Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa và BS.CK1 Võ Ngọc Duy, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175.
Đau nhói bả vai là cảm giác đau đột ngột ở vùng bả vai, tương tự như bị véo, bị kim chích hoặc bị đánh vào vai. Triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột khi bạn thực hiện một động tác mạnh ở vai, nâng một vật nặng hoặc thậm chí khi bạn giữ vai trong một tư thế cố định quá lâu. Đôi khi, cảm giác đau nhói này còn kèm theo các dấu hiệu khác như tê bì, yếu cánh tay hoặc khó cử động vai.
Những nguyên nhân phổ biến gây đau nhói bả vai
Đau nhói bả vai có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến cần lưu ý:
Bệnh lý rễ cổ
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau nhói ở bả vai. Khi các rễ thần kinh thoát ra từ đốt sống cổ bị chèn ép do thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm hoặc sự hình thành các gai xương, chúng có thể gây cảm giác đau nhói từ vùng cổ, lan xuống bả vai và cánh tay. Người bệnh thường cảm thấy cánh tay và các ngón tay tê bì hoặc yếu đi.
Viêm gân chóp xoay
Gân chóp xoay bao gồm một nhóm các gân và cơ có vai trò ổn định khớp vai. Khi gân bị tổn thương, viêm do các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc các động tác vận động vai quá mức, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói đột ngột khi cử động vai hoặc giơ tay lên cao.
Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng
Bao hoạt dịch là một túi chứa chất lỏng giúp giảm ma sát giữa các cơ và gân khi vận động vai. Viêm bao hoạt dịch xảy ra khi túi này bị viêm, thường do chấn thương hoặc sử dụng quá mức. Triệu chứng thường là đau nhói khi nâng cánh tay hoặc thực hiện các động tác với vai.
Viêm gân nhị đầu
Gân nhị đầu là gân nối giữa vai và bắp tay. Khi gân này bị viêm do sử dụng quá mức hoặc do chấn thương, người bệnh có thể cảm thấy đau nhói ở bả vai, đặc biệt là khi nâng cánh tay. Nếu không được điều trị, viêm gân nhị đầu có thể dẫn đến tình trạng yếu cánh tay và gây đau nhói liên tục.
Viêm khớp vai
Viêm khớp vai xảy ra khi sụn khớp bị thoái hóa hoặc bị tổn thương do chấn thương hoặc quá trình lão hóa. Viêm khớp gây ra cảm giác đau nhói khi khớp vai phải hoạt động nhiều, kèm theo sự cứng khớp và tiếng kêu lục cục khi cử động.
Làm thế nào để nhận biết nguyên nhân gây đau nhói bả vai?
Việc xác định nguyên nhân chính xác của đau nhói bả vai đòi hỏi phải được thăm khám và chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa. Một số phương pháp chẩn đoán phổ biến bao gồm:
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng cử động của vai, vị trí và mức độ đau nhói, cùng với độ nhạy cảm của vùng vai và cánh tay.
Chụp X-quang: Giúp xác định các tổn thương về xương hoặc khớp vai như gai xương hoặc thoái hóa.
Chụp MRI: Giúp phát hiện các vấn đề liên quan đến gân, cơ, và các mô mềm khác xung quanh vùng vai.
Điện cơ: Được sử dụng để đánh giá chức năng của dây thần kinh, rễ thần kinh và cơ, giúp xác định xem có sự chèn ép hoặc tổn thương nào không.
Bác sĩ đo điện cơ cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phương pháp điều trị nào phù hợp với đau nhói bả vai?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhói, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Điều trị bảo tồn: Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm kết hợp với vật lý trị liệu nhằm tăng cường sức mạnh cơ vai và cải thiện phạm vi cử động của khớp. Các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh cơ vùng vai cũng rất hiệu quả.
Tiêm corticoid: Đây là biện pháp dùng để giảm viêm và đau trong các trường hợp viêm gân, viêm bao hoạt dịch hoặc viêm khớp nghiêm trọng.
Phẫu thuật: Trong trường hợp gân bị rách hoàn toàn, thoát vị đĩa đệm gây chèn ép nặng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác không thể cải thiện bằng phương pháp bảo tồn, phẫu thuật có thể được khuyến nghị để sửa chữa tổn thương.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu cảm thấy đau nhói vai liên tục, không giảm khi nghỉ ngơi hoặc có thêm các triệu chứng khác như tê bì cánh tay, yếu cơ hoặc giảm khả năng vận động vai, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các cơn đau nhói kéo dài có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn hoặc hạn chế khả năng vận động nếu không được điều trị đúng cách.
Đau nhói bả vai không phải là một triệu chứng đơn giản mà có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến cơ, gân và khớp. Việc hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của đau nhói bả vai sẽ giúp người bệnh phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp. Điều quan trọng là khi gặp phải tình trạng này, bạn cần thăm khám và tư vấn bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.
Lê Phương