Thời điểm này, tôi phải thừa nhận bản thân mình quá may mắn. Trong khi mọi người đang đau đầu vì giá BĐS quá cao, có cố gắng tiết kiệm cũng chẳng biết bao giờ mới đủ tiền mua nhà, thì tôi lại có sẵn một mảnh đất gần 200m2 mà bố mẹ để lại cho, coi như cũng có chút vốn liếng để cầm cố nếu quyết định mua nhà ở thủ đô.
Gia đình tôi có 3 anh em. Bố mẹ tôi cũng chẳng phải giàu có gì, ông bà chỉ làm những công việc bình thường. Trước đây, bố tôi làm nghề lái xe, còn mẹ thì chỉ ở nhà lo cơm nước. Mãi đến năm tôi học cấp 3, mẹ mới mở một tiệm tạp hóa nhỏ.
Vậy mà bố mẹ tôi lại có thể "tậu" được 3 cuốn sổ đỏ để cho 3 anh em tôi mỗi người 1 cái. Có lẽ, thời bố mẹ chúng ta, chẳng mấy người biết đầu tư là gì, tất cả những gì họ làm chỉ là cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể.
1 - Mẹ tôi không bao giờ lãng phí thứ gì, tiết kiệm tới từng hạt gạo, từng giọt nước!
Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ luôn tay luôn chân trong bếp. Mọi thao tác của mẹ đều chậm rãi, cẩn thận đến mức khó tin. Vòi nước chỉ được vặn vừa đủ, không bao giờ có chuyện nước chảy tràn lan vô ích. Những chiếc xô, chậu luôn được đặt sẵn để hứng nước rửa rau, vo gạo, rồi tận dụng để tưới cây. Mẹ bảo: " Một giọt nước cũng là một đồng tiền, đừng lãng phí! ".

Ảnh minh họa
Bữa ăn nhà tôi cũng là một "trường học" về sự tiết kiệm. Mẹ luôn tính toán lượng thức ăn vừa đủ cho cả nhà. Không bao giờ có chuyện mâm cơm ê hề rồi thừa mứa. Món nào nấu ra, cả nhà đều cố gắng ăn hết. Nếu chẳng may còn dư một chút, mẹ sẽ cẩn thận cất vào hộp, bữa sau hâm lại hoặc biến tấu thành một món ăn khác. Cái khái niệm "đồ ăn thừa" dường như không tồn tại trong từ điển nhà tôi.
Tôi từng thắc mắc, sao mẹ phải khắt khe với từng chút một như vậy? Nhưng rồi tôi hiểu, đó không chỉ là sự tằn tiện đơn thuần. Đó là sự biết ơn đối với những gì mình làm ra, là sự trân trọng công sức của người nông dân, là ý thức về sự hữu hạn của tài nguyên. Trong mắt mẹ, mỗi hạt gạo là mồ hôi nước mắt, mỗi giọt nước là sự sống. Chính sự tỉ mỉ, cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ nhặt ấy đã giúp tương lai của chúng tôi bớt nhọc nhằn, bớt khắc nghiệt đi nhiều.
2 - Việc gì cũng làm, miễn là không phạm pháp!
Mẹ tôi không phải là một người phụ nữ có bằng cấp cao hay có một công việc ổn định. Mẹ làm đủ mọi nghề để kiếm sống: từ cấy lúa, gặt lúa thuê, đến buôn bán nhỏ, rồi nhận thêm việc may vá, đan lát khi nông nhàn.
Tôi còn nhớ những đêm đông lạnh giá, khi cả nhà đã say giấc, mẹ vẫn cặm cụi bên chiếc đèn nhỏ, miệt mài khâu từng đường kim mũi chỉ. Mẹ luôn là người dậy sớm nhất nhà, thậm chí còn dậy trước khi gà gáy, để chuẩn bị bữa ăn sáng cho bố con tôi, rồi lại đi làm. Ai thuê gì mẹ cũng làm, từ việc nặng nhọc như vác lúa đến những việc tỉ mỉ như nhặt rau, bóc lạc.
Tôi nghĩ rằng ở thời của mẹ, khái niệm "đa dạng hóa thu nhập" như trên sách báo hay nói là thứ quá xa vời. Có lẽ, mẹ tôi chẳng hiểu đâu, dù thực tế, bà vẫn luôn có nhiều nguồn thu nhập, chỉ là không cao.
Với mẹ, cách kiếm tiền đơn giản nhất là làm việc chăm chỉ và không từ chối bất cứ công việc nào nào. Mẹ không mơ ước những công việc "sang chảnh", mẹ chỉ cần những đồng tiền lương thiện, đủ để trang trải cuộc sống gia đình và lo cho con cái ăn học.
3 - "Cái gì xin được, cứ xin"
Đây có lẽ là khía cạnh "khó tin" nhất trong cách tiết kiệm của mẹ tôi, và cũng là điều mà tôi từng cảm thấy hơi ngại ngùng khi còn nhỏ. Mẹ không bao giờ ngần ngại hỏi xin xóm giềng những thứ mà nhà mình đang thiếu, dù chỉ là một nhánh rau, một nắm đỗ hay vài quả trứng. Mẹ bảo: "Sĩ diện mà làm gì, cái bụng đói mới đáng sợ!".

Ảnh minh họa
Tôi nhớ có lần nhà hết gạo, mẹ sang nhà bác Hai xin một bát. Lúc đó, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng, chỉ muốn chui xuống đất. Nhưng mẹ vẫn thản nhiên trò chuyện, cảm ơn bác Hai rối rít.
Trong những năm tháng khó khăn, sự sẻ chia của hàng xóm láng giềng đã giúp gia đình tôi vượt qua biết bao thiếu thốn. Mẹ hiểu rằng, trong cái nghèo khó, sự giúp đỡ lẫn nhau là vô cùng quý giá. Việc "xin" không phải là hạ thấp lòng tự trọng, mà là một cách để kết nối tình làng nghĩa xóm, xây dựng một cộng đồng đoàn kết và sẻ chia. Dần dần, tôi cũng học được từ mẹ sự chân thành và bỏ qua những sĩ diện không cần thiết.
Nhìn lại hành trình trưởng thành của mình, tôi nhận ra những bài học quý giá từ cách tiết kiệm "khó tin" của mẹ. Đó không chỉ là những mẹo vặt để tiết kiệm tiền bạc, mà còn là những giá trị sống sâu sắc về sự trân trọng, cần cù và tinh thần tương thân tương ái.