Nhồi máu não là tình trạng bệnh lý xảy ra khi động mạch não bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn dẫn tới lưu lượng máu tới não giảm đột ngột và nếu tình trạng này kéo dài mà không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng hoại tử não do thiếu oxy và glucose.
Nhồi máu não thường liên quan tới xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Trong đó, người bị cao huyết áp trên 140/90 mmHg có nguy cơ tai biến mạch máu não cao gấp 4 lần so với người có huyết áp bình thường.
Tùy thuộc vào vùng mạch máu bị tắc nghẽn mà triệu chứng của nhồi máu não sẽ có sự khác biệt. Ngoài liệt một nửa dưới của một bên mặt với miệng méo sang một bên, thay đổi giọng nói (nói lắp, khó nói), mất cảm giác nửa người, thay đổi thị lực, đau đầu đột ngột, mất ý thức hoặc lú lẫn,... thì ngón tay trước khi cơn nhồi máu não xảy ra cũng có một số điểm đặc biệt, theo Sohu.
Ảnh: Freepik
Người bị huyết áp cao nên chú ý hơn đến ngón tay của mình, nếu có hai dấu hiệu bất thường dưới đây thì cần cẩn thận với nguy cơ xảy ra cơn nhồi máu não, nhất là khi biểu hiện ở tay kết hợp với các triệu chứng nhồi máu não kể trên:
1. Sự "phình ra" của mạch máu ở ngón tay
Nổi gân xanh ở ngón tay hay mu bàn tay có thể do thể trạng người có làn da quá mỏng hoặc cơ thể quá gầy nhưng cũng có thể có thể báo hiệu các vấn đề liên quan đến tĩnh mạch như viêm tĩnh mạch, suy tĩnh mạch hay huyết khối tĩnh mạch.
Phình mạch máu ở bệnh nhân tăng huyết áp có thể do tắc nghẽn mạch máu. Mạch máu bị tắc ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn máu, có thể khiến mạch máu "phồng lên" nổi rõ ở ngón tay và mu bàn tay.
Ảnh: BMC Neurology - BioMed Central
Tuần hoàn máu kém làm tăng rủi ro huyết khối tĩnh mạch, cản trở máu mang oxy và dinh dưỡng tới các cơ quan, mô và tay chân. Do đó, nếu bạn bị cao huyết áp và phát hiện mạch máu ở ngón tay và mu bàn tay phình ra đột ngột thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ mà không được trì hoãn.
2. Ngón tay tê cứng lại
Tê bì tay không phải là tình trạng hiếm gặp trong cuộc sống thường ngày. Một người có thể bị tê bì tay do bẻ, vặn ngón tay quá mức khi hoạt động liên tục trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi. Vấn đề này thường không quá nghiêm trọng và thường biến mất sau khi nghỉ ngơi đầy đủ.
Ảnh: Freepik
Tuy nhiên, ngón tay tê cứng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu não. Không chỉ ở người mắc bệnh cao huyết áp, ở hầu hết các trường hợp triệu chứng của nhồi máu não gây ra những ảnh hưởng tới sự linh hoạt của cơ thể, thường là một nửa người (bên trái hoặc bên phải). Trong đó, đối với bàn tay, sự tê bì và cứng ở các ngón tay đột ngột có liên quan mật thiết tới sự tắc nghẽn mạch máu, sự xuất hiện của các cục máu đông,...
Nếu tình trạng tê bì ngón tay kéo dài trên 2 tuần thì cần thăm khám sớm, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các kiểm tra như chụp CT não để quan sát xem mạch máu có các mảng bám hình thành không.
Nhồi máu não là tình trạng cần chăm sóc sức khỏe khẩn cấp. Nếu không được can thiệp sớm, người bị nhồi máu não phải đối mặt với nhiều di chứng như liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức, suy giảm thị lực, rối loạn đại tiểu tiện và nguy hiểm nhất là mất mạng.
Nguồn: Sohu