Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm đến 50%. Số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng tạo gánh nặng cho y tế và xã hội.
Tại Chương trình tổng kết công tác Hội và Hội nghị khoa học năm 2024 của Hội Nội khoa thành phố Hà Nội, các chuyên gia cho biết, cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có một người từng trải qua đột quỵ ít nhất một lần trong đời. Chỉ riêng năm 2023, toàn cầu ghi nhận 12,2 triệu người mắc đột quỵ mới và có tới 101 triệu người đang sống chung với di chứng do đột quỵ.
Người phụ nữ đột quỵ sau 5 ngày đau đầu. Ảnh: BVCC.
Đáng nói, các chuyên gia cho biết, nhiều người bị đột quỵ vào viện trong tình trạng nặng do chủ quan với những dấu hiệu thông thường như đau đầu, chóng mặt. Trên thực tế, trước đó không lâu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ sau khi bị đau đầu.
Cụ thể bệnh nhân nữ, 39 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu, khó nói, co giật. Theo lời kể người nhà, trước khi nhập viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu vùng trán, thái dương 2 bên, cảm giác bị chậm chạp hơn bình thường, không rõ sốt. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện huyện, được kê đơn thuốc về dùng, bệnh cải thiện ít.
Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, khi đang phơi quần áo, bệnh nhân bị ngã xuống đất, mắt mở, không nói được, gọi biết. Người nhà ngay lập tức gọi xe đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Theo các bác sĩ, đột quỵ từ những dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt không phải là hiếm. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ cũng từng tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân bị đột quỵ do chủ quan với dấu hiệu chóng mặt.
Cụ thể, tối hôm trước, bệnh nhân cảm thấy chóng mặt nhưng nghĩ bình thường nên vào giường nằm nghỉ. Sáng hôm sau người nhà phát hiện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê nên vội đưa vào viện. Đáng tiếc, trường hợp này vào viện quá muộn, dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã từ vong sau 3 ngày do đột quỵ não quá nặng.
Hay một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 72 tuổi, tối hôm trước bị liệt nhẹ, nói khó nhưng không đến viện, sáng hôm sau tỉnh dậy đã trong tình trạng lơ mơ. Vào viện qua chụp chiếu tình trạng xuất huyết nửa bán cầu não và quá giờ vàng điều trị. May mắn sau đó bệnh nhân vẫn được cứu sống nhưng bị liệt hoàn toàn.
Không chủ quan với những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Theo các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ có 2 dạng cơ bản: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), với các mức độ khác nhau, từ rất nhẹ (tự hồi phục, không di chứng) đến rất nặng (đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay).
Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng tàn phế rất nặng nề.
Tỷ lệ mắc đột quỵ ở người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 10-15%, dưới 50 tuổi là 15 - 20% trên tổng số các ca bệnh đột quỵ. Trên thế giới cứ 100.000 người dưới 50 tuổi thì có 15 người bị chảy máu não ít nhất 1 lần.
Các chuyên gia khuyến cáo, không chủ quan với những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Phạm Văn Cường – Khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện nay, có rất nhiều những quan điểm chưa đúng về đột quỵ, từ đó dẫn đến người bệnh mất cơ hội vàng điều trị và hệ lụy để lại là vô cùng nặng nề, thậm chí là tử vong.
Một trong số đó là việc chủ quan với những dấu hiệu đột quỵ tưởng chừng là thông thường. Chẳng hạn, khi bệnh nhân bị đột quỵ thường có những biểu hiện như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu… Chính những biểu hiện này nên nhiều người cho rằng người bệnh bị cảm và tiến hành đánh gió, cạo gió bằng nhiều cách. Tuy nhiên, việc cạo gió không có tác dụng khi bị đột quỵ mà nó chỉ làm mất thời gian vàng điều trị.
Hoặc một số trường hợp tự ý sử dụng các loại thuốc đông y. Với những người có tiền sử cao huyết áp hoặc bị đột quỵ thường gia đình luôn chuẩn bị sẵn một vài viên thuốc đông y đắt tiền để phòng và sử dụng khi cần.
Tuy nhiên, với đột quỵ não việc uống loại thuốc này không đúng sẽ không có tác dụng thậm chí có hại cho người bệnh. Chính việc cho uống thuốc và nghĩ uống thuốc tốt là sẽ khỏi bệnh sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan không đưa đi viện sớm, làm mất cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Cũng theo BS Cường, thực tế quá trình tiếp nhận, các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng sống mũi, thái dương bị đỏ do cạo gió; đầu ngón tay tổn thương do châm kim chảy máu; hay có trường hợp răng vàng khè do dùng thuốc đông y…Với những trường hợp này thường cơ hội hồi phục hoàn toàn là rất khó, do mất thời gian vàng điều trị.
Các chuyên gia khuyến cáo, đột quỵ não có 2 nhóm nguyên nhân chính, thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được đó là bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa.
Thứ hai là nhóm có thể thay đổi được đó là liên quan đến lối sống, cách sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, thức khuya, lười vận động. Nhóm này các bạn trẻ mắc rất nhiều, do vậy cần phải thay đổi để phòng tránh đột quỵ não nói riêng và các bệnh lý khác nói chung.
Quy tắc F.A.S.T để nhận biết một người có dấu hiệu đột quỵ:
- Face (Khuôn mặt): Mặt có những dấu hiệu khác thường như cười méo miệng, rối loạn thị lực.
- Arm (Tay): Tay và chân mệt mỏi khó cử động.
- Speech (Lời nói): Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.
- Time (Thời gian): Bạn cần gọi cấp cứu càng nhanh càng tốt. Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên (lệch mặt, yếu chân tay, nói khó) hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay không trì hoãn.
Hãy gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng bệnh nhân hôn mê. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng cho phép có thể vận chuyển bằng bất cứ phương tiện nào sẵn có để có thể chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về đột quỵ.