Tôi là Lâm, năm nay 40 tuổi. Mấy ngày trước, tôi đang ở nhà chỉnh sửa tài liệu thì bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại của ông Long, sếp cũ của tôi. Sếp cũ hỏi thăm tôi: “Lâm à, anh em mình cũng phải 3 năm nay không liên lạc gì rồi, dạo này chú sống tốt chứ?”. Tôi đáp: “Cảm ơn sếp vẫn nhớ đến em, may năm đó nhờ có sếp đề bạt mà em cũng lên được chức phó phòng rồi, cũng gọi là ổn ạ”.

Tôi vừa nghe điện thoại, trong đầu vừa chạy một loạt suy nghĩ: Lúc còn công tác ở tổng bộ, sếp Long không phải giám đốc quản lý ở bộ phận chúng tôi, bình thường làm việc cũng không tiếp xúc nhiều, ông ấy nghỉ hưu xong lại càng không phải nói, gần như là không có chút liên lạc gì với nhau. Hôm nay bỗng nhiên ông Long gọi điện thoại, chắc chắn là có vấn đề.

Hỏi thăm khách sáo vài câu, sếp Long lúc này mới vào chủ đề chính, đại ý là: Sau khi về hưu, sếp rất thích đi du lịch, thích thăm thú cảnh đẹp tổ quốc, thưởng thức mỹ vị nhân gian. Hôm qua sếp đưa theo khoảng 5, 6 người bạn cùng đi du lịch, giờ đang ở thành phố nơi tôi công tác. Ông Long chém gió với các bạn rằng ông có một người “thuộc hạ” cũ ở đây, năm đó ông liếc mắt một cái liền biết đây là một hạt giống tốt, thế nên hết lòng dạy dỗ bảo ban, sau đó giới thiệu hạt giống đó đến đây làm việc. Giờ đây hạt giống đã trở thành cây đại thụ, có chức có quyền, gặp lại nhau chắc chắn sẽ mời cả đoàn một bữa thật thịnh soạn nhiều hải sản tươi ngon.

Thực ra, mối quan hệ giữa tôi và sếp Long trước đây chỉ đơn thuần là quan hệ công việc, cấp trên và nhân viên hết sức bình thường. Sếp Long không phải lãnh đạo trực tiếp chỉ dạy tôi, cũng không bồi dưỡng tôi gì cả, cho nên cũng chẳng đến lượt ông ấy đề bạt tôi thăng chức. Ngược lại, do lúc làm việc đồng nghiệp gây mâu thuẫn với nhau, vì để bảo vệ nhân viên ruột của mình mà ông ấy còn quở mắng tôi ngay trong cuộc họp, sếp ruột của tôi cũng chẳng khách sáo gì mà to tiếng lại luôn với ông Long: Ông đi mà quản lý đám nhân viên của mình ấy, người của tôi chưa đến lượt ông dạy dỗ đâu!

Do vừa phải nghe điện thoại vừa phải viết tài liệu nên tôi bật loa ngoài, vợ tôi ngồi cạnh nghe rõ mồn một, liền quay sang nhướng mày nháy mắt, ra sức quơ tay, dùng khẩu hình “cảnh cáo” tôi: “Ông Long đó chẳng có ơn bồi dưỡng gì với anh cả, anh cũng chẳng có nghĩa vụ báo đáp công ơn cho ông ta đâu. Anh nhìn bộ dạng anh bây giờ xem, phó phòng mà cũng chẳng khác gì một nhân viên chuyên viết báo cáo, còn ra vẻ lãnh đạo có chức có quyền cái gì? Nhà mình nào là tiền thuê nhà, tiền học cho con, bữa cơm thịnh soạn ngập hải sản tươi là thứ nhà mình ăn nổi hả? Cứ bảo là anh đang đi công tác vắng nhà, đừng có giả vờ giả vịt!”.

l4-1723000595626649735038.jpeg

Ảnh minh họa

Nhưng nếu nói sếp Long với tôi không có chút giao tình nào thì cũng không đúng. Chuyện ông ấy bảo vệ nhân viên, xem trọng lợi ích của phòng ban mình, nhìn thì có vẻ đó là khuyết điểm, nhưng cũng còn tốt hơn những vị lãnh đạo ba hoa chích choè, chỉ biết ra vẻ chứ không làm được việc gì. 

