mộng mị. Ngoài ra, nó cũng giúp bổ phế, giảm ho cho những người có các bệnh đường hô hấp. Những người đang bị cảm mạo, phát sốt không nên dùng.

- Bệnh lý đường hô hấp: Tim heo 1 quả, phổi heo 1 cái, sa sâm 15g, ngọc trúc 15g, gia vị vừa đủ. Sa sâm và ngọc trúc thái vụn, cho vào túi vải buộc kín miệng rồi hầm cùng tim và phổi lợn (rửa sạch, thái miếng) với 2 lít nước. Đun to lửa cho sôi rồi bớt lửa, đun thêm chừng 1,5 giờ cho nhừ. Chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Dưỡng âm, bổ phế, nhuận táo, chỉ khái, dùng cho các bệnh lý đường hô hấp có biểu hiện âm hư: người gầy, sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, gò má đỏ, miệng khô họng khát, khó khạc đờm, khó đại tiện, nước tiểu đỏ, hay vã mồ hôi ban đêm.

- Ra nhiều mồ hôi: Tim heo 1 quả, hoàng kỳ 15g. Tim bổ đôi rồi cho hoàng kỳ vào trong, dùng chỉ khâu kín lại, đem hầm chín ăn. Công dụng: trị chứng mồ hôi tự chảy ra ở toàn thân hay tại chỗ không phải vì hoạt động gắng sức vì thời tiết nóng bức hay vì mặc quá nhiều quần áo…

- Cơn đau thắt ngực, hồi hộp trống ngực: Hoa chuối 250g, tim heo 1 cái, cùng đem hầm chín, ăn trong ngày. Hoặc hoa chuối lượng vừa đủ đem đốt hoặc sao cháy rồi tán thành bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g với nước muối nhạt.

- Nhịp tim nhanh: Tim heo 1 quả, hoa chuối 30g. Đem hoa chuối sắc trong 30 phút lấy nước bỏ cái rồi cho tim vào nấu chín, ăn trong ngày.

Tim tuy bổ nhưng cũng có một số người không thích hợp với việc tim lợn. Vì tim heo có chứa cholesterol nên những người có vấn đề liên quan tới cholesterol cần ăn lượng nhỏ.

Đặc biệt đối với người trung niên, người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, mỡ máu cao, đường huyết cao... khi ăn cần cẩn thận, chớ nên ăn nhiều.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022