Theo Nghị quyết 104/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ, 4 loại vắc-xin quan trọng sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) giai đoạn 2021-2030, nâng tổng số vắc-xin miễn phí trong chương trình này lên 15 loại.

Phóng viên: Thưa ông, đâu là lý do để Bộ Y tế đưa thêm 4 loại vắc-xin vào Chương trình TCMR cho nhiều đối tượng trong thời gian tới?

- TS - bác sĩ HOÀNG MINH ĐỨC, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: Theo Nghị quyết 104/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc- xin trong Chương trình TCMR giai đoạn 2021-2030, thêm 4 loại vắc-xin sẽ được triển khai tiêm chủng miễn phí. Đó là vắc-xin phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022; vắc-xin phòng bệnh phế cầu từ năm 2025; vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vắc-xin phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.

2-bac-si-hoang-minh-duc-w-1730639764302447005745-1730720450636-17307204522161952095514.jpg

TS - bác sĩ HOÀNG MINH ĐỨC, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Trước khi đưa vào lộ trình bổ sung trong Chương trình TCMR, 4 loại vắc-xin phòng bệnh này được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ.

Việc đưa thêm 4 loại vắc-xin vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội tiếp cận được vắc-xin để phòng bệnh. Qua đó, góp phần hạn chế nguy cơ mắc bệnh, giảm khả năng lây truyền bệnh và giảm gánh nặng bệnh tật.

Tại sao Bộ Y tế lại lựa chọn 4 loại vắc-xin này?

- Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 4 vắc-xin mới nêu trên là những loại được khuyến cáo sử dụng trong chương trình TCMR trên toàn cầu.

  • tiemchungvaccine-1727187640773-1727187641109979828442-0-113-675-1193-crop-1727187731324322496836.jpg

    Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi

Đến cuối năm 2023, trong 194 quốc gia thành viên của WHO, 121 nước đã đưa vắc-xin phòng bệnh do virus Rota vào chương trình TCMR; 155 nước đưa vắc-xin phòng bệnh do phế cầu vào chương trình TCMR. Hai loại vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung và phòng bệnh cúm mùa lần lượt có 130 và 127 quốc gia đưa vào chương trình TCMR.

Hội đồng Tư vấn sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế đã họp, thống nhất đề xuất bộ bổ sung 4 loại vắc-xin này vào Chương trình TCMR trên cơ sở phân tích gánh nặng bệnh tật của các bệnh chưa có vắc-xin trong TCMR, khuyến cáo của WHO, khả năng cung ứng vắc-xin từ các nhà sản xuất trong nước cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

2-chot-t2-ngay-4-11-17306398101681731760437-1730720453962-17307204541791329304471.jpg

Tiêm vắc-xin cho trẻ em theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở tỉnh Hà Giang. Ảnh: NGỌC DUNG

Việt Nam hiện có 2 hình thức tiêm chủng, gồm TCMR và tiêm chủng dịch vụ. Mặc dù có nhiều sự lựa chọn giữa TCMR và tiêm chủng dịch vụ cho trẻ nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện sử dụng tiêm chủng dịch vụ.

Trong khi đó, vắc-xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để kéo giảm tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Như vậy, khi 4 vắc-xin mới bổ sung được triển khai, nhiều người sẽ có thêm cơ hội tiếp cận được vắc-xin để phòng bệnh.

Đến nay - năm 2024, những vắc-xin nào được tiêm miễn phí, thưa ông?

- Ngày 13-6 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 10/2024 về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc - thay thế Thông tư 38/2017.

Thông tư 10/2024 bổ sung vắc-xin Td liều tiêm nhắc lại (vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều), sử dụng cho trẻ đủ 7 tuổi; vắc-xin bại liệt liều tiêm cho trẻ đủ 9 tháng tuổi; vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota cho trẻ dưới 1 tuổi. Trong đó, vắc-xin phòng bệnh do virus Rota - được bổ sung theo Nghị quyết 104/NQ-CP của Chính phủ - đã triển khai tại 32 tỉnh, thành; tiến tới thực hiện tại 41 địa phương vào năm 2025 và cả nước từ năm 2026.

