"Iris là nhà thiết kế mang tính cách mạng so với các đồng nghiệp trong ngành thời trang cao cấp", Vogue nhận định. Không chỉ tạo ra những xiêm y đầy thẩm mỹ, tên tuổi người Hà Lan còn ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng kết cấu phức tạp hay chi tiết hư ảo mà phương pháp truyền thống chẳng thể thực hiện. Váy áo của cô không ra đời nhờ vải vóc hay kỹ thuật may đo, thay vào đó là các công cụ như máy cắt laser, in 3D hay robot.

Hợp tác cùng một số nghệ sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư và nhà khoa học, Iris van Herpen gây ngỡ ngàng khi chế tác trang phục từ thủy tinh borosilicate, alumide, lưới acrylic, mảnh vụn nhựa, biopolymer... "Thông qua mô phỏng sinh học, tôi nhìn vào các lực đằng sau hình dạng trong tự nhiên để khám phá phom dáng mới. Tôi tiếp tục tự hỏi, liệu cảm xúc có thể được hiện thực hóa không? Tôi tin rằng có thể hợp nhất, khuấy động và tạo hình các giác quan chúng ta thông qua sự cân bằng nhạy cảm của kết cấu, hình dạng và màu sắc", tài năng 8X nói.

Iris-van-Herpen-6600-1720542796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fkWWA51U95CZknXIanB3sA

Nhà thiết kế Iris Van Herpen - bậc thầy ứng dụng công nghệ trong thời trang.

Định hướng khác biệt

Iris van Herpen sinh năm 1984 tại Hà Lan. Năm 2006, cô tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật ArtEZ, sau đó theo học một thời gian ngắn tại London dưới sự hướng dẫn của thiên tài dị biệt Alexander McQueen. Quá trình trau dồi từ McQueen và một nghệ sĩ tên Claudy Jongstra ở Amsterdam đã giúp cô định hình cách tiếp cận riêng trong thiết kế. Gần một năm sau, vào 2007, Iris van Herpen thành lập thương hiệu mang tên mình.

Từ những ngày đầu, nhà mốt luôn thúc đẩy sự giao thoa đa lĩnh vực giữa thiên nhiên, nghệ thuật, khoa học, khiêu vũ, kiến trúc và thời trang. Việc kết hợp chúng theo cách độc đáo và tiên phong là chìa khóa trong quá trình sáng tạo đặc biệt của Iris, được mô tả như mối liên kết không thể tách rời giữa kỹ thuật thủ công truyền thống và công nghệ hướng đến tương lai.

4 năm sau, nữ thiết kế gia nhập Liên đoàn Haute Couture tại Paris và đều đặn giới thiệu hai bộ sưu tập cao cấp mỗi năm trong khuôn khổ Paris Haute Couture Fashion Week. Năm 2012, Bảo tàng Groninger dành triển lãm lớn đầu tiên cho tác phẩm của cô. Nghệ thuật hiện thân do Iris sáng tạo được trưng bày cố định trong nhiều bảo tàng nổi danh thế giới như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York), Victoria & Albert (London), Palais de Tokyo (Paris). Khuynh hướng khoa học ở cô cũng dẫn đến sự hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), theo Business of Fashion.

Iris-van-Herpen-2010-9930-1720542796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nzas3TkBHLHBlwCPcnFJew

Trang phục in 3D đầu tiên của Iris van Herpen thuộc bộ sưu tập Crystallization năm 2010.

Đưa Haute Couture 3D lên sàn diễn

Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Iris van Herpen khi trình làng set đồ in 3D đầu tiên thuộc bộ sưu tập Crystallization, làm bằng polyamide, da dê và tấm acrylic trong suốt được cắt laser. Từ 2011, cô đi sâu hơn vào lĩnh vực thiết kế 3D, tìm hiểu quy trình chế tác nhiều vật liệu nhằm hiện thực hóa vô số ý tưởng đang nhảy múa trong đầu. Chẳng hạn, alumide - hỗn hợp của polyamide và bột nhôm - đem tới sự linh hoạt mà Iris nhọc công kiếm tìm, tạo nên hình thái chuyển động mượt mà tựa nước chảy mây trôi.

Áp dụng kỹ thuật đó vào bộ sưu tập ở Paris Haute Couture Fashion Week 2011, êkíp Iris mất gần 42 giờ để hoàn thành một tác phẩm với quá trình in gồm hàng nghìn lớp ghép lại với nhau. Nhờ tính đột phá về cả thẩm mỹ lẫn công nghệ, nó được tạp chí Time vinh danh là một trong những sáng tạo tuyệt vời nhất năm.

Trong chuyến thăm CERN hồi 2014, Iris tham quan máy gia tốc hạt mạnh nhất thế giới Large Hadron Collider, tạo ra từ trường mạnh hơn của Trái đất khoảng 100 nghìn lần. Vô số nam châm và thiết bị điện tử được kết nối với nhau bằng hệ thống dây điện mã hóa màu. Với Iris, đó là thứ đẹp nhất cô từng thấy. "Nó khiến tôi choáng ngợp. Cấu trúc trông như một khối lego khổng lồ. Vật liệu rất đơn giản, nhưng những gì nó nghiên cứu lại quá đỗi phức tạp. Tôi cảm thấy bị mê hoặc", nữ thiết kế bộc bạch.

