Loại cá miền Tây ăn một lần nhớ cả đời, giàu canxi, tốt cho xương khớp
Vào mỗi mùa nước nổi (từ tháng 9 đến tháng 11), vùng đất miền Tây Nam Bộ được thiên nhiên ban tặng một món quà đặc biệt, đó là: Cá linh.
Cá linh chỉ xuất hiện vào thời điểm nước đổ về, tuy nhỏ bé nhưng xương mềm, thịt ngọt, và bụng béo ngậy. Cá linh đầu mùa là ngon nhất, khi xương cá còn mềm và dễ ăn. Từ cá linh, biết bao món ăn đặc sản, nổi tiếng thơm ngon được làm ra, như lẩu cá linh bông điên điển, cá linh chiên giòn chấm mắm me, cá linh nhúng giấm, cá linh kho mía...
Theo ThS.BS Đặng Ngọc Hùng (Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng), cá linh là một nguồn canxi dồi dào, rất tốt cho những ai loãng xương hoặc có nhu cầu bổ sung canxi. Đặc biệt, khi chiên giòn hoặc nấu canh chua, bạn có thể ăn được cả xương cá, như vậy sẽ hấp thụ tối đa lượng canxi có trong chúng.
Cá linh không chỉ giàu canxi mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như protid, lipid, sắt, vitamin A, B1, B2, B6, giúp bổ sung năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể.
Theo Đông y, cá linh có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng kiện tỳ, lợi thủy, hóa đàm, thanh nhiệt và thông khí huyết.
Món ăn, bài thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe từ cá linh
1. Chữa chứng suy nhược ăn ngủ kém
Cá linh nấu canh chua: Cá linh, cà chua, bông chuối, dứa, rau ngổ, rau đắng, ớt, gia vị vừa đủ, nấu canh ăn tuần vài lần. Công dụng bổ tỳ vị, thông ứ, hóa đàm...; còn dùng chữa cảm sốt, ho khan, sỏi mật, sỏi thận, viêm tiết niệu.
2. Chữa tỳ hư ăn không ngon
Cá linh kho tương hột gồm cá linh, nấm hương, hành khô, tương hột, mắm, muối gia vị vừa đủ kho ăn kèm với rau kinh giới, tía tô, rau thơm. Công dụng kiện tỳ khai vị tiêu đàm, lợi thấp... bài thuốc còn dùng chữa cho trẻ em, người lớn thể lực giảm sút.
3. Chữa chứng váng đầu chóng mặt do tăng huyết áp
Lẩu cá linh: cá linh, cà chua, me, dứa, bông súng, nấm rơm, bắp chuối, giá đậu, rau đắng, rau ngổ, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn... Công dụng kiện tỳ hóa thấp, an thần lợi tiểu tiện...; còn dùng chữa chứng phù, tiểu khó, tiểu buốt, rắt.
4. Chữa phụ nữ sau sinh ăn kém, ít sữa
Hóa ra 4 loại rau của người Việt chính là "thuốc bổ thận tự nhiên", ai biết tận dụng ắt khỏe mạnh, không lo suy thận, sỏi thận
Cá linh kho nghệ: Cá linh, nghệ, thịt giò heo, hành, tiêu, đường, mắm gia vị vừa đủ, kho ăn. Công dụng kiện tỳ hóa thấp thông nhũ...; còn dùng chữa tỳ hư bụng đầy, chậm tiêu.
5. Chữa chứng thiếu máu ăn kém
Cá linh tẩm bột trứng chiên giòn: Cá linh loại nhỏ, trứng gà, hành tây, bột gạo, dầu ăn, gia vị vừa đủ chiên ăn. Cá làm sạch, khoai xắt lát, tẩm bột gạo, trứng chiên giòn ăn kèm rau kinh giới, tía tô, húng quế, xà lách, dưa leo, rau thơm. Công dụng kiện tỳ bổ khí huyết khai vị...; còn dùng chữa trẻ em, người lớn tỳ vị hư khó lên cân.
Lưu ý khi ăn cá linh
Mặc dù cá linh là món ăn bổ dưỡng và được ưa chuộng trong mùa nước nổi, nhưng khi tiêu thụ loại cá này, bạn cũng cần lưu ý một số điều để đảm bảo sức khỏe:
- Cá linh thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11, khi cá còn nhỏ, xương mềm và thịt ngọt. Cá linh ngoài mùa có thể không đạt chất lượng tốt nhất về độ tươi ngon và dinh dưỡng.
- Cá linh giàu dinh dưỡng, nhưng như bất kỳ thực phẩm nào, tiêu thụ quá mức có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Đặc biệt, do cá linh chứa lượng chất béo tương đối cao, nếu ăn quá nhiều có thể gây khó tiêu, đặc biệt đối với những người có hệ tiêu hóa yếu.
- Một số người có cơ địa dễ dị ứng với hải sản, kể cả cá nước ngọt như cá linh. Nếu bạn hoặc người thân có tiền sử dị ứng, cần thử một lượng nhỏ trước khi ăn nhiều để đảm bảo an toàn.
- Cá linh tươi ngon nhất khi chế biến ngay sau khi mua về. Nếu cần bảo quản, bạn nên để cá trong ngăn đông, không nên để quá lâu ở nhiệt độ thường để tránh cá bị ôi, mất đi độ ngon và dinh dưỡng.
- Đối với người cao tuổi hoặc trẻ em, khi ăn cá linh chiên giòn hoặc nấu canh chua, nên cẩn thận khi ăn vì dù xương cá mềm, nhưng vẫn có nguy cơ hóc nếu không nhai kỹ.
- Cá linh giàu purin, nên không phù hợp với những người bị bệnh gout hoặc có nguy cơ mắc gout cao. Do đó, người bệnh này nên hạn chế tiêu thụ để tránh làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
(T/h)