"Bố mẹ sinh ra tôi, các bác sĩ đã tái sinh tôi, nên những năm qua tôi đón thêm một lần sinh nhật vào ngày 26/8 - ngày tôi được can thiệp ECMO 4 năm trước để trở về từ cõi chết", Hằng nói chiều 24/2, nhân dịp Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, ghi nhận những đóng góp của nơi này trong đại dịch Covid-19.
Hằng là trường hợp điều trị dài ngày nhất trong số hàng nghìn bệnh nhân tại Trung tâm Điều trị Covid-19 của Bệnh viện 175 vào năm 2021. Chị trải qua 91 ngày chiến đấu bệnh tật, trong đó 53 ngày can thiệp ECMO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) - vũ khí, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp nguy kịch do Covid-19.

Hằng cùng chồng con hội ngộ Diệp Hồng Kháng và bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung, tại Bệnh viện Quân y 175, ngày 24/2. Ảnh: Lê Phương
Hiện, con trai của chị đã gần 4 tuổi, nặng 20 kg, rất khôi ngô, lanh lẹ. Nhìn cậu bé rất khó biết được bé được sinh non lúc mới 28 tuần thai do mẹ mắc Covid, nặng 900 g, phải nằm săn sóc đặc biệt hơn một tháng tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Khi ấy, mắc Covid tháng 8/2021, chị Hằng mang thai 28 tuần, bệnh diễn tiến nặng dần, phải mổ bắt con tại Bệnh viện Trưng Vương rồi được bác sĩ áp dụng "ECMO mobile" để chuyển về Bệnh viện Quân y 175 điều trị Covid. Đây là hình thức cấp cứu di động trong các tình huống khẩn cấp, can thiệp tại chỗ cho bệnh nhân rồi mới chuyển viện.
Chị Hằng là trường hợp đầu tiên được dùng "ECMO mobile", bởi khi ấy tình trạng của chị rất nguy kịch, oxy máu rất thấp, nếu chuyển viện lắc lư trên xe cấp cứu cùng với máy thở thì có khả năng ngưng tim ngay. Với hàng loạt biến chứng nghiêm trọng, các bác sĩ phải dùng tất cả những thiết bị máy móc hiện đại nhất hồi sức, cùng rất nhiều kháng sinh, thuốc đắt tiền để cứu sống chị. Số tiền viện phí được bảo hiểm y tế chi trả cho chị lên đến hàng tỷ đồng.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 can thiệp ECMO điều trị bệnh nhân Covid, năm 2021. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
"Không biết diễn tả thế nào mới nói hết được tấm lòng của mình so với công ơn các y bác sĩ", Hằng nói. Chị từng tưởng không thể vượt qua vì "không thở được, giống như có ai bóp nghẹt cổ", đến mức đã sợ hãi nhắn tin trăng trối cùng chồng và người thân. Nhờ sự động viên của y bác sĩ, chị thêm quyết tâm vượt qua những tháng ngày đau đớn giày vò khủng khiếp với vô vàn sóng gió.
Khi xuất viện về nhà, con gần 4 tháng tuổi đã được làm giấy khai sinh và đặt tên. Chị nuôi ý định nếu sinh con thứ hai, sẽ đặt tên con là Huỳnh Ân Chung Kháng, ghép từ tên các bác sĩ có nhiều công lao điều trị cứu sống chị, gồm Vũ Đình Ân (Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực), Diệp Hồng Kháng (Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực) và bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung. Cái tên này còn có ý nghĩa tri ân, nhớ ơn các y bác sĩ đã chung tay chống dịch, cứu giúp gia đình.
Cùng với Hằng, những sản phụ từng nguy kịch, phải can thiệp ECMO khi điều trị Covid thời đại dịch, nay cũng cùng chồng con đến hội ngộ các bác sĩ. Trong đó, chị Thu Trinh và chị Ngọc Hoài - hai người từng dùng chung máy ECMO cuối cùng, cũng hồi phục. Vợ chồng chị Thu Trinh đặt tên con là Huỳnh Diệp Chung Ân, vừa tri ân y bác sĩ, vừa gửi gắm hy vọng "không cần con sau này làm nghề bác sĩ nhưng mong nên người, có tấm lòng nhân ái như các bác sĩ".
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá cao những đóng góp, đổi mới, đột phá của Bệnh viện Quân y 175 trong chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, y tế biển đảo, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đặc biệt là trong chống dịch Covid. Giữa "cuộc chiến" cam go ấy, Khoa Hồi sức tích cực là nơi đầu sóng ngọn gió, với các y bác sĩ tuyến đầu đã rời xa gia đình để lao vào tâm dịch cứu người, gắng làm việc gấp đôi, gấp ba và có những sáng kiến cải tiến mang tính lịch sử. Bệnh viện từng thần tốc lập Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và vừa với quy mô 200 giường chỉ trong vòng 48 giờ, sau đó nâng lên 350 giường và lên 500 giường.

Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, chiều 24/2. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thiếu tướng Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, bày tỏ lòng biết ơn về sự ghi nhận những thành tích y bác sĩ bệnh viện đã đạt được trong chống dịch. Đây là động lực để nơi này tiếp tục phấn đấu, xây dựng bệnh viện thành một quần thể y tế đa năng chuyên sâu, hiện đại, ngang tầm khu vực cũng như quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh với kỹ thuật tiên tiến hiện đại và dịch vụ tốt nhất.
Lê Phương