Tôi vẫn nhớ như in cái ngày được đón con yêu chào đời. Cả phòng sinh ngập tràn tiếng cười và lời chúc phúc. Nhưng không ai thấy được màn đêm tâm trí đang dần bao phủ lấy tôi, một người mẹ trẻ vừa bước vào cuộc chiến mang tên trầm cảm sau sinh mà không hề được báo trước.

Tuần đầu tiên sau sinh, tôi như một cái xác không hồn. Những cơn đau từ vết mổ chưa lành hòa lẫn nỗi đau tinh thần không tên. Đêm nào tôi cũng thức trắng, mắt nhìn vô hồn vào bức tường trong khi tiếng con khóc vang lên từ phòng bên. Có những lúc tôi run rẩy ôm con mà nước mắt rơi không ngừng, tự hỏi tại sao mình không thể cảm nhận được niềm hạnh phúc mà mọi người vẫn nói.

Chồng tôi là người đầu tiên nhận ra sự bất thường. Anh nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi:

- Em có ổn không? Anh thấy em mệt mỏi quá.

Nhưng tôi chỉ lắc đầu, cố nuốt trọn nỗi sợ hãi vào trong. Tôi không dám thừa nhận mình đang gục ngã, bởi xã hội này luôn mặc định làm mẹ là thiên chức, đàn bà nào chả phải đẻ.

Tình hình của tôi ngày càng trầm trọng khi tôi bắt đầu có những dấu hiệu loạn thần, hành động cũng tiêu cực dần.

Anh từ đó cũng trở thành trụ cột duy nhất. Một mình anh xoay xở với đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, học cách thay bỉm, pha sữa, dỗ con ngủ giữa đêm khuya. Tôi thấy anh lặng lẽ lên mạng tra cách cải thiện tâm lý cho phụ nữ trầm cảm sau sinh mà lòng cứ nặng nề dần, cảm thấy bản thân trở thành gánh nặng cho chồng con.

avatar1744542936524-17445429366841730793151.jpeg

Nhưng áp lực đâu chỉ đến từ em bé và căn bệnh tâm lý của tôi. Mẹ chồng tôi - một phụ nữ cổ hủ đến mức ác nghiệt cứ liên tục buông những lời như dao cứa:

- Bọn trẻ bây giờ yếu đuối thật! Ngày xưa tôi đẻ xong còn phải gánh nước, đi cấy. Bây giờ ở không mà còn làm bộ làm tịch! Bệnh tật quái gì toàn õng ẹo, giả vờ!

Họ hàng hay hàng xóm chả biết đầu đuôi ra sao cũng vào hùa nói tôi lười, vẽ chuyện, thích gây sự chú ý...

Anh không tranh cãi. Anh chỉ âm thầm đứng ra bảo vệ tôi:

- Mẹ ơi, vợ con bị bệnh. Bác sĩ đã chẩn đoán rồi. Nếu mẹ không giúp được bọn con thì mẹ để yên cho vợ con nó chữa bệnh.

Nhưng lời anh nói chìm nghỉm giữa biển định kiến "bệnh tưởng, bệnh vẽ" của những người chưa bao giờ hiểu về sức khỏe tâm thần.

Ngày tôi nhận ra mình đang nghĩ đến điều tiêu cực nhất, cũng là ngày anh phát hiện tôi đã vật lộn với căn bệnh này như thế nào. Mặc cho tôi gào khóc phản ứng, anh lôi bằng được vợ đi đến viện để tìm hướng điều trị khác.

Chuyến đi đến phòng khám tâm lý đầu tiên là bước ngoặt. Khi bác sĩ chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của tôi, tôi thấy anh cầm tờ giấy mà tay run lên. Nhưng ngay chiều đó, anh lên mạng tìm hiểu từng triệu chứng, in ra danh sách những việc cần làm để hỗ trợ tôi.

Anh sắp xếp lịch trình khoa học: 7h tối anh đưa con đi dạo để tôi có không gian riêng, 10h anh pha cho tôi ly trà ấm trước khi ngủ. Anh phải cảnh giác tất cả những vật sắc nhọn trong nhà, kể cả những thứ vốn dĩ vô hại.

6 tháng trôi qua với những viên thuốc đều đặn, những buổi trị liệu tâm lý và quan trọng nhất là sự kiên nhẫn vô điều kiện của anh. Tôi dần nhận ra niềm vui trong tiếng cười của con, cảm nhận được hương vị của món ăn và đặc biệt tôi bắt đầu dám nhìn vào mắt mình trong gương mà không còn thấy một kẻ vô dụng.

Mẹ chồng tôi cuối cùng cũng thay đổi sau khi chứng kiến cơn khủng hoảng của tôi một lần. Bà lặng người khi thấy tôi co giật vì hoảng loạn và từ đó không còn những lời chì chiết nữa.

Giờ đây, khi đã qua cơn bão tố, tôi viết những dòng này như một lời tri ân đến chồng, người đã dám "yêu tôi khi chính tôi còn không thể yêu lấy mình"...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022