Theo TS.BS Kiều Xuân Thy, Phó Trưởng Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương đột ngột do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, khiến máu không thể cung cấp đủ oxy và dưỡng chất đến các tế bào não, khiến vùng não liên quan nhanh chóng suy giảm chức năng.

Nguyên nhân người trẻ đột quỵ

Trước đây, đột quỵ thường gặp ở nhóm tuổi ngoài 50. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ (từ 18- 45 tuổi) đang tăng nhanh do lối sống hiện đại ít vận động, áp lực công việc cao, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh.

Yếu tố nguy cơ ở người trẻ

- Tăng huyết áp và bất thường tim mạch: Huyết áp cao hoặc rối loạn nhịp tim (như rung nhĩ) là những nguy cơ hàng đầu.

- Rối loạn chuyển hóa: Tăng lipid máu, đái tháo đường làm đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, gây tắc nghẽn máu lên não.

- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thức khuya, ăn nhiều chất béo bão hòa. Căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng đến Can, Tâm, Tỳ (theo Y học cổ truyền), đồng thời làm tăng nguy cơ đột quỵ.

- Béo phì và ít vận động: Thừa cân làm tăng gánh nặng lên hệ tim mạch, tăng nguy cơ cao huyết áp, đái tháo đường. Lười vận động làm tuần hoàn máu kém, dễ hình thành huyết khối.

- Yếu tố di truyền: Gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, đột quỵ, hoặc bất thường gen di truyền cũng làm tăng rủi ro ở người trẻ.

istock-1168179082-1722222951-2-1167-6227-1740142673.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W3WW9gTcwD8BTOG_nc0RpA

Minh họa một người bị đột quỵ tai biến mạch máu não. Ảnh: iStock

Triệu chứng nhận biết sớm

Méo miệng, liệt hoặc yếu tay chân một bên, nói khó, đau đầu dữ dội, mất cân bằng, mắt mờ đột ngột.

Xử trí bệnh nhân đột quỵ

- Nhanh chóng cấp cứu: Khi thấy dấu hiệu nghi ngờ, không tự ý dùng thuốc hay chờ đợi mà cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế hoặc các trung tâm điều trị đột quỵ gần nhất để được xử trí đúng trong thời gian sớm nhất.

- Tuyệt đối không thực hiện các phương pháp phản khoa học: Không tự thực hiện các phương pháp sơ cứu như vắt nước chanh cho người bệnh uống trực tiếp, chích máu các đầu ngón tay...

- Phối hợp Đông - Tây y: Sau giai đoạn cấp, nên cân nhắc phục hồi chức năng sớm, kết hợp điều trị Y học hiện đại và Y học cổ truyền để cải thiện di chứng, hạn chế tái phát.

Phương pháp phòng ngừa và can thiệp

- Kiểm soát huyết áp, đường huyết và mỡ máu.

- Duy trì huyết áp dưới 130/80 mmHg (theo khuyến cáo chung), kiểm soát đường huyết lúc đói và định kỳ theo dõi chỉ số lipid máu.

- Lối sống lành mạnh:

  • Hạn chế hút thuốc lá, rượu bia.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm thức ăn nhanh và chất béo bão hòa.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần (đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội...).

- Giảm căng thẳng: Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, thư giãn tinh thần (thiền, nghe nhạc, đọc sách...).

- Sử dụng thuốc phòng ngừa: Một số trường hợp được chỉ định aspirin liều thấp hoặc thuốc hạ áp, hạ lipid máu tùy tình trạng cụ thể.

- Chế độ ăn uống và dưỡng sinh:

  • Sử dụng dược thiện (món ăn 0 bài thuốc) như canh đậu đen, hạt sen, ý dĩ... tùy thể trạng.
  • Tập khí công nhẹ nhàng hoặc các bài tập dưỡng sinh truyền thống, giúp điều hòa Tạng phủ (Can, Tâm, Tỳ).

- Tầm soát nguy cơ: Người trẻ cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là khi có tiền sử gia đình về đột quỵ, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa...

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022