Có 20 trọng tài chính trong tổng số 26 người mắc sai sót, chiếm tỷ lệ lên đến 77% ở V-League 2019. Số trợ lý trọng tài mắc lỗi trong mùa giải này cũng lên tới 20/33 người, chiếm 61%. Còn với Hạng Nhất Quốc gia 2019, tỷ lệ sai sót tương tự lần lượt ở mức 74% và 36%.

Đây là một trong những thống kê hiếm hoi về trọng tài được công bố rộng rãi. Những năm qua, từ các thông số chuyên môn cho tới án phạt kỷ luật về các trọng tài đều được Ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giữ kín một cách tối đa.

Nhưng bằng những tình huống được thể hiện rất rõ ràng trong các mùa giải, vấn đề trọng tài vẫn chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Những pha xử lý sai sót, mắc lỗi của “ông vua áo đen” vẫn luôn xuất hiện, thậm chí diễn ra theo những cách khó tin nhất qua mỗi vòng đấu.

Vì sao trọng tài V-League gặp vấn đề?

VFF khẳng định: “Các trọng tài mắc sai lầm về chuyên môn thì bị kỷ luật theo đúng quy chế. Chúng tôi khẳng định không có trọng tài nào bị vấn đề về tư tưởng. VFF luôn có sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề trọng tài.”

Nếu đúng như chia sẻ từ cơ quan đứng đầu bóng đá Việt Nam, vấn đề của trọng tài thuần túy thuộc về chuyên môn và khả năng xử lý tình huống. Song, vậy tại sao vấn đề được tìm ra nhưng không có phương hướng giải quyết?

time4737.jpgBóng đá Việt Nam chỉ có 3 trọng tài FIFA khi ông Nguyễn Mạnh Hải đủ điều kiện sau đồng nghiệm Ngọc Hà và Duy Lân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo kế hoạch được định hình nhiều năm nay, các trọng tài có hai đợt tập huấn vào trước và giữa mùa giải nhằm rút kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn. Mỗi đợt tập huấn diễn ra từ 6 đến 7 ngày, trong đó “ông vua áo đen” được kiểm tra, tập huấn và trau dồi kinh nghiệm trên mọi mặt như thể lực, chuyên môn cho đến tâm lý.

Cũng theo báo cáo mỗi năm từ VFF, mỗi đợt tập huấn này đều đạt chất lượng chuyên môn cao, tăng cường chuyên môn của các trọng tài cũng loại ra những người chưa đạt được yêu cầu theo những tiêu chí được đặt ra bởi FIFA. Tuy nhiên, phải chăng cách làm cũ này chưa đem lại hiệu quả bởi các tình huống sai sót vẫn diễn ra?

Cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cùng với nhiều lần đứng lớp giảng dạy trực tiếp cho các trọng tài, đã chỉ ra một số vấn đề cơ bản.

Theo ông Tấn, cách làm của VFF về mỗi đợt tập huấn trọng tài là hợp lý, bởi nhiều giải đấu trên thế giới thậm chí không có những đợt rà soát công tác trọng tài như vậy. Tài liệu tập huấn trọng tài giờ đây cũng rất phong phú, được FIFA chuyển tới các liên đoàn bóng đá quốc gia đầy đủ. Phương tiện giúp các trọng tài hình dung nắm bắt các tình huống khó cũng đã nhiều, vô cùng tiện lợi.

Tuy nhiên, việc làm sao để chọn lọc và bồi dưỡng được ra những trọng tài chất lượng là cả vấn đề. Ông Tấn cho biết không phải trọng tài nào cũng cầu tiến và chủ động nâng cao năng lực chuyên môn. Chính vì vậy, số lượng trọng tài đạt chuẩn FIFA của bóng đá Việt Nam còn ít hơn với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa cần so sánh với thế giới. Bản thân trọng tài cũng phải có tinh thần, trách nhiệm nghề nghiệp và chủ động cải thiện chuyên môn để xử lý những tình huống chuẩn xác.

