Kết quả trên được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ (ASCO), hội nghị về ung thư lớn nhất thế giới, cuối tháng 5. Nghiên cứu do Đại học College London, Bệnh viện University College London, quỹ Christie, và một số đơn vị khác phối hợp thực hiện.

Phương pháp này thậm chí có thể thay thế phẫu thuật. Pembrolizumab nhắm mục tiêu, ngăn chặn một loại protein cụ thể trên bề mặt tế bào miễn dịch, sau đó tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc sử dụng thuốc trước khi phẫu thuật, thay cho hóa trị, khiến khối u thuyên giảm ở nhiều bệnh nhân hơn.

Giáo sư Mark Saunders, chuyên gia tư vấn về ung thư lâm sàng tại Christie, cho biết kết quả thử nghiệm "thực sự rất thú vị".

"Liệu pháp miễn dịch trước phẫu thuật có thể trở thành bước ngoặt trong cuộc chiến ung thư ruột. Thuốc giúp bệnh nhân không còn phải sử dụng thêm hóa trị, vốn để lại nhiều tác dụng phụ. Trong tương lai, liệu pháp miễn dịch thậm chí có thể thay thế nhu cầu phẫu thuật", giáo sư Saunders cho biết.

Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã tuyển chọn 32 bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn hai hoặc ba. Khoảng 15% người ung thư ruột ở các giai đoạn trên có cấu trúc di truyền đặc biệt. Bệnh nhân được dùng pembrolizumab trong 9 tuần trước khi phẫu thuật, thay vì hóa trị.

Kết quả cho thấy 59% không còn dấu hiệu ung thư sau điều trị bằng pembrolizumab, 41% bệnh nhân còn lại được loại bỏ ung thư trong quá trình phẫu thuật. Tất cả bệnh nhân trong thử nghiệm đều không còn ung thư sau khi điều trị. Trong khi đó, nếu hóa trị tiêu chuẩn, chưa đến 5% người bệnh đạt được trạng thái này.

thumbnail-shutterstock-2199452-6342-8793-1717468793.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H5k-Q9cRbOCsNXApCxD6wg

Thuốc miễn dịch Pembrolizumab điều trị ung thư trước phẫu thuật. Ảnh: MIMS

"Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng, pembrolizumab là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cao, cải thiện bệnh ở những người mắc ung thư ruột, tăng cơ hội chữa khỏi bệnh ở giai đoạn đầu", tiến sĩ Kai-Keen Shiu, trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia Đại học College London, cho biết.

Shiu lưu ý nhóm nghiên cứu vẫn cần chờ xem bệnh ung thư của các bệnh nhân có tái phát hay không, song nhận định dấu hiệu hiện tại "rất tích cực". Phương pháp này đồng nghĩa với việc bệnh nhân không cần hóa trị sau phẫu thuật.

"Liệu pháp miễn dịch có thể khiến khối u biến mất trước khi phẫu thuật. Nếu bạn loại bỏ ung thư trước can thiệp xâm lấn, cơ hội sống sót tăng gấp ba lần. Ngoài ra, việc không cần hóa trị sau đó giúp bệnh nhân tránh được các tác dụng phụ", Shiu nói thêm.

Dù vậy, giáo sư Marnix Jansen tại Viện Ung thư thuộc Đại học College London, cho biết cần phải làm nhiều việc hơn để đánh giá pembrolizumab trước khi thuốc này có thể được coi là phương pháp điều trị tiêu chuẩn.

Ung thư ruột là nguyên nhân thứ hai gây tử vong liên quan đến ung thư toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có hơn 1,9 triệu ca mắc mới và hơn 900.000 ca tử vong mỗi năm.

Thục Linh (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022