Ngày trước vì nhân viên của mình mà ông Long bắt nạt tôi, thực chất không hề có ác ý gì cả. Ngày đó đề bạt tôi đến đây công tác, người phụ trách ở phòng ban của ông Long nhận xét tiêu cực về tôi, ông Long còn làm rõ lại với ban lãnh đạo để thanh minh cho tôi. Quan điểm của ông ấy rất rõ ràng: Chọn người, dùng người là phải nhìn vào người thật việc thật, không nên chỉ nghe đánh giá từ người khác.

Cuối cùng, tôi vẫn đồng ý với sếp Long qua điện thoại: “Hoan nghênh sếp đến thành phố em du lịch, sếp cứ đặt nhà hàng đi, để em mời, em còn mang thêm mấy chai rượu ngon đến nữa”.

 Vợ tôi tức đến mức dậm chân bình bịch, mắng tôi suốt mấy tiếng đồng hồ. Một bữa hải sản bình thường chỗ chúng tôi ít nhất cũng phải 5 triệu, nhiều hơn nữa thì 10 triệu hoặc hơn. Vợ tôi đay nghiến tôi cả đời chắc chẳng mua được quần áo gì tiền triệu cho cô ấy, lại bỏ một đống tiền đi mời một đám người lạ, đúng là cạn lời. Tôi lẳng lặng nói, làm người hay làm việc thì cũng không nên tính toán chi li, dù là một chút công ơn nhỏ nhoi cũng phải hết lòng báo đáp.

Đến tối, tôi cầm theo hai chai rượu ngon đến nhà hàng mà sếp Long đã đặt sẵn, còn nhiệt tình thu xếp, gọi món cho họ. Không ngờ rằng đám bạn về hưu của sếp Long cũng chẳng nể nang gì cả, gọi gần như hết cả cái menu của nhà hàng. Tôi nhìn họ gọi món mà tim đập loạn xạ, còn hồi hộp hơn cả lúc đọc đề thi đại học nữa. Đồ ăn được mang ra, tôi nhìn nào là cua Hoàng đế, tôm hùm Alaska, bào ngư, cá ngừ... mà đỏ rần cả mặt. Mấy ông bạn già của sếp Long và cả sếp Long nữa, ai cũng chơi tới nóc, ăn uống phải nói là vô cùng nhiệt tình, còn tôi thì thầm tính toán xem số dư tài khoản ngân hàng còn lại bao nhiêu, miễn cưỡng nở một nụ cười nhăn nhó, tay thì tiếp rượu cho các sếp.

Đợi khi các vị đã ăn uống no say, tôi âm thầm chạy ra ngoài thanh toán hoá đơn. Tôi đến quầy lễ tân lấy hoá đơn, nhìn thấy con số 26 triệu trên tờ giấy đỏ chót, cố nén đau xót móc điện thoại trong túi áo ra chuẩn bị quét mã trả tiền. Lúc này, lễ tân nói với tôi rằng bữa ăn đã được sếp Long thanh toán trước rồi, tôi nghe xong mà ngơ luôn tại trận!

Đúng lúc này, sếp Long từ sau đi đến, vỗ vỗ vào vai tôi nói: “Tôi đến đây du lịch, chú có thể đến gặp tôi là vui lắm rồi, chứ ai lại bắt chú chiêu đãi nữa! Mấy ông già nghỉ hưu như chúng tôi thiếu gì tiền đâu, cũng chẳng ai muốn đem tiền vào hòm nằm cùng mình cả. Tôi bảo chú mời cơm, thực ra để có tí mặt mũi thôi. Tôi bảo nhà hàng chuẩn bị thêm một hộp hải sản tươi rồi, chú mang về cho các cháu ở nhà ăn với”. Tôi nghe xong mà đơ luôn, mãi không nói được câu gì.

