Thời tiết nồm ẩm dễ gây ra những bệnh da liễu nào?

Nấm da

Trong thời tiết nồm ẩm, da tiết nhiều dầu hơn. Bên cạnh đó, nồm ẩm cũng khiến chất bẩn dễ dàng tích tụ trên da, quần áo không được khô ráo… khiến gia tăng bệnh nấm da.

Bệnh thường phát triển ở những vùng da ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi như: Bẹn, kẽ ngón chân, tay, nếp dưới vú, nách, da đầu…Khi bị nhiễm trùng, bệnh thường xuất hiện dưới dạng phát ban có vảy hoặc gây ngứa.

Ngứa là triệu chứng đầu tiên khi bị nấm da. Triệu chứng ngứa tăng dần lên. Phản xạ ‘gãi’ của bệnh nhân nấm da sẽ làm lây lan mầm bệnh, thậm chí có thể làm nhiễm trùng da, gây mưng mủ hoặc lở loét.

dermatophytosis-lesion-vet-nurse-elbow-6708-971-1740192283061-17401922881841449383632.jpg

Không ít người bị nấm da khi thời tiết nồm ẩm.

Hậu quả của bệnh nấm da là gây nhiễm trùng da, viêm da, chàm hóa… Nếu không được chữa trị kịp thời, đúng phương pháp khó có thể loại bỏ nhanh chóng bệnh nấm da, TS.BS. Vũ Thái Hà (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết.

Mụn trứng cá

Thời tiết nồm ẩm khiến vi khuẩn phát triển mạnh kết hợp da mặt thường tiết nhiều dầu hơn là điều kiện thuận lợi cho các chất bã nhờn bít tắc lỗ chân lông, khiến nhiều người bị mụn trứng cá.

  • d-1707107957497675184765-474-0-940-746-crop-17071084934651269800076.jpg

    Đũa lên mốc "như hoa nở" khi trời nồm: Đem luộc nước sôi là có thể yên tâm sử dụng?

Bạn cần biết các mức độ và triệu chứng của bệnh để có biện pháp đối phó kịp thời.

Trứng cá nhẹ: Mụn có đầu đen hoặc đầu trắng, kèm một số nốt sần và nốt có mủ.

Trứng cá vừa: Mụn có nốt sần màu đỏ, hơi đau, có mủ nhiều hơn và có thể tạo sẹo nhỏ.

Trứng cá nặng: Có các cục nhỏ có viêm, có phù nề và nốt sần có mủ rất nhiều, gây cảm giác đau.

Bạn nên đi khám ngay từ khi bệnh ở mức độ nhẹ, để điều trị gọn và ít tốn kém. Mụn trứng cá lâu ngày không điều trị có thể lan rộng hơn, nặng hơn, để lại sẹo hoặc dễ mắc các bệnh ngoài da khác như: viêm da, dị ứng, mụn bọc, mụn mủ...

Nổi mề đay

Vào mùa nồm ẩm khi vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển mạnh và tấn công cơ thể, hệ miễn dịch sẽ ‘phản kháng’ và ở một số người có thể gây ra các triệu chứng như sưng, ngứa, nổi mề đay. Các vết mề đay có thể xuất hiện ở bất cứ chỗ nào trên khắp cơ thể bạn.

Nấm da đầu

Trong mùa nồm, bệnh nấm tóc rất dễ phát sinh vì không khí ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm, khiến tóc luôn giữ mức độ ẩm cao và trạng thái bết.

Phòng ngừa các bệnh da liễu trong mùa nồm ẩm như thế nào?

Các bệnh da liễu trong mùa nồm ẩm khiến chúng ta luôn cảm thấy không thoải mái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể hạn chế được cảm giác khó chịu nếu có ý thức và kiến thức chăm sóc da cả bên ngoài và bên trong.

Chăm sóc da bên ngoài là thế nào?

Ai cũng cần có ý thức làm sạch da. Đây là bước chăm sóc da cơ bản nhất, đặc biệt quan trọng trong mùa nồm ẩm. Bởi thời tiết mùa này là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, nấm phát triển dẫn đến mụn trứng cá, nấm da, da tiết nhiều dầu… làm sạch da sẽ giúp loại bỏ các tác nhân gây nguy hại cho da.

Làm sạch da có 2 khâu cơ bản là tẩy trang và rửa mặt. Bạn cần tẩy trang ngay cả khi không trang điểm. Đối với các bạn có trang điểm, cần sử dụng nước tẩy trang riêng cho da mặt, mắt (trường hợp sử dụng mascara), môi. Mỗi ngày rửa mặt bằng sữa rửa mặt 2 lần vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối sau khi tẩy trang.

Dưỡng ẩm hàng ngày cho da là khâu không thể bỏ qua của việc chăm sóc da. Mặc dù thời tiết nồm ẩm giúp da không bị mất nước và khô căng nhưng vẫn cần dưỡng ẩm cho da. Dưỡng ẩm đúng cách sẽ giúp da mềm mại, không bị nhăn. Và một điều quan trọng là không nên quên sử dụng kem chống nắng. Kem chống nắng cũng nên sử dụng loại có kết cấu mỏng nhẹ để không bị bết nhờn hoặc vón cục khi thoa lên da.

Chăm sóc da bên trong là thế nào?

Ngoài các bước chăm sóc da, luôn cần uống đủ nước để cấp nước cho da từ bên trong.

Chăm sóc da bên trong chính là duy trì một thực đơn ăn uống cân đối, giàu rau xanh, đầy đủ vitamin cùng khoáng chất, tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ da khỏi tác động của các yếu tố có thể gây hại.

Đặc biệt, việc kết hợp chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên rèn luyện thể lực không chỉ mang lại lợi ích cho da mà còn tạo nên sức khỏe toàn diện cho cả cơ thể.

Chăm sóc vệ sinh cá nhân và không gian sống

Vệ sinh cá nhân và giữ sạch không gian sống là yếu tố quan trọng để bảo vệ và duy trì sức khỏe của da. Đơn giản là bạn tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo sạch và khô mỗi ngày; Tránh mặc quần áo ẩm, đặc biệt là đồ lót, để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nguy cơ viêm nhiễm, đặc biệt ở khu vực nhạy cảm.

Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên và giữ chăn mền luôn sạch sẽ và khô ráo. Thay mới chăn, ga, vỏ gối thường xuyên để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của nấm mốc và vi khuẩn. Đặc biệt, ruột gối chính là ‘ổ vi khuẩn’. Vì vậy, bạn lưu ý không chỉ thay vỏ gối mà phải năng làm sạch cả ruột gối.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022