Một số kiến thức về máy gia tốc hạt được Iris van Herpen đưa vào bộ sưu tập Xuân Hè 2015 mang tên "Chuyển động từ tính". Những chiếc đầm trong suốt làm từ lưới acrylic cắt laser lơ lửng quanh cơ thể người mẫu gợi liên tưởng đến sự rung chuyển của trường lực. Hợp tác cùng nhà thiết kế đồng hương Jolan van der Wiel, cô tạo ra những đôi giày từ nhựa trộn mạt sắt bằng phương pháp tác động lực từ, làm biến dạng bề mặt trong khi vật liệu vẫn đang nóng chảy.

Iris-van-Herpen-SS-2017-Haute-2962-4351-1720542796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-4e7RKLDV_pMAvcDLqvpmQ

Tác phẩm thuộc bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2017 pha trộn perspex và polyurethane, tạo hiệu ứng như bong bóng trong suốt trên da, tốn 1.200 giờ để hoàn thiện.

Những công nghệ nâng tầm thời trang

Cắt laser và cắt tia nước

Bên cạnh kỹ thuật in 3D gắn liền tên tuổi Iris van Herpen, cắt laser và cắt tia nước là hai phương pháp thường thấy trong sự nghiệp của cô nhưng luôn được ứng dụng đầy biến hóa. Chẳng hạn, thiết kế Aeriform có nhiều quả cầu trắc địa chất liệu thép mạ kẽm cắt bằng tia nước. Bộ sưu tập này lấy cảm hứng một phần từ CERN và câu hỏi về năng lượng phát sinh bởi gia tốc hạt. Còn xiêm y Magnetosphere, nữ nghệ sĩ dùng mảnh vụn nhựa và cắt bằng tia laser để tạo nhiều lớp ren huyền ảo.

Ép nhiệt

Với tác phẩm Splash Dress, một tấm plexiglass được Iris tạo hình thủ công giống chất lỏng đang chuyển động. Cô sử dụng kìm để cắt, uốn, kéo giãn và định hình vật liệu, mang đến hiệu ứng thị giác như sóng vỗ sau vai.

Thổi thủy tinh

Chất liệu mẫu váy Dimensionism là borosilicate - một loại thủy tinh có khả năng chịu nhiệt cao. Nó được tạo hình và thực hiện dưới sức nóng của ngọn lửa.

Kỹ thuật robot

Năm 2015, Iris sử dụng ba cánh tay robot để in và dệt trực tiếp một chiếc đầm trên cơ thể diễn viên Game of Thrones Gwendoline Christie, trong khuôn khổ Paris Fashion Week Xuân Hè 2016. "Quy trình thực tế kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau: cắt laser, dệt thủ công và in 3D", cô cho hay.

Cảm biến và công nghệ tương tác

Màn tích hợp này là một yếu tố thú vị trên thiết kế của Iris. Nhờ đó, trang phục có thể phản ứng với môi trường xung quanh hoặc thay đổi màu sắc, hình dạng khi được kích hoạt bởi ánh sáng, nhiệt độ.

Iris-van-Herpen-Fall-2022-Haut-1535-6797-1720542796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=apKBytIBGXSI_MPYQ2phWw

Một tuyệt phẩm nằm trong bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 2022.

PolyJet

Năm 2018, nữ nghệ sĩ hợp tác cùng Đại học Công nghệ Delft để vận hành một quy trình có khả năng in đồng thời nhiều loại vật liệu khác nhau, được gọi là PolyJet. Kỹ thuật này cho phép in 3D trực tiếp lên vải tulle họa tiết hình cánh hoa 0,8 mm.

In bằng vật liệu thân thiện môi trường

Ngành công nghiệp dệt may, trong đó có thời trang cao cấp, thuộc top những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Nhận thức được tác động từ lĩnh vực của mình, Iris Van Herpen tìm kiếm các vật liệu thay thế. Cô kết hợp chất thải nhựa, khám phá nhiều loại vải hữu cơ, có thể phân hủy sinh học.

Ở dự án năm 2022 mang tên Singularity, Iris hợp tác Eric Klarenbeek và Maartje Dros để phát triển một phương pháp công nghệ sinh học, in 3D các chất hữu cơ như tảo và sợi nấm. Cú bắt tay này tạo ra một số trang phục chất liệu vỏ hạt cacao, được chuyển đổi thành biopolymer và in dưới dạng sợi. Ngoài ra, tác phẩm Metamorphism cũng được sáng tạo từ vải lá chuối.

Tầm nhìn tương lai

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, Iris van Herpen đang mở ra một chương mới cho thời trang, biến mỗi xiêm y thành tác phẩm nghệ thuật vượt qua giới hạn thông thường. Cô ấp ủ nhiều ý tưởng độc đáo và liên tục theo dõi từng bước tiến trong kỹ thuật in 4D, hứa hẹn tạo thêm những điều kỳ diệu.

bo-suu-tap-iris-van-herpen-haute-couture-thu-dong-2022-1720581607.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=V3U7lQgQcXwnAsFBGWUwDg
Bộ sưu tập Iris van Herpen Haute Couture Thu Đông 2022

Loạt thiết kế Iris van Herpen Haute Couture Thu Đông 2022

Giang Myt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022