Ngày 21/2, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân đến viện khám khi các triệu chứng khó thở, nặng ngực xuất hiện nhiều ngày kèm cảm giác bồn chồn, bất an. Kết quả xét nghiệm về tim mạch bình thường.
Khai thác tiền sử, cô gái không gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Bác sĩ đánh giá bằng các liệu pháp tâm lý, nhận thấy bệnh nhân thường xuyên lo lắng, suy nghĩ nhiều về công việc, tiền bạc, sức khỏe hoặc các vấn đề nhỏ nhặt, nhưng không rõ lý do cụ thể.
Cô gái cho biết từ 2-3 năm trước đã luôn lo lắng về mọi thứ xung quanh như "làm sao kiếm việc làm, ăn gì để ít bệnh tật, sợ đi ô tô, máy bay, hoặc ám ảnh về những gì người khác nghĩ về mình, sợ họ tức giận, sau đó tìm mọi cách làm hài lòng".
Dần dần, cô thấy tự ti, sợ bị phê bình, hạ thấp, có xu hướng né tránh các tình huống phải gặp gỡ, giao tiếp. Các triệu chứng tâm lý ngày càng nặng dần, bệnh nhân lo lắng khi đối mặt với người khác, để ý ánh mắt và suy nghĩ của họ, tâm lý hoảng loạn.
Qua các bài kiểm tra, bác sĩ Chung chẩn đoán người bệnh mắc rối loạn lo âu, chưa rõ nguyên do. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý để cải thiện.

Rối loạn lo âu gây ra một số triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, khó thở, đau tức ngực. Ảnh minh họa: Velo City Urgent Care
Rối loạn lo âu là tình trạng căng thẳng mạn tính, không thể kiểm soát đến mức trở thành gánh nặng cản trở sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Bệnh có thể xuất phát bởi các yếu tố như di truyền; yếu tố cá nhân: tính cách, khả năng thích nghi kém; yếu tố ngoại cảnh: người thân qua đời, chuyển môi trường sống, gặp khó khăn trong công việc, mâu thuẫn gia đình...
Triệu chứng điển hình của rối loạn là cảm xúc lo lắng quá mức, kéo dài. Đơn cử, bệnh nhân thường xuyên lo về công việc, sức khỏe, tiền bạc hoặc các vấn đề nhỏ nhặt, kèm theo đó là cảm giác sợ hãi mơ hồ, lo lắng nhưng không rõ lý do cụ thể. Những cảm xúc này khó kiểm soát, dù người bệnh ý thức được sự lo lắng là không hợp lý nhưng không dừng lại. Ngược lại, họ dễ bị kích thích, căng thẳng, hay cáu gắt, bực bội với những chuyện nhỏ, suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát hoặc sợ những điều tồi tệ sẽ xảy ra.
Một số triệu chứng thể chất (do kích hoạt hệ thần kinh giao cảm) gồm tim đập nhanh, hồi hộp, khó thở, cảm giác nghẹt thở, đau ngực, tức ngực (cần loại trừ bệnh tim mạch trước), run tay chân, mỏi cơ, đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt ở lòng bàn tay, bàn chân. Cùng với đó là cảm giác đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, khô miệng, nuốt khó, mất ngủ.
Triệu chứng nhận thức bao gồm khó tập trung, dễ bị phân tâm, trí nhớ giảm. Một số trường hợp suy nghĩ rối loạn, cảm giác đầu óc trống rỗng khi lo âu, luôn nghĩ đến những kịch bản tồi tệ.
Tình trạng lo âu mạn tính không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng về tinh thần, thể chất và cảm xúc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số biến chứng bao gồm trầm cảm, giảm năng suất làm việc, cô lập xã hội, đau mạn tính... Đặc biệt, rối loạn tâm lý, căng thẳng mệt mỏi làm tăng nguy cơ phát sinh ý nghĩ và hành vi tự tử. Người mắc chứng bệnh này cảm thấy choáng ngợp, sốc trước các triệu chứng của mình, dẫn đến tuyệt vọng, suy sụp.
Bác sĩ khuyến cáo nếu có dấu hiệu rối loạn tâm lý, lo lắng, căng thẳng kéo dài, người bệnh nên đi khám để được hỗ trợ điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống. Rối loạn lo âu có thể khỏi, điều trị sớm giúp giảm đáng kể nguy cơ biến chứng.
Thúy Quỳnh