Theo The Value, ở phiên do Phillips tổ chức tại Hong Kong hôm 23/5, Patek Philippe Reference 96 Quantieme Lune (gọi tắt: Ref 96) được mua với giá cao gấp đôi so với ước tính trước đó của các chuyên gia. Hãng đấu giá tiết lộ người mua là một nhà sưu tập người châu Á sống ở Hong Kong.
Đồng hồ của Phổ Nghi được đấu giá. Ảnh: The Value
Ref 96 được bán tại một cửa hàng xa xỉ phẩm ở Paris hồi tháng 10/1937, tuy nhiên giới nghiên cứu chưa thể xác thực cách thức nhà vua có được chiếc đồng hồ. Thiết kế là mẫu Patek Philippe đầu tiên được trang bị vỏ Calatrava, có chu kỳ mặt trăng và lịch ba chức năng: Hai cửa sổ hiển thị thứ trong tuần và tháng, một kim dài ở giữa hiển thị ngày. Chỉ có tám tác phẩm tương tự, trong đó ba chiếc có cấu hình giống nhau.
Ref 96 gắn bó với Phổ Nghi trong thời kỳ trị vì Mãn Châu Quốc và 5 năm ông bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ, giam cầm trong trại tù binh ở Siberia. Theo lời cháu trai của Phổ Nghi, trước khi vua được dẫn độ về Trung Quốc năm 1950, ông tặng đồng hồ cho Georgy Permyakov, bạn thân đồng thời là người phiên dịch tiếng Nga của ông. Hai người từng có mối quan hệ thân tình.
Hoàng đế nhà Thanh, Phổ Nghi. Ảnh: The Value
Trước khi được đưa ra đấu giá, các chuyên gia của hãng mất ba năm khảo cứu nguồn gốc chiếc đồng hồ. Các nguồn khảo cứu chủ yếu gồm trung tâm nghiên cứu Art Discovery (Anh), hai nhà báo từng phỏng vấn Georgy Permyakov và Vương Văn Phong - học giả chuyên nghiên cứu về Mãn Châu Quốc.
Phổ Nghi sinh năm 1905, được đặt vào ngôi hoàng đế nhà Thanh khi ba tuổi. Năm 1912, Dân Quốc thành lập, Phổ Nghi bị buộc thoái vị nhưng theo Điều kiện ưu tiên mà hoàng thất nhà Thanh ký với chính phủ Dân Quốc, Phổ Nghi không phải bỏ đế hiệu và tiếp tục sống trong Tử Cấm Thành, sinh hoạt theo nếp cũ.
Sau khi bị đuổi khỏi cung, Phổ Nghi được Nhật Bản dựng lên làm người đứng đầu của nhà nước bù nhìn Mãn Châu quốc. Khi Nhật đầu hàng năm 1945, Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ trên đường chạy trốn sang Nhật. Ông bị giam cầm 5 năm trong trại tù binh ở Siberia. Năm 1950, Phổ Nghi được Liên Xô trao cho Trung Quốc và được đặc xá vào tháng 12/1959. Ông qua đời tại Bắc Kinh năm 1967.
Nghinh Xuân