trong_tai.jpegỞ mỗi mùa giải, Ban trọng tài VFF có hai đợt tập huấn, kiểm tra và nâng cao trình độ chuyên môn. (Ảnh: VFF)

“Không phải trọng tài nào mong muốn phát triển với nghề. Nhiều người chỉ coi đây là công việc kiếm tiền để nuôi gia đình. Khi đã đạt đến mức cần thiết, nhiều người không còn động lực phấn đấu. Ở nhiều buổi đi học, tập huấn, mọi người không còn quan tâm, nghĩ rằng bản thân đã nắm kỹ hết vấn đề và thản nhiên ngồi làm việc khác,” một trọng tài giấu tên nói.

Bên cạnh đó, Ban trọng tài VFF cũng cần nâng cao khả năng xử lý, phân tích tình huống. Không phải tình huống nào xử ký sai, trọng tài cũng đáng bị chỉ trích. Nhiều tình huống khó, trọng tài chính xử lý sai về kỹ thuật nhưng cần được cảm thông và phân tích đúng mực để có được sự bảo vệ cần thiết.

“Trọng tài bắt sai nhưng Ban trọng tài VFF cần phân tích kỹ và đúng để tránh lặp lại. Chúng ta cũng cần xây dựng một môi trường bóng đá văn minh để những sai sót ở mức không quá đáng của trọng tài được chấp nhận là một phần của cuộc chơi,” cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn cho hay.

VAR có phải lối thoát?

Theo chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải, công nghệ VAR sẽ là cứu cánh cho vấn đề trọng tài ở V-League. Khi các tình huống bóng và diễn biến trên sân ngày một nhanh khiến trọng tài không theo kịp tình huống, công nghệ mới giúp xử lý và phán đoán chính xác hơn.

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải cũng cho biết thêm: “Nếu giải đấu chưa thể có VAR, Ban tổ chức V-League có thể xem xét đưa thêm hai trọng tài nhằm giám sát khu vực cầu ngôn của hai đội. Đó cũng là cách châu Âu đã làm trước khi áp dụng công nghệ VAR.”

Đây cũng là phương án được nhiều chuyên gia bóng đá nội đề cấp đến mỗi khi công tác trọng tài V-League 2022 gặp vấn đề.

vnphanoivshagl5.jpgCông nghệ VAR là giải pháp cần thiết cho vấn đề trọng tài tại V-League 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ với Báo Điện tử VietnamPlus, lãnh đạo Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF - đơn vị điều hành giải V-League - cũng khẳng định rất nỗ lực cải thiện công tác trọng tài bởi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới cả chuyên môn và hình giải giải đấu. Trong kế hoạch ấy, công nghệ VAR đã được tính tới và nỗ lực triển khai.

Tuy nhiên, trước khi có sự can thiệp của công nghệ, con người vẫn nắm vai trò chủ chốt nhất. Mà ở đó, Ban trọng tài VFF còn có giải pháp chọn lọc được ra những gương mặt ưu tú và xuất sắc nhất.

Cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn cho hay: “Bóng đá Việt Nam có lẽ cần phải chọn ra những ‘hạt giống đỏ,’ những trọng tài có triển vọng và không ngừng bồi đắp, hướng dẫn đặc biệt thay vì chỉ tạo điều kiện như bao người khác. Trọng tài trẻ, tiềm năng cần được sắl xếp làm việc với những người giỏi hơn trong các trận đấu lớn. Từ đó, lứa trẻ trưởng thành và ngày một bản lĩnh.”

Ngoài ra, vai trò của Ban trọng tài VFF cần được làm rõ. Trách nhiệm, vai trò của phòng ban đứng đầu hệ thống trọng tài Việt Nam cần được phải xem xét khi để xảy ra tình trạng tiếp diễn nhiều năm liền.

Nhiều chuyên gia bóng đá cũng cho rằng chính Ban trọng tài VFF cũng cần phải đổi mới, được nâng cao chất lượng từ quản lý đến chuyên môn./.

Hiển Nguyễn (Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022