Hiện tại, có 11 loại vắc-xin được sử dụng trong Chương trình TCMR, gồm: Vắc-xin viêm gan B sơ sinh, vắc-xin lao, vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td), vắc-xin uốn ván, vắc-xin bại liệt uống, vắc-xin sởi, vắc-xin sởi - Rubella, vắc-xin viêm não Nhật Bản, vắc-xin Rota, vắc-xin DPT-VGB-Hib.

Những vắc-xin nêu trên được triển khai để ngừa các bệnh truyền nhiễm gồm: viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus Influenzae type B, sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella, tiêu chảy do virus Rota.

Với việc bổ sung 4 loại vắc-xin mới, theo lộ trình, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 15 loại vắc-xin miễn phí sử dụng trong Chương trình TCMR. Trẻ em và phụ nữ có thai được sử dụng vắc-xin trong chương trình này không phải chi trả bất cứ chi phí nào. Bên cạnh đó, các nhóm khác cũng được tiêm chủng miễn phí theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm gồm: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch.

Thời gian qua, nhiều loại vắc-xin trong Chương trình TCMR thường xuyên thiếu hụt. Bộ Y tế có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Ảnh hưởng dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc gián đoạn cung ứng vắc-xin trong Chương trình TCMR năm 2022.

Trước bối cảnh đó, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Quốc hội bố trí, phê duyệt kinh phí cho hoạt động TCMR, bao gồm kinh phí mua sắm vắc-xin. Bộ Y tế cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch TCMR hằng năm trên cơ sở đề xuất nhu cầu của các địa phương và theo dõi sát sao tình hình cung ứng vắc-xin tại các tuyến để đưa ra những giải pháp kịp thời.

Từ đầu năm 2023, nguồn cung vắc-xin bắt đầu có trở lại nhưng vẫn chưa đầy đủ. Một số địa phương đã triển khai kế hoạch tiêm bù mũi nhưng tỉ lệ bao phủ vẫn chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh các giải pháp về pháp lý, quản lý và điều hành, từ tháng 8 đến tháng 12-2023, Bộ Y tế đã đề xuất hỗ trợ, viện trợ một số loại vắc-xin cho Chương trình TCMR trong thời gian được phê duyệt kinh phí năm 2023. Kết quả, khoảng 748.000 liều vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván, viêm gan B và Hib (DPT-VGB- Hib) được các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ để phân bổ cho 63 tỉnh, thành tổ chức tiêm chủng.

Ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế các địa phương tích cực, chủ động thực hiện ngay việc tiêm bù, tiêm vét cho trẻ bỏ lỡ các mũi tiêm trong năm 2023 do gián đoạn nguồn cung ứng vắc-xin; duy trì tiêm chủng thường xuyên nhằm bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng, miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.

Tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã mua sắm các loại vắc-xin đã hết, cần cung ứng ngay để tiêm chủng cho phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh, gồm 660.000 liều vắc-xin uốn ván, 1.034.000 liều vắc-xin VGB. Bộ Y tế còn huy động sự hỗ trợ của các tổ chức về vắc-xin để tiêm chủng phòng chống dịch bệnh sởi, với 1.134.000 liều.

Vừa qua, sau khi được Chính phủ giao bổ sung ngân sách mua vắc-xin trong Chương trình TCMR năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ Y tế đang khẩn trương thực hiện các thủ tục mua sắm để kịp thời cung ứng cho các tỉnh, thành tổ chức tiêm chủng trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025. 

Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch

Bộ Y tế cho biết một số bệnh truyền nhiễm tái nổi, mới nổi đang có xu hướng gia tăng hoặc quay trở lại, như sởi, ho gà, bạch hầu, cúm, thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng, não mô cầu, đậu mùa khỉ, cúm A/H5N1, dại, than.

Với các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu, vắc-xin hiện được tiêm miễn phí trong Chương trình TCMR. Các bệnh cúm, thủy đậu, sốt xuất huyết, não mô cầu, dại cũng đã có vắc-xin phòng ngừa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, đang được tiêm chủng dịch vụ.

Thời gian qua, nhiều dịch bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… đã xảy ra, song một số nơi, một số thời điểm có tỉ lệ tiêm chủng còn thấp. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin; coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng và toàn xã hội.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022