"Bắt pen" để tìm cảm giác "phê"

Trên mạng xã hội Tiktok xuất hiện video về một nhóm nam sinh trung học thực hiện trào lưu "bắt pen", thu hút hơn 100 nghìn lượt xem và rất nhiều bình luận. Cụ thể, trong video, hành động "bắt pen" được các nam sinh thực hiện bằng cách một nam sinh dùng tay ấn mạnh vào hai mạch cảnh tại vùng cổ của một nam sinh khác. Vài giây sau, nam sinh bị ấn mạch rơi vào tình trạng lơ mơ và chỉ tỉnh lại khi được các bạn tát.

Được biết nhóm nam sinh trên thực hiện trào lưu "bắt pen" để tạo ra cảm giác "phê". Sau đó, rất nhiều video khác thực hiện theo hành động "bắt pen" này được thực hiện và xuất hiện trên nền tảng Tiktok. Từ khóa "bắt pen" được lên xu hướng tìm kiếm một cách nhanh chóng. Đa số các video được thực hiện bởi các học sinh nam mà không cần biết việc làm này liệu có an toàn hay không.

bat-pen-3-17289159993411685643996.jpg

Các nam sinh đang thực hiện trào lưu "bắt pen"

"Bắt pen" có thể nguy hiểm đến tính mạng

Bất kì trào lưu nào xuất hiện trên mạng xã hội cũng thu hút được đông đảo người thực hiện, tuy nhiên, không phải trào lưu nào cũng an toàn cho sức khỏe cũng như tính mạng của người tham gia. Trào lưu "bắt pen" cũng vậy. Dù một số video có đưa ra khuyến cáo "không được thử tại nhà với mọi hình thức" thì cũng chưa đủ để khiến những người có tính tò mò dừng lại. Chính vì điều này mà trò "bắt pen" càng lan rộng. Càng nhiều người không đủ kiến thức thực hiện, số người có thể gặp nguy hiểm càng tăng.

  • Xem video 2 nam sinh thực hiện 1 trào lưu lạ, bác sĩ sốc, nhận định "cực kỳ nguy hiểm"Đọc ngay

Theo các chuyên gia y tế, trào lưu "bắt pen" là việc làm nguy hiểm, cần phải ngăn chặn trên MXH vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Bản chất của hành động này là chặn động mạch cảnh 2 bên gây thiếu máu não, gây tắc nghẽn mạch cảnh 2 bên tạo cảm giác lâng lâng, gây "phê" giả. Chia sẻ trên trang Đời sống và Pháp luật, Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, khẳng định đây là một trào lưu cực kỳ nguy hiểm tới tính mạng, có thể gây tử vong nhanh chóng, mọi người tuyệt đối không nên thử.

Theo bác sĩ Mạnh, hành động "bắt pen" - dùng tay ép mạch có thể gây tắc mạch máu. Mạch máu rất mềm, chỉ cần tìm đúng mạch và dùng tay ấn nhẹ thì máu sẽ ngừng lưu thông. Trong cấp cứu, trường hợp bị chảy máu, khi nhấn đúng vào mạch, máu cũng sẽ dừng chảy.

Hiện tượng thiếu máu não đột ngột này sẽ khiến con người rơi vào tình trạng mê man. Đây cũng là lý do nam sinh có cảm giác ngất ngây và bạn bè phải tát để tỉnh lại. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm giác giả, rất nguy hiểm. Nếu ấn lâu vào 2 động mạch cảnh thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi. Ngoài ra, ấn vào mạch máu nhiều lần cũng sẽ gây dập mạch, hình thành huyết khối và tăng nguy cơ đột quỵ não.

bat-pen-1-1728915999395821144356.jpgbat-pen-2-17289159993731592125868.jpg

"Phần lớn lượng máu nuôi não sẽ được vận chuyển qua 2 mạch cảnh trái và phải ở cổ. Thực hiện ấn cổ vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu vào 2 động mạch cảnh thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi", PGS. TS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam cho biết.

Với những người có bệnh nền về tuần hoàn máu, khi thực hiện động tác "bắt pen" sẽ dễ hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ bị đột quỵ.

CDC Hà Nội lên tiếng cảnh báo về trào lưu "bắt pen" ở giới trẻ

Ngày 14/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã đưa ra cảnh báo về trò chơi nguy hiểm chết người của giới trẻ, đó là "bắt pen". Cụ thể, CDC Hà Nội thông tin, "bắt pen" không phải là môn thể thao có liên quan tới bóng đá, hiện là một trào lưu đang được lan truyền trên mạng xã hội Tiktok, khi chơi trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc "phê pha giả tạo".

Nguyên nhân sâu xa của trào lưu "bắt pen" là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt. Tuy nhiên cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm không thể lường trước được.

bat-pen-4-17289161671171462931547.jpg

Một số tác hại của trào lưu "bắt pen" có thể kể đến như sau:

- Thiếu máu não: Nếu thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.

- Ngưng tim: Hành động "bắt pen" có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột.

- Chấn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ: Áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh, mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh.

- Trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.

Như vậy, khi tham gia hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội thì người dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình, xã hội lên trên hết.

Không chỉ trò "bắt pen" gây nguy hiểm tính mạng, trên nền tảng xã hội Tiktok còn có không ít trò chơi hay thử thách là xu hướng nhưng không hề an toàn. Thậm chí đã có người tử vong khi tham gia thử thách. Ít nhất 7 trẻ em, tất cả đều ở độ tuổi dưới 15, đã thiệt mạng sau khi thực hiện theo một thử thách "Blackout" (bất tỉnh) nguy hiểm được lan truyền trên nền tảng Tiktok. Hay như thử thách "Skull-Breaker Challenge" (thử thách đập hộp sọ) cũng nguy hiểm không kém. Cơn sốt này được cho rằng bắt nguồn từ Venezuela với "cách chơi" là mọi người cùng nhảy múa, đến đoạn giữa video một người sẽ giả vờ vấp ngã và đập đầu mình xuống đất. Thử thách tách lõi ngô bằng cách cắm ngô vào mũi khoan, đắp mặt nạ bằng sáp, giũa răng... được rất nhiều người tham gia nhưng theo các chuyên gia y tế chúng đều là những việc làm thực sự có hại mà mọi người nên tránh thì tốt hơn.

Xuất hiện vào năm 2016, nền tảng video ngắn Tiktok đến nay đã trở thành mạng xã hội hot nhất hành tinh. Tuy nhiên, người dùng nên chọn lọc thông tin khi sử dụng và tránh làm theo các xu hướng khi chưa biết chính xác mức độ an toàn của nó đến đâu.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022