Ngày 8/12, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết bệnh nhân ngụ quận 8 vào viện với khối u ở lưỡi đã to, gây đau nhiều, nói khó, không rõ tiếng, sau 6 tháng kể từ khi có triệu chứng loét. Hạch đã di căn xuống dưới hàm phải.

Êkíp phẫu thuật cắt toàn bộ lưỡi, nạo hạch cổ. Nhờ tái tạo lưỡi bằng vạt cơ ngực có cuống mạch, bệnh nhân dần phục hồi khả năng nói và nuốt. Đến nay, khả năng nói của bệnh nhân phục hồi 50%.

e-ki-p-pha-u-thua-t-1733637545-6950-1733637661.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Pvt1ET01DXF-VYPUBoqkBA

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Phẫu thuật tái tạo lưỡi bằng vạt cơ rất phức tạp, yêu cầu trình độ và kinh nghiệm của kíp mổ, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa phẫu thuật viên, bác sĩ ung thư và đội ngũ chăm sóc phục hồi chức năng sau mổ. Kỹ thuật này giúp mở ra một cánh cửa mới cho các bệnh nhân bị ung thư lưỡi.

Theo bác sĩ Tiến, những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt và dễ bị bỏ qua, trong khi việc phát hiện sớm bệnh có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị. Do đó, khi gặp bất cứ triệu chứng bất thường ở lưỡi, má, hoặc bất cứ vị trí nào vùng khoang miệng... cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc, uống rượu, có thói quen quan hệ tình dục không an toàn... cần tầm soát ung thư lưỡi để có thể phát hiện sớm bệnh.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022