Không ít người khi muốn vắc xin HPV thường thắc mắc: loại vắc xin này được tiêm vào đâu, tiêm như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất? Dù là câu hỏi nhỏ, nhưng hiểu rõ vị trí tiêm sẽ giúp quá trình tiêm phòng diễn ra an toàn, đúng kỹ thuật và hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Vắc xin HPV được tiêm vào vị trí nào trên cơ thể nữ giới?
Vắc xin HPV được chỉ định tiêm bắp, không tiêm dưới da hay tiêm mông. Hai vị trí được cụ thể được khuyến cáo khi tiêm vắc xin HPV cho nữ giới bao gồm:
Tôi chọn CÁCH NÀY để bảo vệ con gái mình khỏi ung thư cổ tử cung: Tâm sự của một bà mẹ có con gái 13 tuổi
- Cơ delta (cơ vai) - nằm ở phần trên của cánh tay: Đây là vị trí phổ biến nhất, dễ tiếp cận, ít gây đau và thường được lựa chọn cho người trưởng thành và thanh thiếu niên. Thường tiêm vào tay không thuận.
- Cơ đùi (cơ vastus lateralis, phía trước bên của đùi): Là lựa chọn thay thế trong trường hợp không thể tiêm vào tay, thường áp dụng cho trẻ nhỏ hoặc người có vấn đề tại chi trên hoặc chỉ định riêng từ bác sĩ.
Như vậy, việc lựa chọn tiêm ở bắp tay hay đùi khi tiêm vắc xin HPV là phụ thuộc vào thể trạng, độ tuổi của người được tiêm. Nên nếu có vấn đề sức khỏe hay bất tiện nào ở 2 vùng này, cần thông báo cho nhân viên y tế trước khi tiêm.

Vị trí tiêm ảnh hưởng thế nào tới quá trình, hiệu quả của vắc xin HPV?
Tiêm đúng vị trí giúp mỗi loại vắc xin phát huy hiệu quả miễn dịch tối ưu và giảm nguy cơ phản ứng phụ tại chỗ của nó. Với vắc xin HPV, nó được thiết kế để hấp thu tốt qua mô cơ, nơi có nhiều mạch máu. Khi tiêm đúng vào cơ bắp (đặc biệt là cơ delta hoặc cơ đùi), vắc xin nhanh chóng đi vào hệ tuần hoàn và kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Đồng thời hạn chế các tác dụng phụ.
Trong đó, tiêm bắp tay thường được ưu tiên hơn vì dễ xác định vị trí, thuận tiện khi tiêm và theo dõi, có ít mô mỡ, vắc xin hấp thu nhanh hơn. Cũng ít gây đau hoặc sưng kéo dài sau tiêm, giảm nguy cơ tổn thương mô hoặc dây thần kinh. Về nguyên tắc, vắc xin HPV có thể tiêm vào bất kỳ bên tay nào. Tuy nhiên, các chuyên gia thường khuyên nên tiêm vào tay không thuận để hạn chế bất tiện trong sinh hoạt vì vùng tiêm có thể đau, cứng hoặc hơi sưng nhẹ trong 1-2 ngày đầu.
Còn tiêm đùi thường với trẻ em (từ 9 tuổi trở đi), người có thể trạng gầy, cơ vai nhỏ, không rõ cơ delta. Hay người có tổn thương vùng vai (vết thương, sưng, đau..) hoặc yêu cầu đặc biệt của bác sĩ.
Trong khi đó, tiêm dưới da hoặc tiêm vào mông có thể làm giảm khả năng hấp thu của vắc xin, dẫn đến đáp ứng miễn dịch kém. Ngoài ra, vùng mông có nhiều mỡ và dây thần kinh, dễ gây biến chứng thần kinh, đau kéo dài, hoặc viêm tại chỗ tiêm.
Dù tiêm ở vị trí nào, cũng cần có sự phối hợp giữa nhân viên y tế và người được tiêm để hạn chế tối đa cảm giác khó chịu tại chỗ tiêm cũng như hiệu quả vắc xin. Sau khi tiêm, cần theo dõi tại chỗ 30 phút (hoặc dài hơn trong trường hợp đặc biệt) để xử lý kịp thời nếu có phản ứng nặng.