Đây là trường hợp ghép da đồng loại được thực hiện sớm nhất kể từ khi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, theo BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó Khoa Bỏng - Chỉnh trực. Ghép da đồng loại là ghép da từ người hiến sang người nhận, khác với ghép da tự thân là lấy da từ chính bệnh nhân để ghép.
Em bé này được ghép da vào ngày thứ 5 sau nhập viện Nhi đồng 2. Trước đó, bé điều trị tại bệnh viện địa phương. Theo bác sĩ Ngà, khi vào Nhi đồng 2, tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch do mất nước, mất dịch và rối loạn điện giải nghiêm trọng, vùng bỏng lan rộng vùng cổ, ngực, bụng, lưng, mông, hai tay và hai đùi. Sau ba ngày điều trị hồi sức tích cực, tình trạng mất dịch vẫn kéo dài và diễn tiến phức tạp, đe dọa tính mạng trẻ. Các bác sĩ quyết định chỉ định ghép da đồng loại sớm - một kỹ thuật can thiệp đặc biệt nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục và kiểm soát nhiễm trùng.
Sau khi được ghép da từ mẹ, bé vượt qua giai đoạn nguy hiểm, tình trạng cải thiện rõ rệt, các vùng da ghép bắt đầu lành và phục hồi tốt.
"Thành công này đánh dấu bước tiến trong điều trị bỏng nặng tại bệnh viện", bác sĩ Ngà cho hay. Từ năm 2023 đến nay, bệnh viện thực hiện 10 ca ghép da đồng loại cho bệnh nhân bỏng nặng, bỏng diện rộng. Kỹ thuật này là một lựa chọn quan trọng khi diện tích vùng da lành quá ít, không đủ để ghép tự thân. Phẫu thuật ghép sớm cũng đòi hỏi tay nghề của bác sĩ cao hơn, rút ngắn thời gian bệnh nhân điều trị, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng huyết là biến chứng nguy hiểm hàng đầu khi bỏng nặng.

Bác sĩ Ngà hướng dẫn người nhà cách chăm sóc bé. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bỏng nước sôi là nguyên nhân hàng đầu gây bỏng nặng ở trẻ em nhập viện tại Nhi đồng 2. Tai nạn thường xảy ra khi người lớn nấu nướng, chế biến nước nóng hoặc đặt các vật dụng chứa chất lỏng nóng trong tầm tay trẻ. Như em bé trên bị bỏng do bình thủy chứa nước sôi đổ lên người.
Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không để trẻ nhỏ lại gần khu vực đang nấu ăn hoặc có nước sôi. Khi trẻ không may bị bỏng cần nhanh chóng đưa ra khỏi nguồn gây bỏng, làm mát vết bỏng và tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vùng tổn thương khoảng 15-20 phút. Nước sạch giúp giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá để làm mát da cho trẻ.
Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giày, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề. Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch. An ủi trẻ, cho uống nước và đặt ở tư thế nằm. Vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp nặng hơn, ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Lê Phương