Tối ngày hôm sau, sếp tổng ở công ty tôi mời sếp Long ăn cơm. Vì để tránh rắc rối, chúng tôi quyết định ăn luôn ở phòng bao riêng trong nhà ăn công ty, còn đặt thêm mấy món để tiếp đãi. Tôi ngồi tiếp hai vị lãnh đạo mới biết trước đây sếp tổng của tôi đã từng là “thuộc hạ” của sếp Long, sếp Long còn kể cho sếp tổng của tôi nghe câu chuyện mời khách hôm nọ nữa. Nhìn hai sếp lớn cười cười, cười đến mức tôi dựng cả tóc gáy lên.

Hai tháng sau đó, trưởng phòng chỗ tôi được công ty điều đi chi nhánh khác, thế là tôi được thăng lên làm trưởng phòng! Niềm vui bất ngờ này đến làm tôi trở tay không kịp! Sếp tổng trò chuyện với tôi, tôi mới biết được chân tướng sự việc: Hoá ra sếp tổng và sếp Long có mối quan hệ rất thân thiết vững chắc, sếp tổng tôi muốn đổi trưởng phòng sang một người có thể tin được, dựa vào được, biết báo đáp công ơn, vậy là sếp Long đã giới thiệu tôi, còn tiện tay làm một buổi “thí nghiệm”, chúng minh tôi trong mắt ông ấy vẫn là cậu nhân viên đôn hậu thật thà, trọng tình trọng nghĩa, biết phân biệt đúng sai năm xưa.

Qua đó, tôi lại đúc kết cho mình thêm một vài bài học trên thương trường như sau:

Dạo quanh chốn công sở, gặp muôn vàn điều kỳ quặc là không thể tránh khỏi

Bạn nhất định sẽ gặp được đủ kiểu lãnh đạo và nhân viên, càng là công ty lớn thì lại càng nhiều. Có lúc tôi lại thích kiểu người thẳng thắn như sếp Long, lúc cần bảo vệ nhân viên thì ngay lập tức xù lông, lúc cần giữ gìn chính nghĩa thì giữ bằng được, chẳng bao giờ nói đạo lý mà chỉ bắt tay vào hành động, nhìn đúng người sẽ thử nghiệm ngay, qua được bài kiểm tra thì giúp đỡ hết sức, không hề có chút giả tạo nào.

Thương trường như chốn giang hồ, cũng có quy tắc của riêng mình

Không ai thích một người ăn cây táo rào cây sung, đứng trước lợi ích là quên sạch tình nghĩa. Trong mối quan hệ làm ăn, ngoài việc đôi bên cùng có lợi ra, luôn luôn có một bên phải hy sinh nhiều hơn, nhẫn nại nhiều hơn, bao dung nhiều hơn. Đánh giá một người phải dựa trên bản lĩnh làm việc của người đó, không nên vì lợi ích cá nhân mà đạp đổ họ một cách oan ức.

Sống như dòng nước, yên tĩnh mà sâu sắc

Thương trường không phải chốn trắng đen minh bạch, lại càng không phải nói đúng hay sai là quyết định được, đa phần là có những quy tắc ngầm không thể nói rõ. Có người nói thương trường căn bản là quan hệ lợi ích, câu này vừa đúng vừa không đúng. Bởi lợi ích có nhiều kiểu, có thể là lợi ích về mặt vật chất, hoặc lợi ích về mặt tình cảm. Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh. Vậy nên, cứ từng bước làm tốt việc của mình, đừng mưu cầu chuyện tương lai quá nhiều.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022